Ngày 6-7 tại TP Đà Nẵng, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức hội thảo lấy ý kiến Luật Công đoàn sửa đổi với đại diện công đoàn các tỉnh thành miền Trung - Tây Nguyên.
Chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp
Tại hội thảo, ông Lê Đình Quảng, phó trưởng Ban Chính sách pháp luật, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, cho biết Luật Công đoàn sửa đổi sẽ có nhiều thay đổi lớn, toàn diện về hoạt động công đoàn.
Trong đó, tờ trình xây dựng luật đề xuất bổ sung quy định miễn, giảm kinh phí hoạt động công đoàn trong trường hợp doanh nghiệp gặp khó khăn do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh phải tạm dừng sản xuất kinh doanh, dẫn đến không có khả năng đóng kinh phí công đoàn.
Quy định này sẽ giúp giảm gánh nặng chi phí, giúp doanh nghiệp duy trì hoạt động, tái đầu tư sản xuất kinh doanh, tạo việc làm cho người lao động, đặc biệt trong bối cảnh kinh tế khó khăn hiện nay.
Về việc phân phối nguồn thu kinh phí công đoàn, dự thảo đề xuất cấp trên cơ sở được quản lý, phân phối và sử dụng 25% trên tổng số thu kinh phí công đoàn.
Công đoàn cơ sở và tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp được sử dụng 75% trên tổng số thu kinh phí công đoàn. Việc này nhằm tăng cường chi ở cơ sở, phục vụ chăm lo người lao động.
Một điểm quan trọng là hiện nay pháp luật đã cho phép thành lập tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp nằm ngoài hệ thống Công đoàn Việt Nam.
Do đó, lần điều chỉnh luật này sẽ quy định cụ thể việc phân bổ kinh phí công đoàn đối với doanh nghiệp có công đoàn cơ sở và tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp.
Theo ông Quảng, việc sửa đổi các quy định tài chính nhằm công khai, minh bạch hoạt động tài chính công đoàn. Đồng thời, có quy định cụ thể về việc người lao động tham gia tổ chức công đoàn và tham gia tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp.
Quy định rõ thu chi tài chính công đoàn
Đóng góp ý kiến quy định tài chính công đoàn, ông Nguyễn Xuân Tuấn, trưởng ban chính sách - pháp luật và quan hệ lao động, Liên đoàn Lao động tỉnh Thanh Hóa, góp ý việc thu tài chính công đoàn đối với các doanh nghiệp có tổ chức công đoàn và tổ chức đại diện người lao động cần tách bạch.
Không nên để công đoàn đứng ra thu hết rồi phân bổ lại dòng tiền. Công đoàn không phải lo vấn đề quản lý và phân bổ tài chính cho tổ chức đại diện lao động tại doanh nghiệp. Do đó, cần phải minh bạch chỗ này để công đoàn thoát ra khỏi việc "nhiếp chính".
Theo ông Tuấn, vướng mắc hiện nay là công đoàn cấp trên muốn ôm luôn 25% phí công đoàn của tổ chức đại diện người lao động nên dẫn tới khó khăn.
Vị này đề xuất với các doanh nghiệp chưa có tổ chức cấp trên của tổ chức đại diện người lao động thì tạm giao khoảng 25% cho công đoàn quản lý, nhưng không được phép chi cho tổ chức công đoàn.
Mạnh mẽ đòi quyền lợi cho người lao động
Trong khi đó, ông Lê Ngọc Phúc, phó chủ tịch thường trực Liên đoàn Lao động tỉnh Lâm Đồng, cho rằng tổ chức công đoàn muốn tồn tại phát triển cần phải đổi mới.
Bên cạnh nhiều việc làm được, công đoàn vẫn bị không ít người trong xã hội nhìn nhận còn mang tính hình thức và hành chính. Theo ông Phúc, chức năng số 1 của công đoàn là bảo vệ quyền lợi người lao động.
Muốn công đoàn phát triển, mở rộng tổ chức, cạnh tranh thu hút được thành viên phải làm tốt chức năng này. Cụ thể, công đoàn phải đóng góp tích cực vào việc xây dựng thỏa ước lao động tập thể, đòi quyền lợi cho người lao động.
Tăng vai trò công đoàn trong các hội đồng các cấp, bởi lâu nay việc tham gia mờ nhạt của công đoàn khiến người lao động nhìn vào không ấn tượng.
Ông Phúc dẫn thực tế hiện nhiều địa phương nợ chiếm dụng BHXH hàng núi mà công đoàn không đại diện người lao động khởi kiện, hoặc đề nghị khởi tố để bảo vệ quyền lợi được vì "tắc" về thủ tục tố tụng.
Do đó, cần luật quy định cho công đoàn cấp trên cơ sở được đại diện người lao động khởi kiện, bảo vệ quyền lợi người lao động liên quan nợ đọng BHXH, BHYT nếu công đoàn cơ sở hay bản thân người lao động không thể đứng ra khởi kiện.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận