Vị giám đốc Meta, người từng nhiều lần đến Việt Nam trong 20 năm qua, đã trả lời trực tiếp những câu hỏi của Tuổi Trẻ vào ngày 22-3 về những mong muốn của Meta trong quá trình đồng hành với tương lai chuyển đổi số ở Việt Nam.
* Gần đây có một số quảng cáo của doanh nghiệp Việt xuất hiện ở những vị trí không tích cực trên Facebook. Mong ông chia sẻ cụ thể về những gì Meta đã và đang làm để bảo đảm an toàn thương hiệu cho họ?
- Chúng tôi đang hợp tác với Bộ Thông tin và Truyền thông, đặc biệt là Cục Phát thanh - Truyền hình cho vấn đề trên. Đối với những nội dung được cho là không phù hợp, chúng tôi có một kênh trao đổi để phía Việt Nam thông tin đến Meta. Chúng tôi luôn ghi nhận các phản ánh này để xem xét và có biện pháp xử lý phù hợp.
Đảm bảo an toàn thương hiệu là một chủ đề rất quan trọng với Meta. Chúng tôi có hơn 3,7 tỉ người dùng trên toàn thế giới. Meta đã và đang hỗ trợ các doanh nghiệp (DN), các nhà sáng tạo nội dung, các công ty quảng cáo và những người xuất bản nội dung..., giúp họ hiểu rõ các công cụ của Meta, biết được cách đặt các nội dung quảng cáo cho phù hợp.
Trước khi các nội dung được đưa lên nền tảng của chúng tôi đều phải qua một hệ thống kiểm duyệt tự động của Meta. Do đó, có thể nói chúng tôi có nhiều công cụ, kênh và cơ chế để đảm bảo an toàn thương hiệu cho khách hàng.
* Meta có dự định mở văn phòng đại diện tại Việt Nam sau chuyến công tác này của ông không?
- Sự cam kết của Meta đối với thị trường Việt Nam là dài hạn. 5 năm qua, đầu tư của chúng tôi vào Việt Nam tăng đều theo từng năm. Chúng tôi không chỉ muốn mở rộng mà còn muốn làm sâu hơn quan hệ với các đối tác khác, trong đó có các cơ quan chính phủ, cộng đồng các DN vừa và nhỏ, DN siêu nhỏ cũng như người dùng Việt Nam. Chúng tôi cũng muốn tìm hiểu hơn nữa về môi trường, chính sách của Chính phủ Việt Nam trong việc tạo điều kiện cho kinh tế số, chuyển đổi số ở Việt Nam.
Quay trở lại cách đây 3 năm, khi dịch COVID-19 còn phức tạp, Meta đã hợp tác với Bộ Y tế và Cổng thông tin điện tử Chính phủ để bảo đảm những thông tin liên quan COVID-19 được đưa đến người dân nhanh nhất, chính xác nhất. Đơn cử như chiến dịch kêu gọi tiêm chủng vắc xin COVID-19 có tên "Tiêm vắc xin, vững niềm tin" - đã có 40 triệu người được tiếp cận. Một chiến dịch khác cũng liên quan đến vắc xin đã đến được với 60 triệu người Việt Nam.
* Vậy trong các cuộc làm việc ở chuyến công tác này, ông có đưa ra những kiến nghị nào liên quan đến chính sách của Việt Nam cho các dịch vụ nội dung số xuyên biên giới?
- Tôi đã có cuộc gặp với Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng vào hôm 21-3 và sẽ còn gặp nhiều lãnh đạo bộ ngành cũng như Chính phủ trong thời gian còn lại.
Trong 10 năm qua, chúng ta đã thấy sự phát triển mạnh mẽ của kinh tế số và nó chắc chắn sẽ là chủ đề chính trong các diễn đàn phát triển kinh tế của nhiều nước trong các thập niên tới. Hơn lúc nào hết, vào thời điểm này, Chính phủ Việt Nam không chỉ cần đưa ra các chính sách thu hút đầu tư công nghệ nước ngoài mà còn phải tạo được môi trường tốt nhất có thể, giúp các DN vừa và nhỏ, DN siêu nhỏ bước ra thế giới.
Internet mở đã tạo điều kiện lớn cho việc trung chuyển, chia sẻ dữ liệu xuyên biên giới không rào cản và không giới hạn. Với các hãng công nghệ như Meta, mô hình phát triển phụ thuộc vào sự dịch chuyển của dữ liệu xuyên biên giới diễn ra hằng ngày, hằng giờ.
Tương tự, khi các công ty công nghệ Việt Nam muốn vươn ra thế giới cũng phải dựa vào dòng chảy dữ liệu xuyên biên giới và không có rào cản. Do vậy, một trong những điểm chính trong các trao đổi của Meta với Chính phủ Việt Nam là việc xây dựng môi trường, chính sách nhằm tạo điều kiện phát triển kinh tế số phải được đặt trong mô hình mở.
Do đó trong các cuộc trao đổi sắp tới về bảo vệ dữ liệu cá nhân, các luật hay nghị định và thông tư liên quan kinh tế số, chúng tôi mong sẽ tiếp tục duy trì tinh thần đối thoại xây dựng lẫn nhau.
Doanh nghiệp Mỹ có thể tham gia đóng góp cho khuôn khổ pháp lý của kinh tế số
Đó là khẳng định ngày 22-3 của đại diện Bộ Thông tin và Truyền thông trong cuộc làm việc với một số doanh nghiệp Mỹ như Meta, Roblox, SpaceX, FedEx, UPS, Amazon Web Services... Theo đó, Việt Nam mong muốn triển khai chuyển đổi số trên ba trụ cột là: chính phủ số, kinh tế số và xã hội số. Trong đó, người dân phải là trung tâm của chuyển đổi số, có thể dễ dàng tiếp cận các dịch vụ số với chi phí hợp lý.
Theo đại diện Bộ Thông tin và Truyền thông, những giải pháp chuyển đổi số thành công ở Mỹ, châu Âu chưa chắc đã thành công ở Việt Nam.
Do vậy, các doanh nghiệp Việt có thể đóng vai trò giúp bản địa hóa giải pháp mà các doanh nghiệp Mỹ phát triển. Ở góc độ cơ quan quản lý nhà nước, Bộ Thông tin và Truyền thông nhận thấy Việt Nam cần có một khuôn khổ pháp lý mới phù hợp cho kinh tế số. Đây cũng là lĩnh vực mà các doanh nghiệp Hoa Kỳ có thể tham gia đóng góp.
Cũng trong chiều 22-3, các doanh nghiệp Mỹ đã gặp Thủ tướng Phạm Minh Chính. Người đứng đầu Chính phủ đã thông tin về tình hình Việt Nam, lắng nghe kiến nghị của các doanh nghiệp Mỹ. Thủ tướng trực tiếp giải đáp một số kiến nghị và giao cho các bộ ngành tiếp tục xử lý trong thời gian tới.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận