Thời tiết miền Nam nắng gắt, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM khuyến cáo để phòng ngừa sốc nhiệt cần phải uống nước đầy đủ.
Đặc biệt khuyến khích người lao động uống nước đều đặn, ngay cả khi chưa cảm thấy khát. Riêng miền Bắc khí hậu lại mưa lạnh, giao mùa, cần lưu ý sức khỏe.
Đừng chủ quan khi làm việc trong môi trường nóng
Bác sĩ Nguyễn Huân - chuyên khoa dinh dưỡng, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) - cho biết thời tiết nắng nóng tăng khiến cơ thể tiết nhiều mồ hôi hơn, rất dễ bị mất nước kèm theo mất điện giải.
Cần uống nhiều nước hơn, nếu không sẽ dẫn đến tình trạng mất nước.
Trường hợp mất nước nhẹ sẽ bị chóng mặt, buồn nôn hoặc đau đầu, lưỡi và miệng khô, nước tiểu màu vàng sẫm hoặc nâu...
Mất nước nặng thường cảm giác rất khát, mệt mỏi, nhợt nhạt, mắt trũng sâu, bứt rứt, buồn ngủ, thở nhanh hơn bình thường, nhịp tim nhanh.
Theo bác sĩ Huân, tùy từng lứa tuổi, từng trường hợp mà nhu cầu nước hằng ngày sẽ khác nhau.
Theo khuyến cáo của chuyên gia, phụ nữ cần uống khoảng 2 lít nước mỗi ngày, nam giới cần khoảng 2,5 lít nước mỗi ngày. Nếu hoạt động trong môi trường nóng hoặc nếu tập thể dục thì cần một lượng nước lớn hơn.
Ngoài uống nước, chúng ta có thể cung cấp nước cho cơ thể bằng các loại rau củ như cải thìa, cải xanh, củ cà rốt; nước ép cà chua, cam, bưởi, táo, lê, dưa hấu...
Những loại nước này có chứa một số vitamin và khoáng chất giúp tăng cường sức đề kháng, rất phù hợp trong thời tiết nắng nóng.
Bác sĩ Huỳnh Tấn Vũ - giảng viên khoa y học cổ truyền, Trường đại học Y Dược TP.HCM - cho biết cần uống nước đúng cách.
Nếu uống quá nhiều nước một lúc, cơ thể có cảm giác rất khát, đây lại là cách uống nước gây nguy hiểm cho cơ thể. Do đó cần uống chậm, uống thành từng ngụm nhỏ để cơ thể kịp đáp ứng.
Có thể sử dụng dung dịch oresol, nước chanh hoặc nước trái cây và không sử dụng các loại đồ uống có cồn. Chú ý không nên tắm ngay sau khi đi nắng về, vì đây là lúc cơ thể tiết ra nhiều mồ hôi, thân nhiệt thay đổi đột ngột sẽ nguy hiểm, dễ dẫn đến đột quỵ.
Ẩm thấp, môi trường cho vi rút lây lan
Miền Bắc đang tiếp tục đón không khí lạnh tăng cường, trời rét kèm theo mưa, ẩm là điều kiện thuận lợi cho các mầm bệnh phát triển. Thời gian qua, nhiều người phải nhập viện do mắc các bệnh truyền nhiễm.
Tại Hà Nội và nhiều tỉnh thành phía Bắc trời âm u, sương mù, mưa rải rác. Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, tình trạng thời tiết này kéo dài trong 10 ngày tới.
Các chuyên gia cảnh báo thời tiết lạnh, nồm ẩm, ít ánh nắng là điều kiện thuận lợi cho các vi khuẩn, vi rút gây bệnh phát triển và lây lan. Đặc biệt dễ gây bệnh cho những người có sức khỏe yếu như người già, trẻ em, phụ nữ mang thai, người có bệnh lý nền.
Bà N.T.L. (Hưng Yên) bắt đầu xuất hiện triệu chứng ho gần một tháng nay. Ban đầu, bà và các con nghĩ do thời tiết thay đổi nên không quá quan tâm, cho đến khi bà L. bắt đầu mệt, không ăn uống được mới đến viện thăm khám.
Lúc này bà phải nhập viện vì viêm phổi trên nền bệnh tim.
Tương tự, nhiều trẻ nhập viện do mắc các bệnh đường hô hấp. Trong đó hầu hết mắc bệnh liên quan đến đường hô hấp như viêm phổi, viêm phế quản, cúm...
Phòng bệnh cẩn thận
Theo bác sĩ Trần Quang Thắng, trưởng khoa cấp cứu và đột quỵ, Bệnh viện Lão khoa trung ương, thời tiết thay đổi là điều kiện cho các loại vi khuẩn, vi rút, nấm mốc... phát triển mạnh mẽ.
Trong đó, người cao tuổi với chức năng đề kháng bị suy giảm, trong điều kiện thời tiết này thường dễ mắc nhiễm trùng, đặc biệt là cúm mùa, các loại vi khuẩn đường hô hấp như phế cầu.
Khi các tác nhân này gây bệnh sẽ làm phức tạp các bệnh lý nền như đái tháo đường, suy thận, tăng huyết áp, bệnh phổi mạn tính dễ gây ra các biến chứng nguy hiểm, cũng như đe dọa đến tính mạng người cao tuổi.
Theo bác sĩ Thắng, trong giai đoạn này người cao tuổi cần chú ý duy trì nề nếp sinh hoạt, ăn uống, nghỉ ngơi điều độ, chú ý giữ ấm đầu, cổ, ngực, đôi bàn chân.
Bà Lê Thị Hồng Hanh, giám đốc Trung tâm hô hấp, Bệnh viện Nhi trung ương, cho biết nhiễm trùng đường hô hấp có thể mắc quanh năm, tuy nhiên vào giai đoạn giao mùa tỉ lệ mắc cao hơn.
Khi trẻ bệnh, cha mẹ không tự ý sử dụng kháng sinh cho trẻ. Cha mẹ có thể điều trị triệu chứng như hạ sốt, vệ sinh mũi họng, uống thuốc long đờm. Nếu trẻ có những dấu hiệu nặng cần phải đưa đến cơ sở y tế.
Phòng bệnh sởi, tay chân miệng “vào mùa”
Từ đầu tháng 3, tại Hà Nội ghi nhận số ca mắc tay chân miệng, thủy đậu, sởi, ho gà gia tăng.
Hà Nội đã xuất hiện một số ổ dịch, chùm ca bệnh tay chân miệng, thủy đậu trong trường học. CDC Hà Nội cũng dự báo thời gian tới có thể ghi nhận thêm ca bệnh, ổ dịch.
CDC Hà Nội khuyến cáo cha mẹ cần chú ý tiêm chủng cho trẻ, giữ gìn vệ sinh cho trẻ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận