Cụ thể, đêm 21-3, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải đã ban hành thông tư số 02/2023/TT-BGTVT sửa đổi, bổ sung một số điều của thông tư 16/2021/TT-BGTVT quy định về kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ.
Thông tư này được ban hành theo quy trình, thủ tục rút gọn sau 1 tháng soạn thảo và chính thức có hiệu lực thi hành từ 0h ngày 22-3.
Thông tư 02/2023/TT-BGTVT sửa đổi 7 điều và 5 phụ lục của 18 điều và 19 phụ lục so với thông tư 16/2021/TT-BGTVT. Trong đó có 2 nội dung đáng chú ý như sau:
Miễn kiểm định lần đầu đối với xe cơ giới chưa qua sử dụng và có năm sản xuất đến năm nộp hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận kiểm định dưới 2 năm (năm sản xuất cộng 1 năm) và có đủ hồ sơ hợp lệ; được cấp tem và giấy chứng nhận tại các trung tâm đăng kiểm mà không phải mang xe đến trình diện.
Điều chỉnh chu kỳ kiểm định đối với một số loại xe cơ giới theo hướng tăng thời gian chu kỳ kiểm định. Cụ thể:
Ô tô chở người các loại đến 9 chỗ không kinh doanh vận tải:
- Miễn kiểm định chu kỳ đầu tiên và tăng chu kỳ kiểm định đầu tiên từ 30 tháng lên 36 tháng;
- Xe có thời gian sản xuất đến 7 năm thì chu kỳ kiểm định tăng từ 18 tháng lên 24 tháng;
- Xe có thời gian sản xuất trên 7 năm đến 20 năm (trước đây là 12 năm) thì chu kỳ kiểm định giữ nguyên 12 tháng;
- Xe có thời gian sản xuất trên 20 năm thì chu kỳ kiểm định giữ nguyên 6 tháng;
Ô tô chở người các loại trên 9 chỗ
- Miễn kiểm định chu kỳ đầu tiên và tăng chu kỳ kiểm định đầu tiên từ 18 tháng lên 24 tháng;
- Xe có thời gian sản xuất đến 5 năm thì chu kỳ kiểm định tăng từ 6 tháng lên 12 tháng;
- Xe có thời gian sản xuất trên 5 năm thì chu kỳ kiểm định giữ nguyên 6 tháng;
Nhóm ô tô tải các loại, ô tô đầu kéo có thời gian sản xuất từ 20 năm trở lên (kể cả ô tô tải, ô tô đầu kéo đã cải tạo thành ô tô chuyên dùng), ô tô tải được cải tạo chuyển đổi công năng từ ô tô chở người có thời gian sản xuất từ 15 năm trở lên được kéo dài chu kỳ kiểm định từ 3 tháng lên 6 tháng.
Bên cạnh đó, thông tư cũng điều chỉnh một số nội dung nhằm giảm thiểu thủ tục, chi phí và thời gian cho người dân và doanh nghiệp...
Theo tính toán của Cục Đăng kiểm, dựa trên số liệu ô tô mới đưa vào lưu hành tại Việt Nam năm 2022 là khoảng 455.000 xe, năm 2023 sẽ có khoảng 500.000 xe mới được miễn kiểm định lần đầu. Còn số xe được giãn chu kỳ kiểm định khi thông tư có hiệu lực là khoảng 3.073.629 xe.
Nghiên cứu cho trung tâm đăng kiểm công an, quân đội, cơ sở bảo dưỡng chính hãng kiểm định xe dân sự
Hiện nay, Bộ Giao thông vận tải đang chỉ đạo các cơ quan đơn vị tập trung, khẩn trương sửa đổi nghị định số 139/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định về kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới (theo trình tự, thủ tục rút gọn).
Theo đó sẽ tách bạch công tác quản lý nhà nước và cung cấp dịch vụ công của lĩnh vực đăng kiểm; nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực đăng kiểm gắn với đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho các địa phương và tăng cường thanh tra, kiểm tra, phòng ngừa các hành vi tiêu cực; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; ưu tiên nghiên cứu một số nội dung như cho phép các trung tâm đăng kiểm của lực lượng công an, quân đội và các cơ sở bảo hành, bảo dưỡng chính hãng của các nhà sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu ô tô đáp ứng quy định về cơ sở bảo hành, bảo dưỡng được phép cung cấp dịch vụ kiểm định xe ô tô; nâng cao ứng dụng khoa học công nghệ, công nghệ thông tin trong cung cấp dịch vụ đăng kiểm…
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận