Các sinh viên Trường ĐH Sư phạm TP.HCM trong giờ học nhóm - Ảnh: Như Hùng
Xoay quanh đề xuất bỏ miễn học phí cho sinh viên sư phạm, Tuổi Trẻ đã ghi nhận thêm ý kiến của các chuyên gia.
TS Lê Viết Khuyến (nguyên phó vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học Bộ GD-ĐT):
Tìm việc là nỗi ám ảnh
Khoảng 20 năm trước, chính sách miễn học phí cho sinh viên sư phạm ra đời, rất phù hợp với tình cảnh khó khăn của ngành sư phạm khi đó: nhu cầu giáo viên rất lớn, trong khi học sinh không muốn vào ngành sư phạm.
Với chính sách này, ngành sư phạm lên ngôi khi có nhiều thí sinh giỏi chọn lựa, điểm chuẩn nhiều trường sư phạm tăng cao. Tuy nhiên, thời hoàng kim đó đã qua rồi.
Gần đây, việc tuyển sinh ngành sư phạm gặp nhiều khó khăn. Không phải do học sinh - nhất là học sinh giỏi - không muốn vào ngành sư phạm, mà điều cả xã hội e ngại chính là học sư phạm ra rất khó xin được việc làm.
Sinh viên không còn tha thiết với ưu đãi học phí, vì lo lắng cho tương lai phía trước. Không phải học phí, mà chính việc làm mới là nỗi ám ảnh của sinh viên và gia đình.
Vì vậy, đã đến lúc thấy rõ chính sách miễn học phí không còn đủ hấp dẫn và không còn nhiều ý nghĩa với người học.
Thay vào đó, nên nghiên cứu áp dụng chính sách cho vay với sinh viên sư phạm, theo cơ chế đặc thù hơn các ngành khác: nếu sau tốt nghiệp các em tình nguyện về vùng sâu vùng xa dạy học thì có thể xóa nợ.
Về mặt quản lý nhà nước cũng cần phải thay đổi: nên chấm dứt việc thực hiện chỉ tiêu tuyển sinh ngành sư phạm theo kiểu "bốc thuốc" như hiện nay. Cần có quy hoạch mạng lưới rõ ràng, đưa ra chỉ tiêu đào tạo sát với nhu cầu tuyển dụng giáo viên hằng năm của các địa phương.
TS Đỗ Hồng Cường (phó hiệu trưởng Trường ĐH Thủ Đô):
Miễn phí mãi không tốt
Với bất cứ chương trình học nào, nếu được miễn phí thì tâm thế, động lực của người học cũng không tốt. Trên thực tế, việc miễn học phí đi kèm với cam kết sinh viên sư phạm tốt nghiệp phải làm việc trong ngành GD-ĐT.
Tuy nhiên, việc kiểm soát thực hiện cam kết này chúng ta lại không làm được. Những sinh viên ra trường làm nghề khác cũng không ai biết để yêu cầu hoàn trả học phí.
Do đó, nên thay chính sách miễn học phí bằng chính sách tín dụng ưu đãi cho sinh viên và các chính sách ưu đãi khác, nếu muốn thu hút người giỏi và nâng chất lượng đào tạo sư phạm.
Nếu sinh viên được vay tiền để học tập, các em sẽ phải có trách nhiệm hoàn trả sau khi ra trường. Nhà nước chỉ nên miễn phí phần lãi suất vay.
Ngoài ra, cần có sự đổi mới đào tạo sư phạm mang tính hệ thống. Ví dụ, phải rà soát để có bức tranh tổng thể các trường sư phạm, từ đó đầu tư có trọng điểm, chứ không dàn trải như thời gian qua.
Hiện nay, chi phí đào tạo trên đầu sinh viên thấp, nên nhiều trường bù lại bằng cách tuyển nhiều, khiến cho chất lượng đầu vào không được chọn lọc.
Nhưng nếu mạng lưới trường sư phạm được quy hoạch lại, được đầu tư tương xứng thì các trường sẽ phải thay đổi, tuyển sinh chọn lọc, đầu tư tốt hơn cho điều kiện đào tạo, và có cam kết rõ ràng về chất lượng đầu ra, để xã hội tin tưởng.
Bên cạnh đó, các chính sách liên quan tới tuyển dụng, đãi ngộ, môi trường làm việc đối với giáo viên cũng phải thay đổi thì mới thực sự có sức hút đối với người tài vào ngành sư phạm.
Đông đảo bạn đọc ủng hộ thôi miễn học phí
Theo thăm dò trên Tuổi Trẻ Online về việc bỏ miễn học phí cho sinh viên sư phạm, tính đến 10h20 ngày 16-12, có 633 bình chọn ủng hộ việc không nên tiếp tục miễn học phí cho sinh viên sư phạm. Trong khi đó, có 372 bình chọn nên tiếp tục miễn học phí, và 56 ý kiến khác.
Thăm dò ý kiến
Với việc điểm đầu vào ngành sư phạm tương đối thấp, có nên tiếp tục miễn học phí cho sinh viên sư phạm?
Bạn có thể chọn 1 mục. Bình chọn của bạn sẽ được công khai.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận