08/12/2024 09:57 GMT+7

Metro: Cơ hội định lại văn hóa giao thông

Không chỉ là một phương tiện giao thông, metro mang theo hy vọng thay đổi văn hóa giao thông của người Việt. Tuyến metro số 1 tại TP.HCM không chỉ là biểu tượng của hạ tầng hiện đại mà còn mang diện mạo mới hóa giao thông đô thị.

Metro - cơ hội định lại văn hóa giao thông - Ảnh 1.

Người dân lên xuống hầm tại ga metro Bến Thành bằng thang cuốn và thang bộ - Ảnh: T.T.D.

Từ những câu chuyện từ hai tuyến metro ở thủ đô và trải nghiệm metro các nước, bạn đọc Tuổi Trẻ cùng chia sẻ với mong muốn từ tuyến metro mới ở TP.HCM sẽ định hình lại văn hóa giao thông.

Metro hiện đại, ta cũng phải văn minh

Ngay từ khi tuyến metro Cát Linh - Hà Đông, Nhổn - ga Hà Nội được mở cửa, sự tò mò của người dân đã tạo ra một hiện tượng hiếm thấy: dòng người chen lấn để trải nghiệm.

Tình trạng này xuất phát một phần từ sức hút của phương tiện hiện đại, phần khác là sự thiếu chuẩn bị trong công tác tổ chức. Một số người chưa quen với các quy định sử dụng tàu điện, không ít trường hợp cố tình giữ lại thẻ vé thay vì trả lại sau khi rời nhà ga, hoặc thản nhiên chụp ảnh cản trở lối đi và làm gián đoạn hoạt động của các ga tàu.

Những ngày đầu vận hành cũng nhiều những hình ảnh không đẹp như việc vứt rác bừa bãi tại khu vực nhà ga hay nói chuyện lớn tiếng trên tàu dù đã có biển cấm.

Thậm chí đã có hành khách bất chấp nguy hiểm nhảy xuống đường ray để nhặt đồ bị rơi khiến hệ thống phải tạm ngừng vận hành, ảnh hưởng đến lịch trình chung. Tại khu vực gầm cầu thang dẫn lên nhà ga cũng từng có tình trạng phóng uế bừa bãi.

Tuy nhiên, thực tế sau một thời gian vận hành hai tuyến metro tại Hà Nội đã cho thấy sự thay đổi tích cực trong ý thức cộng đồng.

Tình trạng xả rác giảm dần, các khu vực nhà ga và toa tàu luôn được giữ sạch sẽ, phần lớn nhờ vào sự nỗ lực của đội ngũ nhân viên vệ sinh và ý thức tự giác của người đi tàu. Nhân viên nhà ga với phong cách làm việc chuyên nghiệp, nhiệt tình, sẵn sàng hỗ trợ đã để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp trong lòng hành khách.

Điều này không chỉ phản ánh chất lượng đào tạo của đơn vị quản lý, vận hành hai tuyến metro mà còn góp phần thúc đẩy thái độ tích cực từ phía hành khách.

Xếp hàng, xếp hàng và xếp hàng

Một điểm thú vị là tâm lý "phương tiện hiện đại, ý thức văn minh" đã hình thành. Việc sử dụng metro - một phương tiện sạch, tiện nghi và hiện đại - cũng khơi dậy ý thức giữ gìn vệ sinh, trật tự và hành xử văn minh. Đây là tín hiệu lạc quan cho sự chuyển biến trong văn hóa giao thông đô thị, đặc biệt là ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM.

Tuyến metro số 1 tại TP.HCM chắc chắn sẽ đón một lượng lớn hành khách tham quan, trải nghiệm trong thời gian đầu. Đây là tuyến metro thứ ba của cả nước đi vào vận hành nhưng là tuyến đầu tiên có đoạn đi ngầm nên sự tò mò, háo hức của người dân rất lớn.

Thành phố cũng đã có chính sách miễn phí giá vé metro và 17 tuyến xe buýt kết nối trong 30 ngày đầu vận hành. 

Việc miễn phí không chỉ giúp người dân tiếp cận dễ dàng hơn với phương tiện mới mà còn là cơ hội để thành phố tổ chức các chiến dịch tuyên truyền văn hóa đi metro hiệu quả hơn. Tuy nhiên, TP.HCM cũng cần rút kinh nghiệm từ Hà Nội, tăng cường nhân viên hướng dẫn, quản lý dòng người hợp lý, và có các biện pháp xử lý tình huống phát sinh.

Hơn cả một phương tiện giao thông, metro mang theo hy vọng thay đổi văn hóa giao thông của người Việt.

Văn hóa xếp hàng, tuân thủ quy định và thái độ lịch sự trên tàu không chỉ làm đẹp hình ảnh metro mà còn lan tỏa ra toàn xã hội, nâng cao nhận thức về việc sử dụng không gian công cộng

Đặc biệt, thế hệ trẻ - những người tiên phong trong việc trải nghiệm và học hỏi - sẽ là nhân tố chính trong việc lan tỏa các hành vi văn minh này đến cộng đồng.

Khai tử thói quen vứt rác bừa bãi

Một nhân viên vệ sinh tại nhà ga Cầu Giấy thuộc tuyến metro Nhổn - ga Hà Nội cho biết trong nhà ga có trang bị thùng rác và phần lớn hành khách bỏ rác vào thùng, hiếm có trường hợp vứt rác ra sàn, kể cả đầu lọc thuốc lá và bã kẹo cao su. Sàn nhà ga được lau dọn thường xuyên nhưng chủ yếu là lau bụi và vết bẩn từ giày dép của hành khách.

Trong khi đó, một nhân viên bảo vệ tại ga Nhổn thuộc tuyến này chia sẻ sau một thời gian đi vào vận hành ổn định và người dân đã quen dần với tàu điện, tình trạng hành khách đứng sát mép ke ga để quan sát đường ray vì tò mò hoặc chụp ảnh check-in đã giảm hẳn, chỉ còn ít trường hợp.

Vào giờ cao điểm, để tránh tình trạng hành khách đứng tràn ra ngoài vạch an toàn trên sân ga, nhân viên nhà ga phải dùng loa liên tục nhắc nhở hành khách. Rào chắn an toàn "chạy bằng cơm" là giải pháp tạm thời mà hai tuyến metro ở Hà Nội đang áp dụng trong thời gian chờ làm hệ thống rào chắn cố định như tại tuyến metro số 1 TP.HCM.

Đi bộ đến ga metro: chuyện thường ngày

Ông Vũ Hồng Trường - tổng giám đốc Hà Nội Metro - cho biết hiện các tuyến metro ở Hà Nội trở thành phương tiện đi lại hằng ngày của hàng ngàn người dân thủ đô và cái được lớn nhất là đã dần hình thành văn hóa giao thông mới.

Người dân đã dần thay đổi thói quen đi lại và từng bước tạo dựng văn hóa tham gia giao thông, văn hóa sử dụng giao thông công cộng văn minh, an toàn, thân thiện. Nếu như trước đây một số người dân ngại đi bộ 200 - 300m nhưng hiện có nhiều người đi bộ 1-2km để tiếp cận metro. Điều này góp phần hạn chế xe cá nhân, giảm ùn tắc giao thông đô thị.

Metro - cơ hội định lại văn hóa giao thông - Ảnh 3.

Hành khách đi tàu điện ở Kuala Lumpur, Malaysia - Ảnh: L.NAM

Đi metro ở xứ người?

Tại nhiều quốc gia, các tuyến metro nội ô và nối các thành phố được trang bị các tiện ích cơ bản như máy lạnh, WiFi miễn phí, ổ cắm USB, hệ thống loa thông báo, dốc lên xuống cho xe lăn... Có nơi bổ sung một số tiện ích đặc biệt như ghế ngồi thân thiện với trẻ em trên các tuyến metro đông khách, gần khu dân cư và điểm đến dành cho gia đình ở thành phố Washington, Mỹ.

Theo trang Mom of Action, việc cho trẻ đi metro ở thành phố này dường như dễ dàng hơn với một số loại ghế ngồi thấp hơn ghế thường, màu sắc và họa tiết sặc sỡ để thu hút trẻ em; ghế có dây an toàn có thể điều chỉnh, phù hợp với trẻ nhỏ và trẻ sơ sinh; ghế gấp dành chỗ cho nôi em bé.

Các ga tàu trên thế giới thường được bố trí khu vực mua, bán và soát vé, máy bán hàng tự động, nhà vệ sinh... Tuy nhiên cũng có một số ga tàu được "biến hóa" thành những địa điểm nghệ thuật tuyệt đẹp.

Hệ thống tàu điện ngầm Stockholm, Thụy Điển vẫn được ví như một triển lãm nghệ thuật dài nhất thế giới, với chiều dài 110km. Theo trang visitstockholm.com, hệ thống này có một trăm nhà ga, mỗi nơi đều có tác phẩm nghệ thuật độc đáo trên sân ga, trên tường hoặc ở khu vực chờ.

Bên cạnh các tiện ích, quy định an toàn và văn hóa ứng xử trên metro cũng là chuyện được các thành phố quan tâm. Các nơi hầu hết đều có bộ quy định về những việc được và không được làm trên metro.

Để xây dựng một môi trường sử dụng an toàn và thân thiện, hệ thống tàu điện Đài Bắc (Taipei Metro) ở Đài Loan đã triển khai nhiều chiến dịch thông tin nhằm nâng cao nhận thức của hành khách về an toàn và văn hóa ứng xử trên tàu.

Kể từ khi tuyến tàu điện đầu tiên của Đài Bắc - tuyến Muzha chính thức đi vào hoạt động vào tháng 3-1996, Taipei Metro đã phát triển văn hóa hành khách bao gồm các quy tắc như không ăn uống, hút thuốc, nhai kẹo cao su trên tàu, xếp hàng khi lên tàu, nhường khách xuống tàu trước, nhường ghế cho người cần hơn, nói chuyện điện thoại nhỏ tiếng...

Taipei Metro cho phép mang thú cưng lên tàu nhưng phải để trong xe đẩy chuyên dùng (pet stroller). Nếu xe đẩy có kích cỡ vừa hoặc nhỏ thì có thể lên xuống ở mọi ga tàu, nhưng nếu xe cỡ lớn thì chỉ được dùng ở một số ga tàu kèm quy định giờ giấc cụ thể. Nếu thú cưng có hành vi hung dữ, chủ nuôi hoàn toàn chịu trách nhiệm. Từ năm ngoái, Taipei Metro cũng có hai tuyến tàu riêng vào cuối tuần mà hành khách được phép mang thú cưng lên tàu thoải mái hơn kèm nhiều quy định cụ thể.

Tại Singapore, thú cưng không được phép lên phương tiện giao thông công cộng vì những lo ngại về an toàn, vệ sinh, dị ứng và tiếng ồn. Tuy nhiên chó huấn luyện hỗ trợ cho người khiếm thị thì được phép.

Lên metro ngủ và đọc sách

Năm 2008, các chuyên gia Nhật Bản đã quan sát 84 hành khách và khảo sát 503 hành khách trên các chuyến tàu "thông thường" và "cao cấp" ở Tokyo. Kết quả cho thấy hai hoạt động phổ biến nhất là ngủ và đọc sách, với tỉ lệ ngủ rất cao (67%). Khảo sát cũng cho thấy khoảng một phần tư đến một phần ba số hành khách cho biết họ "suy nghĩ về điều gì đó" liên quan đến công việc hoặc giải trí. Loại hình hoạt động cũng khác nhau tùy theo độ dài hành trình: chuyến đi càng dài, hành khách càng có xu hướng ngủ hoặc đọc sách.

Metro - cơ hội định lại văn hóa giao thông - Ảnh 4.Ngắm diện mạo đặc biệt của 17 tuyến xe buýt điện kết nối trực tiếp ga metro số 1

Với mục tiêu tạo nên hệ thống giao thông công cộng hiện đại, thân thiện với môi trường và thuận tiện cho người dân, 17 tuyến xe buýt điện kết nối trực tiếp với các ga của tuyến metro số 1 đã sẵn sàng đưa vào hoạt động.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên