Tuyến metro số 2, nối liền trung tâm thành phố với các quận phía tây, được xem là giải pháp quan trọng để giảm áp lực giao thông trên các tuyến đường như Cách Mạng Tháng Tám, Trường Chinh, Lý Thường Kiệt... và đóng vai trò kết nối với các tuyến metro khác trong mạng lưới giao thông công cộng của thành phố, tạo thành một hệ thống liên hoàn.
Người dân mong ngóng
Dự án này vẫn đang trong giai đoạn giải phóng mặt bằng, di dời hạ tầng kỹ thuật chuẩn bị triển khai xây dựng. Ghi nhận của Tuổi Trẻ hiện nay, những hộ dân dọc tuyến đường Trường Chinh, Cách Mạng Tháng Tám và các khu vực liên quan đang khẩn trương tháo dỡ và lùi nhà cửa vào sâu bên trong, không còn lồi lõm như thời gian trước đây.
Trên đường Cách Mạng Tháng Tám (quận 3 đối diện quận 10), nhiều hộ đã phá dỡ một phần lớn căn nhà, một số căn nhà khác làm lại "mặt tiền" hoặc xây mới.
Nhiều người dân sống tại các khu vực có tuyến metro số 2 đi qua bày tỏ mong muốn dự án sớm hoàn thành để có thể giảm bớt áp lực giao thông.
Anh Hoàng Huy (nhân viên văn phòng tại quận Tân Phú) chia sẻ: "Tôi rất mong tuyến metro số 2 sớm hoàn thành để đường đi làm của tôi dễ dàng hơn. Vào mỗi buổi tan tầm trở về nhà khi qua đoạn Âu Cơ giáp với Trường Chinh người đi đường đúng kiểu phải vật lộn với kẹt xe kéo dài, gây nhiều bức xúc. Chính vì vậy khi tuyến metro số 2 kết hợp cùng metro số 1 để hoạt động thì việc đi lại giữa các khu vực trong thành phố, từ quận 12 hay Hóc Môn đi quận 1 sẽ thuận tiện hơn rất nhiều".
Có nhà trên đường Cách Mạng Tháng Tám, bà Nguyễn Lê Như (65 tuổi) cho biết cảnh kẹt xe đã không còn xa lạ với gia đình bà. Giờ cao điểm, xe cộ nhích từng chút một, xe máy thì leo lên lề, len lỏi qua từng góc cây trên vỉa hè.
Bà Như kể thêm ban đầu khi biết tin metro số 2 đi qua đường Cách Mạng Tháng Tám nhà mình, bà thấy rất phấn khởi vì biết loại tàu điện hiện đại sẽ "chia lửa" với con đường quá tải này.
Thời gian gần đây, nhiều căn nhà đầu đường đã lùi sâu vào trong, bàn giao mặt bằng để làm đường và dời mấy ống nước cũ. Thấy vậy, bà Như hiểu ngay là metro số 2 đã rục rịch triển khai.
Cuối năm nay xong mặt bằng metro số 2
Thách thức lớn của metro số 2 trong thời gian qua là giải phóng mặt bằng. Cụ thể, toàn tuyến metro số 2 đi qua 6 quận: 1, 3, 10, 12, Tân Bình và Tân Phú với 10 nhà ga ngầm. Việc thu hồi đất, giải phóng mặt bằng phục vụ xây dựng các ga ngầm và tạo lối lên xuống kết nối với mặt đất, để người dân đi lại thuận tiện.
Với diện tích thu hồi hơn 251.000m2 chạy qua những khu vực đông đúc, nên khó khăn cho việc đền bù và tái định cư cho các hộ dân. Đến cuối năm 2023, các quận như 1, 10 và 12 đã hoàn thành bàn giao 100%, mặt bằng còn lại vướng mắc chủ yếu ở quận 3, Tân Bình và sau đó dần được tháo gỡ.
Ban Quản lý đường sắt đô thị TP.HCM mới đây cho hay dự án metro số 2 có tỉ lệ bàn giao mặt bằng đạt gần 99%, trong tổng số 585 trường hợp.
Song song với giải phóng mặt bằng, việc di dời công trình hạ tầng kỹ thuật của tuyến metro số 2 đã được chủ đầu tư triển khai đồng loạt tại 12 vị trí nhà ga và đoạn đào hở trên toàn tuyến metro số 2, dọc theo trục đường Phạm Hồng Thái, Cách Mạng Tháng Tám và Trường Chinh từ tháng 3.
Khối lượng di dời hạ tầng kỹ thuật hiện đạt khoảng 30%. Ga Tao Đàn - nhà ga đầu tiên của tuyến metro số 2, kết nối vào hệ thống nhà ga trung tâm Bến Thành - đang trong quá trình di dời, đấu nối đường điện tuyến cáp ngầm cao thế 110kV, phục vụ xây dựng nhà ga.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, trưởng Ban Quản lý đường sắt đô thị TP.HCM Phan Công Bằng cho biết metro số 1 chạy chính thức không chỉ là bước tiến lớn trong việc phát triển hạ tầng giao thông công cộng mà còn là tiền đề quan trọng để thúc đẩy tiến độ cho tuyến metro số 2 (Bến Thành - Tham Lương).
"Trong không khí hân hoan của metro số 1, dự án làm tuyến metro số 2 cũng đang được gấp rút hoàn thành các thủ tục để triển khai. Dự kiến cuối năm 2024 hoàn thành giải phóng mặt bằng và trong quý 2-2025 hoàn thành di dời hạ tầng kỹ thuật", ông Bằng cho hay.
Rút nhiều kinh nghiệm từ metro số 1
Theo Ban Quản lý đường sắt đô thị TP.HCM, dự án metro số 1 đã để lại nhiều bài học kinh nghiệm cho metro số 2. Để làm metro, phải chuẩn bị mặt bằng sạch cả trên mặt đất và không gian ngầm.
Do đó dự án xây dựng tuyến metro số 2 đã được áp dụng ngay bài học này nên đang tập trung làm mặt bằng sạch. Đồng thời, các công tác về chuẩn bị hợp đồng, pháp lý và quy định trách nhiệm rõ ràng giữa các bên là điều rất quan trọng.
Ông Fukuda Chihiro, phó trưởng đại diện văn phòng JICA Việt Nam, nói rằng: "đã có những vấn đề phát sinh ảnh hưởng tới tiến độ dự án metro số 1 mà chúng tôi không lường trước được khi bắt tay vào làm".
Đó là vấn đề di dời các chướng ngại vật ngầm dưới lòng đất, các thay đổi về thông số kỹ thuật dựa trên điều kiện thực tế tại công trường, các quy trình thủ tục về hợp đồng, giải quyết tranh chấp liên quan đến thanh toán.
"Các bên liên quan như chủ đầu tư, tư vấn giám sát, nhà thầu đã rất nỗ lực để tìm ra phương án giải quyết vấn đề. Tất cả kinh nghiệm này là những bài học quý giá cho tương lai. Trong các dự án tiếp theo, chúng tôi mong muốn sẽ thảo luận về đường lối chính sách và các biện pháp giải quyết càng sớm càng tốt ngay từ giai đoạn chuẩn bị dự án", ông cho biết thêm.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận