Vị trí và hướng di chuyển bão số 6 - Ảnh: NCHMF
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, chiều 18-10, khối không khí lạnh ở phía bắc đang di chuyển xuống phía nam.
Dự báo ngày 19-10, không khí lạnh sẽ được tăng cường xuống Bắc Bộ và Thanh Hóa.
Do ảnh hưởng không khí lạnh tăng cường kết hợp hoàn lưu cơn bão số 6 và nhiễu động trong đới gió đông, từ trưa chiều 19 đến ngày 20-10, ở khu vực phía Đông Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có mưa, mưa vừa, cục bộ có nơi mưa to và dông.
Từ chiều tối và đêm 19-10, ở Bắc Bộ và Thanh Hóa trời chuyển rét. Nhiệt độ thấp nhất ở vùng núi Bắc Bộ phổ biến 13 - 15 độ C, khu vực trung du, vùng đồng bằng Bắc Bộ và Thanh Hóa 16 - 18 độ C.
Cụ thể, ngày 19-10, nhiệt độ thấp nhất ở vùng núi Bắc Bộ 13 - 15 độ C, có nơi dưới 12 độ C, nhiệt độ trung bình 19 - 21 độ C. Các nơi khác ở phía Đông Bắc Bộ và Thanh Hóa thấp nhất 15 - 18 độ C, nhiệt độ trung bình 22 - 24 độ C.
Ngày 20-10, nhiệt độ thấp nhất ở vùng núi Bắc Bộ 12 - 13 độ C, có nơi dưới 12 độ C, nhiệt độ trung bình 17 - 19 độ C. Các nơi khác ở phía Đông Bắc Bộ và Thanh Hóa thấp nhất 15 - 18 độ C, nhiệt độ trung bình 18 - 20 độ C.
Về bão số 6, lúc 22h tối nay 18-10, vị trí tâm bão ở trên vùng biển phía Bắc quần đảo Hoàng Sa. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 11-12 (103-133km/giờ), giật cấp 14.
Trong 12 - 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng tây tây nam với tốc độ 10-15km/giờ và có khả năng suy yếu dần. Đến 22h tối 19-10, tâm bão cách Quảng Bình-Thừa Thiên Huế khoảng 200km về phía đông, cường độ bão mạnh cấp 8 - cấp 9, giật cấp 12.
Trong 24 - 48 giờ tiếp theo, bão đổi hướng đi theo hướng tây tây bắc và tiếp tục suy yếu thành áp thấp nhiệt đới khi ở trên vùng biển Nghệ An-Quảng Bình.
Về tác động của bão đối với đất liền, ông Mai Văn Khiêm - giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia - cho biết do tương tác với không khí lạnh nên phạm vi và mức độ ảnh hưởng của bão số 6 đến đất liền có thể xảy ra theo hai kịch bản.
"Kịch bản thứ nhất (khoảng 60 - 70%), bão sẽ suy yếu trước khi đi vào vùng biển phía nam vịnh Bắc Bộ và yếu thành áp thấp nhiệt đới hoặc vùng áp thấp khi đi vào đất liền các tỉnh Bắc Trung Bộ.
Kịch bản thứ hai (khoảng 30 - 40%), khi bão di chuyển tới khu vực phía nam của đảo Hải Nam (Trung Quốc), tương tác mạnh với không khí lạnh rất mạnh, cường độ yếu đi nhanh và tan trước khi vào đất liền, trên đất liền mưa gió không đáng kể" - ông Khiêm thông tin thêm.
Đối với trên biển, ở khu vực bắc Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Hoàng Sa) có mưa bão, gió mạnh cấp 9 - 10, vùng gần tâm bão mạnh cấp 11 - 12, giật cấp 14, sóng biển cao 6 - 8m, vùng gần tâm bão 8 - 10m. Biển động dữ dội.
Vùng biển phía tây bắc khu vực giữa Biển Đông có mưa rào và dông mạnh, gió mạnh dần lên cấp 6 - 7, giật cấp 9. Biển động mạnh.
Vịnh Bắc Bộ, vùng biển từ Quảng Trị đến Quảng Nam có gió mạnh cấp 6 - 7, giật cấp 8 - 9, sóng biển cao từ 3 - 5m. Biển động mạnh.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận