Phóng to |
Xe ben và xe cuốc đang khai thác đất mặt ruộng ở các phường ven thị xã Sóc Trăng |
Nhiều người vì ham lợi trước mắt nên đã “rước” xe cuốc, xe ben… vào ruộng đào bới lớp đất mặt bán với giá 25 - 30 triệu đồng/ha
Giữa trời nắng đổ lửa, hai chiếc xe cuốc gầm rú bóc lớp đất mặt trên cánh đồng rộng khoảng 10ha (phường 10, thị xã Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng) để “tập đoàn xe ben” của Công ty D.P. mang đi san lấp mặt bằng ở khu văn hóa Hồ Nước Ngọt. Quan sát gần một ngày chúng tôi đếm khoảng 120 lượt xe ben ra vào lấy đất vô tư. Trung bình một xe có thể chở 8-10m3 đất thì ở khu ruộng này đã mất đi 1.000 - 1.200m3 đất mặt ruộng/ngày.
Không chỉ có “tập đoàn xe ben” chuyên khai thác đất mặt ruộng của Công ty D.P. mà tại thị xã Sóc Trăng có rất nhiều công ty xây dựng đi “săn” đất nên khối lượng đất mặt ruộng ở thị xã Sóc Trăng đã bị bóc hàng chục ngàn m3/ngày. Anh T. - giám đốc một công ty chuyên san lấp mặt bằng ở phường 7, thị xã Sóc Trăng- cho biết hiện nay nhu cầu tôn cao nền nhà, san lâp ao mương, nâng cao cốt nền ở các khu dân cư tại thị xã Sóc Trăng rất lớn nhưng ít ai chịu bơm cát vì giá đất rẻ hơn giá cát rất nhiều.
Còn anh H. - một nông dân ở phường 3, thị xã Sóc Trăng, đang bán đất mặt ruộng cho Công ty T.N. - thì giải thích: “Do ruộng quá nhiều gò, trồng lúa không hiệu quả nên tôi mới kêu xe cuốc vào để... cải tạo lại đất, vừa hết gò vừa có thêm thu nhập”. Đó là một trong hàng trăm lời lý giải của các nông dân đã và đang bán đất mặt ruộng ở ĐBSCL nói chung và Sóc Trăng nói riêng.
Ông Phạm Văn Đang - phó giám đốc Sở Tài nguyên - môi trường tỉnh Sóc Trăng - cho biết không chỉ có ở thị xã Sóc Trăng mà hiện nay ở tám huyện còn lại trong tỉnh này cũng diễn ra tình trạng khai thác đất mặt ruộng để san lấp mặt bằng một cách bừa bãi, công khai do người dân chỉ nghĩ đến cái lợi trước mắt mà bỏ qua những hậu quả về sau.
Ở Bạc Liêu, đất mặt ruộng được kêu bán nhiều nhất ở các phường, xã nằm dọc tuyến quốc lộ 1A thuộc địa bàn thị xã Bạc Liêu và huyện Vĩnh Lợi với giá khoảng 2,5 triệu đồng/công (1.000m2). Do các khu dân cư, nhà cao tầng… lần lượt được xây dựng để thị xã Bạc Liêu trở thành đô thị loại 3 sau năm 2005 nên các công ty chuyên san lấp mặt bằng đã “vươn vòi” ra các địa phương lân cận để đưa đất mặt ruộng về thị xã.
Nạn khai thác đất mặt ruộng không chỉ có ở Sóc Trăng, Bạc Liêu mà cũng đã xuất hiện ở TP Cần Thơ, tỉnh Cà Mau, Trà Vinh... dù ngành chức năng các tỉnh, thành này đã nhiều lần khuyến cáo, nghiêm cấm người dân không được khai thác đất mặt ruộng bởi đây là một trong những hình thức trực tiếp hủy hoại nguồn tài nguyên đất và về lâu dài làm năng suất lúa bị giảm.
Một nghịch lý ở các tỉnh ĐBSCL là trong khi phòng tài nguyên - môi trường một số địa phương không cho phép khai thác đất mặt ruộng thì ngược lại phòng kinh tế lại tham mưu với UBND huyện, thị cho phép người dân “cải tạo” đất ruộng. Chính vì được phép “cải tạo” nên nhiều người bán đất mặt ruộng tràn lan, không kiểm soát được. Một số nhà khoa học cho biết lớp đất mặt chính là lớp đất chứa nhiều dinh dưỡng, nhiều chất màu mỡ giúp cây lúa phát triển tươi tốt.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận