TTCT - Hà Nội và TP.HCM đều đã có các tuyến metro vận hành thương mại. Nhưng để metro trở thành một trong những phương tiện giao thông chính của đô thị, chính quyền còn rất nhiều việc phải làm. Hành khách đi trên tuyến metro Nhổn - ga Hà Nội bắt đầu hoạt động tháng 8-2024. Ảnh: PHẠM TUẤNNgày 22-12, tuyến metro đầu tiên của TP.HCM (metro Bến Thành - Suối Tiên) chính thức vận hành, hai tuyến metro ở Hà Nội (Cát Linh - Hà Đông và Nhổn - Cầu Giấy) đã được đưa vào khai thác thời gian trước. Hai đô thị lớn với đặc điểm đô thị hóa dàn trải và tự phát, quá khứ đã tối ưu hóa cho xe máy và khu vực kinh tế không chính thức chiếm tỉ trọng đáng kể đã tạo nên thách thức rất lớn để phát huy hệ thống đường sắt đô thị.Metro "cô độc"Chính quyền và các nhà quy hoạch ở TP.HCM kỳ vọng hệ thống giao thông công cộng có sức tải lớn như metro sẽ cải thiện những điểm nghẽn của siêu đô thị như kẹt xe, ngập nước, ô nhiễm không khí, đồng thời tăng cường không gian xanh, tạo sức cạnh tranh mới cho đô thị.Vấn đề cốt lõi là làm thế nào để việc đi lại bằng đường sắt bằng và vượt trội so với các phương tiện khác? Đành rằng các tuyến metro đã được thiết kế đảm bảo an toàn, thoải mái, tin cậy, giá phải chăng nhưng làm sao để khách đến được nhà ga hưởng các tiện ích này vẫn là thách thức rất lớn.Thách thức đầu tiên của đường sắt đô thị là sức cạnh tranh, thu hút hành khách không bằng các phương tiện vận chuyển khác. Hà Nội vận hành hai tuyến metro chưa hoàn chỉnh với lượng khách khoảng 10 - 15% công suất (tính tới cuối năm 2024).Một phần do hai tuyến metro này chưa kết nối với nhau cũng như chưa kết nối vào các trung tâm lớn của Hà Nội. Hành lang giao thông trên cả hai tuyến này đều thiếu không gian đi bộ (cả chất và lượng), các tuyến xe buýt gom và thiếu khả năng kết nối liên thông các phương thức giao thông khác (xe buýt, xe ôm, xe đạp, taxi). Các nhà ga, điểm trung chuyển thiếu bãi đỗ xe hoặc chi phí gửi xe cao và bất tiện. Trong khi chi phí sử dụng xe máy hiện nay chỉ khoảng 5 - 7 triệu/năm và mức độ tiện dụng rất cao.Trong tương lai, Hà Nội và TP.HCM tiếp tục phát triển các tuyến đường sắt và nhà ga mới sẽ đối mặt với khả năng dịch chuyển cấu trúc đô thị. Tuyến metro số 1 tại TP.HCM được đầu tư trong một thời gian dài đi qua khu vực còn dư địa phát triển nên có nhiều dự án nhà ở được xây dựng quanh các nhà ga hình thành những điểm dân cư tập trung tạo nên nhu cầu đi lại lớn. Tuy nhiên, theo các quy hoạch hướng tuyến metro của TP.HCM, không phải tuyến nào cũng có được lợi thế như vậy. Một nghiên cứu năm 2015 của trường Đại học Việt Đức cho thấy chỉ có khoảng 20% các tòa chung cư và cao ốc hỗn hợp nằm trong bán kính đi bộ tới các nhà ga đường sắt theo quy hoạch.Quy hoạch mạng lưới đường sắt đô thị có độ phủ hạn chế về cả không gian và chất lượng tiếp cận. Đô thị hiện hữu với những khu dân cư thấp tầng, nhiều hẻm nhỏ, sâu nên người dân tốn nhiều thời gian mới đến được bến xe buýt, tàu điện. Đối với những khu dân cư này (chiếm phần lớn tại Hà Nội và TP.HCM) thì xe cá nhân có lợi thế hơn phương tiện công cộng. Khi đó, các loại xe đạp hoặc xe điện trợ lực, xe xanh được khuyến khích làm lựa chọn thay thế xe máy nhưng phải có chỗ đậu xe tại các bến xe, nhà ga. Những người có nhu cầu đi lại đa mục tiêu, kết hợp kinh doanh, chở hàng, đưa con đi học, chơi thể thao… ở nhiều địa điểm khác nhau cũng sẽ khó lựa chọn đường sắt để đi lại thường xuyên.Tăng lực "hút" và "đẩy" cho hệ thống metroXây dựng tuyến đường sắt đô thị là quá trình đầu tư, cải tạo và phát triển để người dân tiếp cận mạng lưới giao thông công cộng thuận lợi với chi phí thấp. Bản chất là giúp người dân di chuyển thuận lợi hơn giữa các trung tâm việc làm và khu ở. Vậy nên phải đánh giá đúng thực tế và các cơ hội để gia tăng hiệu quả của các tuyến đường sắt đô thị tại vùng TP.HCM và Hà Nội.Trước hết, xác định nhóm người có khả năng sử dụng giao thông công cộng thường xuyên là những người làm việc văn phòng, sinh viên và học sinh từ 15 tuổi trở lên, người đi mua sắm, nghỉ ngơi, giải trí (ở các trung tâm thương mại, cụm dịch vụ). Để nhóm này có thói quen đi metro và xe buýt thì điều kiện tiên quyết phải là phương thức di chuyển này cần giúp họ tiết kiệm chi phí và thời gian hơn sử dụng những loại phương tiện khác.Bên cạnh đó, chính quyền cần đầu tư xây dựng nhanh mạng lưới đường sắt và các khu vực nhà ga trung chuyển lớn theo mô hình TOD (Transit Oriented Development - quy hoạch phát triển theo định hướng giao thông công cộng). Theo kế hoạch, trong vòng 10 năm tới, TP.HCM sẽ có 7 tuyến metro mới - một thách thức lớn. Trong 5 năm đầu tiên với một vài tuyến metro hoạt động thì cấu trúc đô thị chưa có động lực để dịch chuyển theo mô hình TOD nhưng chính quyền có thể dùng nhiều biện pháp để thay đổi thói quen đi lại của các nhóm dễ chuyển đổi trên. Sau 10-15 năm, nếu phát triển đúng theo quy hoạch, có khoảng 40 - 50% dân cư đô thị tiếp cận thuận lợi đến các nhà ga metro (trong bán kính 800m). Nhà nước sẽ phải đầu tư dài hơi hơn, bài bản hơn hệ thống giao thông công cộng để số dân cư còn lại dễ dàng tiếp cận với đường sắt. Những tác động trên của chính quyền không chỉ dừng lại ở việc thay đổi thói quen hành vi, văn hóa đi lại mà cốt lõi là phải đem lại lợi ích thiết thực cho người dân. Đường sắt đô thị phải đáp ứng nhu cầu đi lại cự ly dài hơn và nhanh hơn.Bên cạnh đầu tư để metro tạo sức hút với người dân, Nhà nước còn cần những chính sách "đẩy" dân đến gần metro hơn như hạn chế đỗ xe và sử dụng phương tiện cá nhân tại các khu vực TOD, thậm chí từng bước hạn chế xe cá nhân. Bên cạnh đó, Nhà nước có các chính sách miễn giảm thuế, tăng cho vay ưu đãi… để thu hút đầu tư phát triển nhanh các khu vực lân cận nhà ga nhằm tập trung lượng dân cư, việc làm, dịch vụ gần các ga metro, các đầu mối giao thông để tăng nhu cầu sử dụng metro của người dân. Ngược lại, chính quyền cũng phải hạn chế và kiểm soát phát triển nhà ở và dịch vụ (công trình cao tầng) bên ngoài các hành lang TOD…■ Kỳ vọng từ metroHệ thống tàu điện ngầm (metro) còn kỳ vọng tạo ra sự chuyển đổi mô hình kinh tế theo hướng dịch vụ hiệu quả, tạo công bằng xã hội, hình thành không gian đô thị bền vững, sử dụng tài nguyên hiệu quả hơn.Đường sắt đô thị cung cấp giải pháp đi lại thay thế đáng tin cậy và hiệu quả cho các cự ly trung bình và xa, đặc biệt là nhóm đi làm, đi học và giải trí, giảm ùn tắc trên các trục huyết mạch và các khu vực đông dân cư. Đi lại bằng đường sắt giúp số lượng lớn dân cư tiết kiệm thời gian và chi phí đi lại.Hệ thống đường sắt đô thị hoạt động hiệu quả được kỳ vọng sẽ thay đổi cấu trúc đô thị từ chỗ phát triển dàn trải sang mô hình đô thị nén nhỏ gọn tại các trung tâm, hình thành các chuỗi trung tâm dọc các hành lang đường sắt. Mô hình này giúp đô thị có nhiều không gian cho mảng xanh, các công trình công cộng, công ích nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, cải thiện ô nhiễm.Trong khu vực nội đô, hệ thống đường sắt khai thác không gian ngầm, giảm chi phí giải tỏa, tạo sức cạnh tranh cho hệ sinh thái đô thị cũ. Trên không gian vùng, đường sắt đô thị giúp giảm ùn tắc trên các tuyến đường huyết mạch, giúp kết nối nhanh và hiệu quả giữa các trung đô thị, trung tâm việc làm và dịch vụ giải trí. Đường sắt còn giúp chính quyền khai thác hiệu quả tài nguyên của vùng kinh tế cả về quy mô và tính đa dạng.Hệ thống đường sắt đồng bộ còn kỳ vọng góp phần giảm bất bình đẳng xã hội, cải thiện chất lượng cuộc sống đô thị về tổng thể. Nếu có cách làm phù hợp, việc phát triển đường sắt đô có thể tạo ra nguồn thu để tái đầu tư vào hệ thống hạ tầng và cải tạo đô thị (giảm 20 - 30% chi phí đầu tư ban đầu cho hạ tầng đường sắt). Trở lại Bạn đang đọc trong chuyên đề "Tuyến metro số 1 Tiếp theo Tags: Đường sắt đô thịCác tuyến metroGiao thông công cộngĐi lại Metro
Donald Trump - Tập Cận Bình: Quan hệ cá nhân, quan hệ siêu cường NGUYỄN THÀNH TRUNG 23/12/2024 1666 từ
Xuất hiện đối thủ đáng gờm, ‘ông lớn’ sữa nội đối diện giảm thị phần BÌNH KHÁNH 25/12/2024 Trong ngành sữa, các công ty trong nước và quốc tế đang cạnh tranh quyết liệt để giành thị phần. Đối với tập đoàn sữa nội, việc bảo vệ thị phần trong nước là một thách thức, theo chuyên gia SSI Research.
Biến động nhân sự mới tại SJC sau khi 6 người tại doanh nghiệp này bị khởi tố ÁNH HỒNG 25/12/2024 Công ty SJC đã có quyền tổng giám đốc mới là ông Đào Công Thắng. Ông Thắng nguyên là phó tổng giám đốc công ty này.
TP.HCM: phát hơn 46.000 phiếu điều tra, xây đề án di dời toàn bộ nhà trên và ven sông, kênh rạch THẢO LÊ 25/12/2024 TP.HCM sẽ điều tra thông tin nhân khẩu, tình trạng cư trú và sinh kế của người dân. Xác định số lượng, chất lượng, tình trạng pháp lý nhà ở và nguyện vọng của người dân với việc di dời nhà ở trên và ven sông, kênh, rạch.
Tàu hàng nghi chở vũ khí Nga từ Syria bị chìm 'do khủng bố' NGỌC ĐỨC 25/12/2024 Công ty hàng hải Nga khẳng định tàu hàng Ursa Major chìm tối 23-12 do bị tấn công khủng bố, sau khi bị Ukraine tố đang đến Syria để vận chuyển vũ khí về Nga.