11/07/2013 07:27 GMT+7

Miễn nhiệm chức chủ tịch tỉnh của ông Trần Khiêu

V.TR. - S.BÌNH - NGỌC TÀI
V.TR. - S.BÌNH - NGỌC TÀI

TT - Ngày làm việc thứ hai kỳ họp HĐND tỉnh Trà Vinh 10-7 đã biểu quyết miễn nhiệm chức vụ chủ tịch UBND tỉnh đối với ông Trần Khiêu và chức phó chủ tịch UBND tỉnh đối với ông Tống Minh Viễn.

coiGefte.jpgPhóng to
Người dân huyện Chợ Lách (Bến Tre) phải chi tiền gia cố đê chống xâm nhập mặn, bảo vệ vườn cây ăn trái - Ảnh: Ngọc Tài

Cùng thời điểm này HĐND tỉnh Bến Tre đã khai mạc kỳ họp giữa năm. Còn tại tỉnh Tiền Giang, nhiều vấn đề nóng tiếp tục được HĐND tỉnh mổ xẻ.

Trà Vinh: chủ tịch tỉnh được nghỉ hưu sớm

HĐND tỉnh đã thông qua đơn xin từ nhiệm của ông Trần Khiêu (chủ tịch UBND tỉnh) và đơn của ông Tống Minh Viễn (phó chủ tịch UBND tỉnh). Theo đó, ông Trần Khiêu xin nghỉ hưu sớm vì lý do sức khỏe. Còn ông Tống Minh Viễn xin từ nhiệm do chuyển công tác khác. Đại biểu HĐND thống nhất ông Trần Khiêu thôi giữ chức vụ chủ tịch UBND tỉnh nhiệm kỳ 2011-2016, hưởng nguyên các chế độ chính sách, chờ đủ tuổi sẽ nghỉ hưu. Ông Viễn cũng được HĐND chấp nhận thôi giữ chức vụ phó chủ tịch UBND tỉnh nhiệm kỳ 2011-2016 để giữ chức vụ trưởng Ban dân vận Tỉnh ủy Trà Vinh. HĐND tỉnh Trà Vinh đã bầu ông Đồng Văn Lâm (bí thư Huyện ủy Trà Cú) giữ chức vụ phó chủ tịch UBND tỉnh nhiệm kỳ 2011-2016.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, bà Sơn Thị Ánh Hồng, phó chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh, cho biết trước kỳ họp HĐND, Ban chấp hành và Ban thường vụ Tỉnh ủy Trà Vinh cũng đã chấp nhận cho ông Trần Khiêu thôi giữ chức vụ phó bí thư tỉnh ủy theo đơn của ông. Lý do ông Khiêu xin từ nhiệm phó bí thư tỉnh ủy và chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh đều là vấn đề sức khỏe.

Chiều cùng ngày, HĐND tỉnh lấy phiếu tín nhiệm đối với 12 chức danh do HĐND tỉnh bầu. Kết quả, ông Dương Hoàng Nghĩa - chủ tịch HĐND tỉnh - thu được với 39/50 phiếu tín nhiệm cao, đạt tỉ lệ cao nhất (78%). Trong khi đó, ông Kim Dương (trưởng Ban dân tộc HĐND tỉnh) và ông Bùi Thiết Côn (ủy viên UBND tỉnh) có phiếu tín nhiệm cao chiếm tỉ lệ thấp nhất (30%-32%) và số phiếu tín nhiệm thấp chiếm tỉ lệ cao (14%-20%).

Tiền Giang: ghe hút cát lậu đi rồi công an mới tới

Trong tổng hợp ý kiến cử tri phản ảnh với HĐND tỉnh Tiền Giang, nhiều cử tri cho rằng không phải chỉ ở tỉnh Đồng Tháp mới “nóng” chuyện khai thác cát lậu, ở Tiền Giang tình hình cũng rất nghiêm trọng. Có điều tại Đồng Tháp, một số lãnh đạo cao cấp ở huyện đã bị khởi tố vì “bảo kê” cho khai thác lậu, còn tại Tiền Giang thì ngược lại: khai thác cát lậu ầm ầm nhưng không ai bắt. Rất nhiều nơi bị sạt lở, đất đai, vườn tược bị mất làm ảnh hưởng đến cuộc sống bình thường của họ.

Cử tri xã Thới Sơn (TP Mỹ Tho) phản ảnh tình trạng bơm hút cát trái phép trên sông Tiền diễn ra hằng ngày, hằng đêm. Các số điện thoại nóng của tổ kiểm tra liên ngành công an, môi trường cung cấp thì họ gọi không ai nghe. “Không hiểu sao khi thấy ghe cát bỏ đi chừng 10 phút thì thấy cảnh sát giao thông đường thủy tới. Các tin báo ghe hút cát lậu bị lộ chăng?” - cử tri bức xúc. Vì lý do đó cử tri đề nghị nên cho phép công an xã tham gia bắt, xử lý các ghe cát lậu thì mới có thể làm giảm tình trạng này được.

Về vấn đề này, Công an Tiền Giang giải trình là do cử tri không nói rõ đã gọi số máy nào nên không kiểm chứng được, chỉ hứa sẽ nhắc nhở cán bộ, chiến sĩ đảm bảo chế độ trực nhận tin báo của người dân. Về kiến nghị cho công an xã tham gia bắt ghe cát lậu, công an tỉnh dẫn quy định của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực khoáng sản để khẳng định công an xã không có thẩm quyền xử phạt. Công an xã chỉ có thể kiểm tra, giữ người, phương tiện và báo thanh tra Sở Tài nguyên - môi trường lập biên bản.

Bến Tre: bức xúc với các công trình thủy lợi

“Nóng” nhất trong số hàng loạt ý kiến cử tri phản ảnh với HĐND tỉnh Bến Tre lần này chính là có quá nhiều công trình thủy xây dựng dở dang, chậm tiến độ hoặc chưa phát huy hiệu quả. Thậm chí có vài công trình đã bị hư hỏng hoặc xuống cấp nặng ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống của người dân.

Cử tri xã An Thạnh (huyện Mỏ Cày Nam) phản ảnh trên địa bàn huyện có một số công trình đê bao chưa phát huy tác dụng, nước mặn xâm nhập sâu, thời gian nhiễm mặn kéo dài đã gây thiệt hại nặng nề cho cây trồng, vật nuôi. Mùa nước mặn vừa qua có hơn 1.000ha diện tích lúa ở ba huyện ven biển. Còn cử tri xã Phú Đức (huyện Châu Thành) đề nghị tỉnh trả lời: “Chừng nào Nhà nước đầu tư đê bao ven sông Tiền?”. Ngoài ra người dân tiếp tục đề nghị khảo sát, xây dựng tuyến đê dọc sông Ba Lai để chống ngập úng mỗi khi có triều cường xảy ra. Người dân cũng kiến nghị tỉnh nhanh chóng thi công đê Hàm Luông, hàn sông Phước Mỹ...

Ngoài, ra, cử tri các địa phương cũng bức xúc tình trạng nhiều hộ dân đốn dừa, đào ao nuôi tôm rồi đào giếng tầng sâu để lấy... nước mặn nuôi tôm ngay trong vùng ngọt hóa. Việc làm này đã và sẽ tiếp tục gây hậu quả nghiêm trọng về môi trường và làm vùng ngọt hóa nhiễm mặn không thể sản xuất được. Vấn nạn này đang “nóng” tại các xã Lộc Thuận, Phú Vang, Vang Qưới Đông, Thới Lai (huyện Bình Đại). Riêng xã Thới Lai đã thống kê được có đến 15ha vườn bị đào lên chỉ để lấy... nước mặn.

Về vấn đề đào giếng nước mặn, ông Cao Văn Trọng, phó chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre, chỉ đạo hướng giải quyết như sau: những vùng ngọt hóa mà hệ thống thủy lợi chưa khép kín thì vẫn cho sản xuất nhưng nghiêm cấm mở rộng diện tích. Riêng đối với vùng đã ngọt hóa, do người dân đã thả giống nên tạm thời cho nuôi thêm năm 2013. Khi kết thúc vụ nuôi thì yêu cầu phải tự lấp giếng và không nuôi nữa. Tỉnh sẽ kiên quyết xử lý các hộ vi phạm. Và kể từ ngày 1-7-2013 tỉnh sẽ xử phạt nghiêm các trường hợp đào giếng mới.

V.TR. - S.BÌNH - NGỌC TÀI

V.TR. - S.BÌNH - NGỌC TÀI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên