24/01/2016 14:09 GMT+7

​Nhiệt độ tại đỉnh Yên Tử có lúc chỉ còn -5 độ C

T.PHÙNG - ĐỨC HIẾU- QUANG THẾ
T.PHÙNG - ĐỨC HIẾU- QUANG THẾ

TTO - Tại đỉnh Yên Tử, TP Uông Bí, Quảng Ninh nhiệt độ có lúc xuống chỉ còn -5 độ C. Băng tuyết cũng xuất hiện trên đỉnh Ba Vì, hiện tượng hiếm khi xảy ra ở ngọn núi cao hơn 1.200m thuộc địa phận Hà Nội.

Nhiệt độ ghi nhận tại đỉnh núi Yên Tử có lúc xuống còn -5 độ C - Ảnh: Đỗ Đức Huy
Nhiệt độ ghi nhận tại đỉnh núi Yên Tử có lúc xuống còn -5 độ C - Ảnh: Đỗ Đức Huy

Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Trung ương cho biết sáng sớm 24-1, nhiệt độ nhiều nơi tại miền Bắc đã xuống dưới 0 độ C. 

Tại Quảng Ninh, nhiều nơi đã xuất hiện tuyết rơi và băng giá. Tại huyện miền núi Bình Liêu, du khách đã thấy tuyết rơi tại núi Cao Ly, xã Húc Động.

Trong khi đó, tại đỉnh Yên Tử (TP Uông Bí) xuất hiện mưa kèm gió mạnh, nhiệt độ có lúc xuống còn -5 độ C.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Phạm Văn Dược, phó Ban quản lý rừng và danh thắng Yên Tử, cho biết tại đỉnh chùa Đồng, băng đóng dày 3 - 5cm, trời mưa phùn và khá nặng hạt. Băng đóng dày trên đường đi nên nhân viên cũng không thể di chuyển được.

Do thời tiết có gió rất mạnh, lên cấp 6 - 7 nên cáp treo không hoạt động, rất ít du khách lên Yên Tử. 

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Trung ương, sở dĩ băng tuyết xuất hiện nhiều nơi là do đợt không khí lạnh này hội tụ đủ 2 yếu tố để hình thành băng tuyết là nhiệt độ thấp cộng với mưa, độ ẩm cao. 

Cụ thể, đã xuất hiện đới gió tây cao trên 5.000m kết hợp với gió đông bắc tầng thấp gây mưa ở các tỉnh phía Bắc đến ven biển miền Trung. Mưa, độ ẩm kết hợp nhiệt độ thấp ở vùng núi cao là điều kiện để hình thành mưa tuyết, băng giá.

Hiện các tỉnh miền núi phổ biến dưới 5 độ C, các tỉnh đồng bằng phổ biến 6 độ C. Tuyết, băng giá xuất hiện nhiều nơi.

Tuyết và băng phủ lên chùa Đồng - Ảnh: Đỗ Đức Huy
Tuyết và băng phủ lên chùa Đồng - Ảnh: Đỗ Đức Huy
Băng phủ kín cây cỏ trên đường lên khu di tích Yên Tử - Ảnh: Đỗ Đức Huy
Băng phủ kín cây cỏ trên đường lên khu di tích Yên Tử - Ảnh: Đỗ Đức Huy
Băng tuyết dọc đường lên núi Cao Ly huyện Bình Liêu - Ảnh: Hữu Tưởng
Băng tuyết dọc đường lên núi Cao Ly, huyện Bình Liêu - Ảnh: Hữu Tưởng
Băng tuyết dọc đường lên núi Cao Ly huyện Bình Liêu - Ảnh: Hữu Tưởng
Tuyết phủ kín đường lên núi Cao Ly, huyện Bình Liêu - Ảnh: Hữu Tưởng

Tuyết rơi trên đỉnh Ba Vì, Hà Nội: Chuyện hiếm!

9g sáng 24-1, băng tuyết cũng bắt đầu rơi trên đỉnh Ba Vì, khu vực từ đền Thượng trở lên, và ngày càng dày hơn. Đây là hiện tượng hiếm khi xảy ra ở núi Ba Vì cao hơn 1.200m thuộc địa phận Hà Nội.

Theo ông  Đỗ Hữu Thế - giám đốc Trung tâm Giáo dục môi trường và dịch vụ, Vườn Quốc gia Ba Vì - khoảng 9g sáng 24-1, băng tuyết bắt đầu rơi trên đỉnh Ba Vì, khu vực từ đền Thượng trở lên, và ngày càng dày hơn.  

Đây là hiện tượng hiếm khi xảy ra ở đỉnh Ba Vì cao hơn 1.200m thuộc địa phận Hà Nội.

Ông Thế cho biết bản thân ông công tác ở Vườn Quốc gia Ba Vì đã hơn 20 năm nay, chỉ từng thấy băng tuyết rơi tại đỉnh Ba Vì vào năm 1997. Tuy nhiên đợt băng tuyết ngày 24-1 có số lượng nhiều hơn, băng tuyết phủ dày hơn năm 1997.

Tại thị trấn Tam Đảo (Vĩnh Phúc) sáng 24-1 nhiệt độ cũng giảm thấp - 0,4 độ C, băng giá phủ kín cây cối, nhà cửa. Trong sáng còn xuất hiện tượng mưa đá.

Cùng thời điểm, tại Mộc Châu (Sơn La) nhiệt độ cũng xuống 0,6 độ C, xuất hiện băng tuyết. Nhiều người đã chụp ảnh băng tuyết xuất hiện tại đây đăng lên mạng xã hội.

Băng tuyết xuất hiện trên đỉnh Ba Vì thuộc địa phận Hà Nội sáng 24-1 - Ảnh: Hữu Thế
Băng tuyết xuất hiện trên đỉnh Ba Vì thuộc địa phận Hà Nội sáng 24-1 - Ảnh: Hữu Thế

Trước đó, nhiệt độ quan trắc lúc 6g sáng 24-1 cho thấy tại núi Mẫu Sơn (Lạng Sơn) đã xuống - 4 độ C; Sa Pa (Lào Cai) - 2 độ C. Hai nơi này đều có băng giá, mưa tuyết phủ trắng nhiều nơi. Tam Đảo (Vĩnh Phúc) âm 0,4 độ C; Đồng Văn (Hà Giang) âm 2 độ C; Pha Đin (Điện Biên) 1,8 độ C;  Mộc Châu (Sơn La) 0,6 độ C, Trùng Khánh (Cao Bằng) 0,8 độ C…

Với các tỉnh đồng bằng miền Bắc, nhiệt độ phổ biến mức 6 độ C. Tại Phủ Liễn (Hải Phòng) 5,4 độ C; Bắc Giang 5,6 độ C; Hải Dương 6,2 độ C; Hà Đông (Hà Nội) 6,5 độ C.

Với các tỉnh Bắc Trung Bộ, không khí lạnh cũng gây rét hại, nhiệt độ giảm thấp. Lúc 6g sáng 24-1, nhiệt độ tại Thanh Hóa là 7,6 độ C; tại Vinh (Nghệ An) 7 độ C; tại Hà Tĩnh 8,3 độ C…

Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Trung ương cho biết sáng sớm 24-1 không khí lạnh rất mạnh cũng đã ảnh hưởng đến hầu khắp các tỉnh ven biển Nam Trung bộ gây mưa nhiều nơi trên khu vực các tỉnh ven biển miền Trung.

Ở vịnh Bắc bộ đã có gió đông bắc mạnh cấp 7 - 8, giật cấp 9 - 10, biển động mạnh. Vùng biển ngoài khơi các tỉnh Trung bộ đã có gió Đông bắc mạnh cấp 6, giật cấp 7 - 8, biển động.

Trong ngày 24-1 không  khí lạnh tiếp tục ảnh hưởng đến các nơi khác ở ven biển Nam Trung bộ và Nam bộ khiến các tỉnh từ Đà Nẵng đến Bình Thuận nhiệt độ thấp nhất từ 17 - 23 độ C; các tỉnh Nam bộ nhiệt độ thấp nhất từ 20-23 độ C.

Do ảnh hưởng của không khí lạnh kết hợp dòng xiết gió tây trên cao nên ở phía Tây Bắc bộ ngày hôm 24-1 còn có mưa, mưa rào. Các tỉnh ven biển Trung bộ có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to.

Dự báo ở các tỉnh Bắc bộ và Bắc Trung bộ tiếp tục duy trì rét đậm, rét hại diện rộng từ nay đến 27-1, vùng núi có khả năng cao xảy ra băng giá và mưa tuyết.

Theo anh Tuấn Anh, một người lên Mẫu Sơn xem băng giá từ chiều 23-1, ngoài băng giá, sáng 24-1 tại Mẫu Sơn có mưa đá nhẹ. Do lượng người lên Mẫu Sơn ngắm băng giá quá đông nên tình trạng tắc đường gần 7km xảy ra sáng 24-1.

Đường trơn do băng giá cùng nhiệt độ xuống - 4 độ C khiến việc đi lại khó khăn, một số ô tô hỏng máy, va nhau khiến việc lên đỉnh Mẫu Sơn càng khó khăn.

Băng tuyết ở Mẫu Sơn sáng 24-1 - Ảnh Minh Đức
Băng tuyết phủ trắng Mẫu Sơn sáng 24-1 - Ảnh Minh Đức
Băng giá ở Mẫu Sơn - Ảnh: Tuấn Anh
Băng giá ở Mẫu Sơn - Ảnh: Tuấn Anh
Băng tuyết ở Mẫu Sơn sáng 24-1 - Ảnh Minh Đức
Băng tuyết ở Mẫu Sơn sáng 24-1 - Ảnh Minh Đức

Từ đêm 23-1, tuyết cũng bắt đầu rơi tại khu vực đèo Cao Phạ và các xã dưới chân đèo thuộc huyện Mù Cang Chải, Yên Bái.

Có mặt tại khu vực đèo Ca Phạ, chị Hoàng Minh Nguyệt (người địa phương) cho biết tuyết vẫn đang rơi nhiều hơn và đường hai bên chân đèo bị tắc do nhiều xe không đi được. Cần gạt nước không chịu nổi khi xe chạy một đoạn tuyết đã phủ trắng kính xe. 

Hiện nhiều xe phải dừng lại ở ngã ba Kim (Mù Cang Chải) và Tú Lệ (huyện Văn Chấn) vì không thể qua đèo. Nhiều lái xe cho biết xe chạy số 1 vẫn khó đi vì đường trơn và tuyết rơi lên kính.

Theo chị Nguyệt mấy chục năm nay mới thấy tuyết rơi dày như vậy ở Mù Cang Chải. Nhiều nhà dân ở đội 1 xã Púng Luông tuyết phủ trắng xóa. 

Người dân lo lắng nếu tuyết vẫn rơi dày thì có khả năng sập mái nhà. Một số người qua đèo Cao Phạ cho biết trên đèo tuyết ngập khoảng hơn 10cm.

Tuyết rơi ở Đội 1 xã Púng Luông và ngã ba Kim dưới chân đèo Cao Phạ,  huyện Mù Cang Chải Yên Bái - Ảnh: Hoàng Minh Nguyệt
Tuyết rơi trắng xã Púng Luông và ngã ba Kim dưới chân đèo Cao Phạ - Ảnh: Hoàng Minh Nguyệt
Tuyết rơi ở Đội 1 xã Púng Luông và ngã ba Kim dưới chân đèo Cao Phạ,  huyện Mù Cang Chải Yên Bái - Ảnh: Hoàng Minh Nguyệt
Tuyết chân đèo Cao Phạ - Ảnh: Hoàng Minh Nguyệt
Tuyết rơi ở Đội 1 xã Púng Luông và ngã ba Kim dưới chân đèo Cao Phạ,  huyện Mù Cang Chải Yên Bái - Ảnh: Hoàng Minh Nguyệt
Tuyết rơi ở xã Púng Luông và ngã ba Kim dưới chân đèo Cao Phạ, huyện Mù Cang Chải, Yên Bái - Ảnh: Hoàng Minh Nguyệt
Cụ già đi chợ tranh thủ sưới ấm
Cụ già đi chợ tranh thủ sưới ấm ở Y Tý - Ảnh: Đức Bình
Học sinh xã Y Tý co ro trong rét chờ đợi được nhận quà
Học sinh xã Y Tý co ro trong rét chờ đợi được nhận quà - Ảnh: Đức Bình
Một em bé ở Đồng Văn bước đi vội vã trong mưa tuyết - Ảnh: Quang Thế
Một em bé ở Đồng Văn bước đi vội vã trong mưa tuyết - Ảnh: Quang Thế
Hoa màu của người dân ở Đồng Văn đang bị nhấn chìm trong tuyết - Ảnh: Quang Thế
Hoa màu của người dân ở Đồng Văn đang bị nhấn chìm trong tuyết - Ảnh: Quang Thế
Một mái nhà của người dân bản địa bị tuyết phủ trắng - Ảnh: Quang Thế
Tuyết phủ trắng trên mái nhà - Ảnh: Quang Thế

 

T.PHÙNG - ĐỨC HIẾU- QUANG THẾ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên