Một tiết học toán của học sinh lớp 9/10 Trường THCS Lê Anh Xuân, quận Tân Phú, TP.HCM. Số thu học phí bậc THCS trên địa bàn TP hàng năm khoảng 350 tỉ đồng - Ảnh: NHƯ HÙNG
Liên quan việc TP.HCM đề xuất cho học sinh các trường công lập trên địa bàn, Tuổi Trẻ Online đã trao đổi với TS Trần Thị Quế Giang - chuyên gia tài chính giáo dục, Trường Chính sách Công và Quản lý, ĐH Fulbright Việt Nam.
"Từ quan điểm của một công dân, tôi xem THCS công lập là tin tốt lành khi người dân được gia tăng quyền lợi và Nhà nước thể hiện sự quan tâm hơn đến người dân. Nhưng từ góc độ người làm chính sách, câu hỏi đặt ra là chính sách này có thật sự cần thiết không?
Tại sao Nhà nước lại miễn học phí đối với cấp học này trong thời điểm hiện nay? Chi phí cho chính sách này ra sao và hiệu quả thu lại có tương xứng hay không?", TS Giang nêu.
Không tác động nhiều
* Vậy theo bà, tác động của việc miễn học phí bậc THCS công lập ở TP.HCM hiện nay ra sao?
- Theo tôi việc có hay không có chính sách này cũng chẳng ảnh hưởng gì mấy đến chất lượng giáo dục của TP.HCM.
Xét cho cùng, mục tiêu tối hậu của chính sách giáo dục là nâng cao dân trí, tăng chất lượng nguồn cung lao động, tạo điều kiện cho nhiều người đi học hơn, chất lượng nguồn nhân lực tốt hơn để hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội. Thế nhưng, vấn đề của giáo dục TP.HCM hiện nay là gì? Có phải vì phụ huynh không đóng được học phí 100.000 đồng/tháng nên cho con bỏ học hay không?
Không khó để thấy trên địa bàn TP.HCM, học phí không phải là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng học sinh bỏ học. Như vậy, nếu coi mục tiêu của chính sách là tăng tỉ lệ trẻ đến trường, giảm tỉ lệ trẻ bỏ học thì chính sách miễn học phí hẳn không phải là giải pháp hữu hiệu để khắc phục tình trạng hiện tại.
TS Trần Thị Quế Giang - Ảnh: HÀ BÌNH
* Nhưng việc miễn học phí thể hiện sự chăm lo của Nhà nước cho người dân, thưa bà?
- Điều đó đúng. Nhưng chính sách cần được xem xét dưới góc độ hiệu quả bởi không cẩn trọng có thể gây tác dụng ngược.
Việc miễn học phí được đưa ra trong tổng thể chủ trương, chính sách phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, giáo dục phổ thông và tiến tới thực hiện giáo dục bắt buộc 9 năm từ sau năm 2020.
Theo giải trình của Bộ GD-ĐT, chính sách miễn học phí được coi là điều kiện cần để triển khai phổ cập giáo dục. Như vậy, một khi chính sách miễn học phí với các cấp học này đã được thông qua, các địa phương phải chạy đua thực hiện giáo dục phổ cập và giáo dục bắt buộc.
Nhưng học phí có phải là bất cập chính cản trở thúc đẩy giáo dục phổ cập hay không? Chúng ta đều biết còn có rất nhiều nguyên nhân khác: nhận thức về sự cần thiết của giáo dục, chán học, hoàn cảnh gia đình…
Ngay cả khi tài chính là nguyên nhân thì cũng cần nhấn mạnh rằng học phí chính thức chỉ chiếm tỉ trọng rất nhỏ trong tổng chi phí người dân phải trả để gửi con đến trường. Điều đó có nghĩa là nếu thông qua việc miễn học phí để rồi phải chạy theo thành tích phổ cập giáo dục thì e rằng "tình trạng ngồi nhầm lớp" sẽ càng gia tăng.
Tôi vẫn cho rằng chính sách cần đến được đúng đối tượng và giải quyết đúng bài toán. Người dân ở vùng sâu vùng xa, vùng nông thôn, con em gia đình công nhân các khu công nghiệp, khu chế xuất, những người thu nhập rất thấp đúng là đối tượng cần hỗ trợ học phí.
Trong bối cảnh hiện tại, nên giữ chính sách thu học phí, phân phối lại nguồn thu đó đến đúng đối tượng khó khăn thay vì miễn học phí đại trà theo tôi sẽ hiệu quả hơn.
Học sinh THCS ở TP.HCM trong giờ học - Ảnh: NHƯ HÙNG
Ưu tiên cải thiện chất lượng
* Nếu không phải là miễn học phí, theo bà làm thế nào để "kéo" học sinh đến trường?
- Thứ nhất là làm sao để học sinh thấy hứng thú với việc học để các em đến trường. Theo như tôi tìm hiểu, nguyên nhân bỏ học không nằm ở học phí mà trước hết nằm ở chất lượng giáo dục, tức học sinh đi học không thấy hứng thú nên bỏ học.
Thứ hai là yếu tố văn hóa và nhận thức giá trị của giáo dục. Nếu như người dân quan niệm đi học chỉ cần xóa mù chữ là đủ, làm nông làm công bằng kinh nghiệm chứ học hành cao không giúp được gì. Hay là người dân sống gần các khu công nghiệp nghĩ học lớp 12 thậm chí học đại học xong đi làm công chức lương 4-5 triệu đồng/tháng trong khi đi làm công nhân lương tháng 7-8 triệu đồng, vậy thì việc gì phải đi học?
Thứ ba là cơ sở hạ tầng để tiếp cận giáo dục. Có nhiều trường hợp miễn học phí, kể cả cho tiền cũng không đi học vì đường sá khó khăn, thậm chí chịu nguy hiểm để đến trường và quan trọng hơn là họ không hiểu học thì được gì và học xong để làm gì.
* Theo bà, trong bối cảnh giáo dục nước ta hiện nay, trên bình diện cả nước, chính sách nên ưu tiên như thế nào để mang lại hiệu quả cao nhất?
- Thứ nhất, nên phân tích kỹ nguyên nhân bỏ học và chất lượng giáo dục kém có nguồn gốc từ đâu. Lưu ý sẽ có những nguyên nhân chung và các nguyên nhân đặc thù của từng địa phương. Sau đó, dùng ngân sách "sửa lỗi" ở đó trước.
Về mặt ưu tiên chính sách, nên xem việc miễn học phí có thực sự tăng số người đi học hay không? Ở đâu nguyên nhân bỏ học vì học phí chiếm đa số thì chính sách này có hiệu quả. Còn nếu bỏ học không phải vì học phí thì việc miễn học phí không mang lại hiệu quả chính sách mong muốn.
Như tính toán của Bộ GD-ĐT, tổng kinh phí ngân sách chi thêm để miễn học phí đối với trẻ 5 tuổi, học sinh tiểu học, THCS các trường công lập và hỗ trợ học sinh trường tư thục hàng năm tốn khoảng 4.730 tỉ đồng. Khoản tiền này có thể làm việc khác hiệu quả hơn. Chẳng hạn như hỗ trợ cải thiện phương pháp, giáo cụ giảng dạy.
Thứ hai, ngay cả khi theo đuổi chủ trương miễn học phí thì trước tiên cần rà soát lại bậc tiểu học đã làm tốt việc miễn học phí, phổ cập hay chưa?
Một điều quan trọng mà Dự thảo sửa đổi Luật giáo dục đề cập đến là yếu tố công bằng. Việc triển khai miễn học phí không chỉ dừng lại ở các trường công lập mà còn mở rộng đối với các trường ngoài công lập trên tinh thần hỗ trợ bình đẳng theo đối tượng thụ hưởng, không phân biệt công tư.
Sau cùng, điều quan trọng nhất là cần có những chính sách thay đổi về mặt bản chất chất lượng giáo dục, phương pháp giảng dạy, môi trường học. Nên ưu tiên nhiều hơn chính sách thay đổi chất lượng chứ không phải số lượng. Chính sách miễn học phí mới chỉ nhắm đến số lượng thôi.
Cần nâng cao chất lượng dạy và học
* Ở một số nước phát triển như Pháp, Đức, Phần Lan giáo dục miễn phí ở bậc phổ thông và cả cho sinh viên ở bậc đại học. Chúng ta có thể tham khảo được gì từ mô hình của các nước này?
- Đi đầu trong xu hướng này là Đức và Phần Lan để tạo ra sự công bằng trong tiếp cận giáo dục. Ở Pháp sinh viên vẫn phải trả một khoản phí ghi danh, thay đổi tùy theo cấp học, ngành học, tuy không nhiều (năm học 2018 chính phủ quy định mức 181 Euro cho cấp cử nhân).
Tuy nhiên, chúng ta cũng phải "liệu cơm gắp mắm", tức tùy theo năng lực tài chính và ưu tiên chính sách để triển khai phổ cập bậc học thấp rồi nâng dần lên theo lộ trình phù hợp.
Hơn nữa, cũng cần lưu ý là ngay ở Pháp vẫn có nhiều tranh luận về hiệu ứng ngược của việc phổ cập và miễn học phí đại học đối với chất lượng giáo dục đại học công lập và sự lựa chọn tối ưu của người dân.
Nhiều chuyên gia cho rằng tình trạng "sinh viên ngồi nhầm chỗ" (chọn học đại học những lĩnh vực không thực sự là sở trường của họ nhưng được học miễn phí thay vì chọn học nghề), chất lượng sinh viên kém, chất lượng đào tạo thiếu cạnh tranh, bất bình đẳng gia tăng khi đa số sinh viên gia đình thu nhập thấp học trường công trong khi gia đình khá giả con cái học trường tư… có nguyên nhân bắt nguồn từ chính sách phổ cập giáo dục và miễn phí đại học.
Bài học từ những kinh nghiệm này là nhà nước phải tác động đến đúng đối tượng chính sách, đồng thời nâng cao chất lượng dạy và học chứ miễn học phí không phải là ưu tiên hàng đầu.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận