Tuyến metro số 1 đoạn trên cao - Ảnh: ĐỨC PHÚ
Theo kế hoạch, năm 2020 được coi là thời điểm chạy nước rút thi công hoàn tất 85% khối lượng toàn dự án metro số 1 hướng đến cuối năm 2021 sẽ vận hành, khai thác.
Mới đây, trong báo cáo gửi Sở Kế hoạch và đầu tư TP về tình hình dự án năm 2020, Ban quản lý đường sắt đô thị TP (chủ đầu tư) đã nêu một số kết quả đạt được và các khó khăn vướng mắc cần sớm tháo gỡ để thúc tiến độ.
Theo chủ đầu tư, dù tình hình dịch COVID -19 có diễn biến phức tạp, làm gián đoạn nhập cảnh của các chuyên gia và nguồn cung vật liệu nhưng trên công trường các nhà thầu vẫn tăng tốc sớm đưa một số hạng mục về đích.
Cụ thể đó là thông tuyến 19,7km, hoàn thiện mặt bằng tầng B1 và hoàn trả mặt bằng trước Nhà hát TP; nhập khẩu đoàn tàu đầu tiên về nước, chuẩn bị cho giai đoạn vận hành thử nghiệm...
Dù vậy, tình hình dịch cùng với một số vướng mắc chưa được giải quyết trong thời gian dài khiến cho tiến độ dự án nhìn chung chậm so với kế hoạch đề ra. Cụ thể năm nay dự kiến chỉ hoàn thành 81% khối lượng toàn dự án, ít hơn 4% so với mục tiêu đề ra đầu năm.
Theo Ban quản lý đường sắt đô thị TP, một trong vướng mắc đó là hợp đồng tư vấn chung ký với Liên danh NJPT đã hết hạn và chưa được ký lại. 4 năm qua, NJPT và chủ đầu tư đã có các bước đàm phán để ký lại phụ lục hợp đồng số 19.
Trong thời gian đàm phán, hai bên đang áp dụng các biên bản ghi nhớ để NJPT tiếp tục thực hiện các công việc. Mới đây, Công ty Nippon Koei thành viên đứng đầu Liên danh tư vấn NJPT và Liên danh NJPT cũng có thư thông báo dừng một số hoạt động tư vấn cho đến khi ký kết phụ lục hợp đồng.
Theo chủ đầu tư, khối lượng thanh toán cho nhà thầu rất lớn, do đó cần tư vấn chung làm việc một cách liên tục. Mặt khác, việc chưa ký phụ lục hợp đồng đã làm gián đoạn công tác đào tạo lái tàu, điều độ, nhân viên nhà ga... ảnh hưởng nghiêm trọng đến kế hoạch vận hành khai thác vào cuối năm 2021.
Trước tình hình trên, chủ đầu tư kiến nghị UBND TP.HCM sớm có ý kiến chỉ đạo và chấp thuận kết quả đàm phán để ký kết phụ lục hợp đồng với tư vấn.
Ngoài ra, theo Ban quản lý đường sắt đô thị TP, việc chưa thống nhất giá trị ODA cấp phát từ ngân sách trung ương còn lại cho dự án bằng tiền yên hay tiền Việt Nam đồng dẫn đến việc không thể giải ngân số vốn được giao trong năm 2.185 tỉ đồng.
Chủ đầu tư kiến nghị Sở Kế hoạch và đầu tư TP sớm tham mưu để UBND TP có văn bản gửi Chính phủ tháo gỡ vấn đề này.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận