Nội dung này được Ban quản lý dự án đường sắt đô thị TP.HCM (chủ đầu tư) báo cáo trong công văn số 680 gửi Văn phòng UBND TP.HCM về thực hiện nhiệm vụ và giải quyết kiến nghị, tháo gỡ khó khăn vướng mắc dự án metro số 1.
Trong bản kế hoạch chi tiết trình UBND TP, trong quý 3-2024 sẽ rà soát kết quả đánh giá an toàn hệ thống của metro số 1. Thực hiện công tác nghiệm thu phòng cháy chữa cháy. Hoàn thành đào tạo cho nhóm nhân sự lái tàu, vận hành, quản lý nhà ga, điều độ, bảo dưỡng chủ chốt và tiến hành vận hành thử nghiệm.
Đến quý 4-2024, metro 1 hoàn thành công tác nghiệm thu phòng cháy chữa cháy và hoàn thành cấp chứng chỉ và thẩm định an toàn hệ thống cho các nhà ga còn lại. Hội đồng kiểm tra nhà nước về công tác nghiệm thu công trình xây dựng tiến hành kiểm tra nghiệm thu các hạng mục còn lại. Quý 4-2024 cũng là thời điểm mà chủ đầu tư đặt ra mốc tiến độ vận hành thương mại toàn tuyến.
Nhằm đảm bảo tiến độ thực hiện và đưa metro số 1 vận hành khai thác vào năm 2024, chủ đầu tư kiến nghị UBND TP quan tâm, chỉ đạo sở ngành phối hợp, hỗ trợ đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công việc liên quan đến điều chỉnh tiến độ thực hiện. Đồng thời, đề nghị nhà thầu gói CP3 (nhà thầu Hitachi - Nhật Bản - PV) hoàn thành các nội dung công việc để đảm bảo tiến độ đưa vào vận hành khai thác...
Metro số 1 dài 19,7km hiện có tổng khối lượng thực hiện toàn dự án đạt khoảng 98%. Như vậy, với văn bản nêu trên của chủ đầu tư, dự án sẽ không kịp vận hành chính thức vào tháng 7-2024 như đã công bố.
Trước đó, Tuổi Trẻ Online cũng đã đề cập về những khó khăn khi tiến độ dự án phải hoàn thành vào tháng 7-2024. Bởi theo đánh giá của một chuyên gia đường sắt đô thị, với mốc tiến độ mà chủ đầu tư đặt mục tiêu thì thời gian từ nay đến khi vận hành chỉ còn 5-6 tháng. Có thể nói rằng khối lượng công việc còn lại của dự án rất lớn, lại liên quan đến rất nhiều đơn vị, bộ ngành.
Chẳng hạn như việc thi công phải phụ thuộc vào tiến độ cam kết của nhà thầu. Trong đó, hạng mục quan trọng là tòa nhà OCC ở depot Long Bình. Đây là trung tâm, bộ não chỉ huy, điều khiển vận hành tàu, không hoàn thành sẽ không thể khai thác thương mại.
Vấn đề tiếp theo là phải hoàn thành công tác đánh giá, chứng nhận an toàn hệ thống. Nhiệm vụ này hiện nay do liên danh Bureau Veritas Vietnam - Bureau Veritas Exploitation - Bureau Veritas Quality Services - Shanghai Project Management - TEDI (gọi tắt là liên danh BVT) thực hiện.
Sau đó, chủ đầu tư hoàn thiện hồ sơ trình Cục Đường sắt Việt Nam và các cục liên quan để cấp giấy chứng nhận thẩm định hồ sơ an toàn hệ thống.
Trên cơ sở đó, toàn bộ hồ sơ sẽ trình Hội đồng Nghiệm thu nhà nước. Hội đồng sẽ kiểm tra toàn bộ hồ sơ, chứng nhận an toàn kèm theo, kết quả chạy thử... Nếu đạt, hội đồng thông qua biên bản cho phép đưa dự án vào khai thác.
"Như vậy, để chính thức khai thác thương mại tuyến đường sắt đô thị đầu tiên của TP.HCM trong vòng mấy tháng tới đòi hỏi sự phối hợp và nỗ lực rất lớn. Trong đó, cần thiết có những công việc phải thực hiện song song, không thể chờ đợi việc này xong mới tới việc khác", vị này nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận