Ngày 23-8, ông Đàm Thanh Lạc - hiệu trưởng Trường THPT Giồng Riềng (huyện Giồng Riềng, tỉnh Kiên Giang) - cho biết nhà trường hiện hoàn thành xong công tác chuẩn bị cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, sửa chữa phòng học cũng như thống kê trang thiết bị cần mua sắm, hóa chất, phục vụ thí nghiệm, thực hành cho các em học sinh trong năm học mới.
Hợp đồng và phân công giáo viên dạy liên trường
"Năm học 2023-2024, nhà trường có 35 lớp (khoảng 1.500 học sinh khối 10, khối 11, khối 12). Nhà trường có đội ngũ giáo viên ổn định. Tuy nhiên, đáp ứng nguyện vọng chọn lựa môn học như: âm nhạc và mỹ thuật của học sinh, nhà trường hợp đồng thêm giáo viên để giảng dạy", thầy Lạc nói.
Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Kiên Giang cho biết năm học 2023-2024, Kiên Giang có 632 trường (từ mầm non đến THPT) với khoảng 345.137 học sinh ở các cấp học. Toàn ngành có khoảng 21.067 cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên.
Ông Huỳnh Văn Hóa - phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Kiên Giang - khẳng định Kiên Giang hiện còn thiếu nhiều giáo viên dạy các môn như: tin học, ngoại ngữ, nhạc, mỹ thuật… cho cấp tiểu học và trung học.
Về giải pháp, sở đã trình UBND tỉnh Kiên Giang kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, phục vụ dạy học lâu dài như: hướng giải quyết đầu ra phù hợp cho giáo viên lớn tuổi không đáp ứng nhu cầu đổi mới của chương trình học; phối hợp với địa phương tổ chức thi tuyển giáo viên mới.
"Chúng tôi sẽ phân công giáo viên dạy học hợp lý. Với các môn học đặc trưng, giáo viên các trường có thể tăng giờ dạy học; hợp đồng giáo viên. Sở sẽ phân công giáo viên dạy liên trường để đảm bảo dạy học cho các em", ông Hóa cho hay thêm.
Hỗ trợ giáo viên ở các điểm trường khó khăn
Năm học 2023-2024, Đồng Tháp cần khoảng 1.405 giáo viên dạy các cấp học. Trong đó, giáo viên mầm non 428, tiểu học 316, giáo viên môn tiếng Anh 180, giáo viên môn tin học 125 và ngữ văn 105 giáo viên.
Bà Nguyễn Thúy Hà - giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đồng Tháp - thông tin Đồng Tháp có 479 trường đang thiếu giáo viên, tập trung chủ yếu các trường vùng sâu vùng xa, vùng khó khăn như: huyện Hồng Ngự, Cao Lãnh, Lai Vung, Tam Nông…
Theo bà Hà, việc thiếu giáo viên do một số nguyên nhân như nghỉ hưu trước tuổi, chủ động thôi việc, thu nhập không cao so với các nghề khác, áp lực công việc có chiều hướng tăng. Đặc biệt, việc tuyển dụng giáo viên tin học và tiếng Anh khó khăn vì các môn này cơ hội việc làm nhiều, lương cao.
Hiện Đồng Tháp đã triển khai tổ chức tuyển dụng giáo viên trong biên chế được giao; sắp xếp các cơ sở giáo dục quy mô nhỏ; biệt phái hoặc điều động giáo viên từ trường thừa sang trường thiếu đã thực hiện ở 12 huyện thị trong toàn tỉnh.
"Về lâu dài, chúng tôi sẽ tham mưu chính sách hỗ trợ sinh hoạt phí, nhà trọ, đi lại đối với sinh viên được tuyển dụng vào các trường khu vực khó khăn, khó tuyển dụng giáo viên (dự kiến mức 1 triệu đồng/tháng trong vòng 5 năm)", bà Hà thông tin thêm.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận