25/03/2013 12:16 GMT+7

Miền sông nước mặn "tóe lửa"

TẤN ĐỨC
TẤN ĐỨC

TT - Nằm lọt thỏm giữa vùng Miệt Thứ, kênh rạch chằng chịt, vậy mà bao đời nay cả ngàn hộ dân ở xã Biển Bạch (huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau) luôn sống trong cảnh thiếu nước ngọt triền miên.

DCEVtJpv.jpgPhóng to
Khan hiếm nước sạch, mỗi ngày bà Sáu “bánh bò” ở ấp 18 chỉ dám xài chừng 4 lít nước dự trữ - Ảnh: Tấn Đức

Tình hình càng trở nên trầm trọng khi mùa khô năm nay nguồn nước ngầm đã hiếm lại nhiễm phèn nặng hơn, trong khi nguồn nước mặt trên sông rạch khô sắc lại, mặn “tóe lửa”...

Trông nước từng giờ

Xế trưa, dưới bóng cây trâm bầu cặp bên dòng sông Trẹm, thuộc ấp 18, xã Biển Bạch, ông Năm Khách đang ngồi cắt tóc. Chợt nghe văng vẳng tiếng ghe máy từ hướng kênh 16, ấp Thanh Tùng chạy vô, ông Năm Khách liền day mặt vô nhà gọi lớn: “Bay ơi, ra coi có phải ghe đổi nước của Út Danh không, mấy cái lu khô hết trọi rồi”. Nguyên, người con trai út của ông Năm, sau khi ra bờ sông đón ghe đã thất vọng thông báo lại với cha: “Đúng ghe Út Danh rồi, nhưng ổng rải (đổi nước) dọc đường hết rồi, còn cái ghe không”. Vậy là ông Năm Khách đành chịu trận, để tóc dính khắp người, hi vọng chuyến ghe đổi nước cuối ngày về ngang sẽ còn ít nước để ông tắm.

Không đến nỗi “bức xúc” vì bị tóc vụn đâm ngứa ngáy như ông Năm Khách, nhưng nhóm thanh niên Tâm, Thành, Khánh ở cùng xóm cũng đang tụm lại canh ghe đổi nước từ An Minh (Kiên Giang) chạy qua để “xả mặn” sau một ngày hì hục làm việc ngoài vuông tôm. “Nhiều khi mình gọi điện cho họ chở nước từ Kiên Giang vô, công cán tính bao nhiêu cũng được, nhưng trên đường đi họ bị mấy hộ dân phía ngoài chặn lại nài nỉ quá đành chia cho mỗi nhà một ít. Tới chừng vô được tới đây, ghe chục khối nước chỉ còn lưng nửa, anh em chúng tôi đành phải chia nhau mà xài” - anh Khánh kể.

Theo ghi nhận của chính quyền địa phương, toàn xã Biển Bạch có hơn 50% trên tổng số 1.800 hộ (gần 9.000 nhân khẩu) thiếu nước sạch sử dụng triền miên, tập trung ở hai ấp Thanh Tùng và ấp 18, trải dọc đôi bờ sông Trẹm. “Nước sông Trẹm mặn tóe lửa (ban đêm khỏa nước sẽ thấy đỏ rực), không thể sử dụng được. Tất cả chỉ trông chờ vào mấy chiếc ghe chuyên đi đổi nước của người dân bên tỉnh Kiên Giang lân cận”- ông Phạm Trường Sơn, phó chủ tịch UBND xã Biển Bạch, cho biết.

Tiền nước nhiều hơn tiền gạo

Ông Mười Coi (Nguyễn Văn Coi), trưởng ấp 18, nhớ lại: “Trước đây người dân địa phương thường đào ao trữ nước mưa để dùng trong mùa khô, nhưng bây giờ ao cũng bị nhiễm phèn hoặc nhiễm mặn như nước sông rạch. Vậy là ai nấy lại quay qua trữ nước ngọt bằng lu, khạp. Nhiều cơ sở đúc lu bằng ximăng ra đời. Một cái có sức chứa chừng 800 lít có giá 350.000 đồng. Nhưng vì nhu cầu nước sinh hoạt hằng ngày từ tắm giặt tới ăn uống quá lớn nên không có phương tiện nào trữ đủ”.

Nắm bắt nhu cầu của người dân, một số gia đình có ghe lớn đã trang bị máy bơm rồi trải bạt nhựa vào lòng ghe, chở nước ngọt từ nơi khác đến bán (đổi nước). Do phải lấy nước ngọt từ sông rạch cách địa bàn xã Biển Bạch cả chục cây số, hoặc vô kênh 16 nơi có thể khoan được cây nước (nhưng lưu lượng có thể khai thác rất thấp) nên giá nước sạch liên tục tăng vọt. Mùa khô năm ngoái giá đổi nước ngọt vào khoảng 30.000-35.000 đồng/lu (khoảng 800 lít), tùy theo khoảng cách bơm từ ghe lên. Sang mùa khô năm nay, giá nước liên tục tăng và hiện ở mức 45.000-50.000 đồng/lu. Cá biệt, vào những ngày nắng nóng vừa qua, do nhu cầu tăng vọt, giá đổi nước có khi lên tới 60.000 đồng/lu. “Thấy giá nước lên cao quá, gia đình tôi đã cắt cử một người chuyên đi vận chuyển nước từ kênh 16 về dùng. Nhưng từ đây ra tới đó mất mấy cây số, mà vỏ lãi cũng chỉ chở được có 5-7 khạp nhỏ nên tính ra chi phí xăng dầu còn cao hơn đổi nước của ghe” - anh Phan Văn Thanh (nhà ở ấp Thanh Tùng) cho hay.

Với giá đổi nước như hiện nay, khoản chi tiêu của nhiều gia đình đã tăng đáng kể. “Vợ chồng tui cùng hai con (7 và 12 tuổi) xài nhín nhút lắm vậy mà chỉ hai ngày đã bay hết một lu (loại 800 lít). Tính ra chi cho tiền nước sạch lên tới 25.000 đồng/ngày, trong khi tiền gạo hằng ngày chỉ 15.000 đồng” - ông Trần Hữu Thành (ở ấp 18) than thở. Với nhiều người thu nhập thấp, việc sử dụng nước luôn được tính toán hết sức chi li. “Nhà tôi chỉ có hai cái lu. Một cái tôi chứa nước mưa chỉ dùng để nấu ăn hằng ngày, cái còn lại chứa nước lợ tôi xin ở các ao về lóng phèn, dùng để xối đỡ sau khi tắm nước mặn” - bà Sáu “bánh bò” (Trần Thị Hồng), ở ấp 18, bộc bạch.

TẤN ĐỨC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên