26/12/2024 11:52 GMT+7

Mệt mỏi như kiện án hành chính - Kỳ cuối: Cấp trên quyết liệt, cấp dưới mới thực thi nghiêm

Các quy định hiện hành rất khó để án hành chính được thi hành nghiêm túc so với án dân sự hay án hình sự. Cần cơ chế buộc thi hành hiệu quả hơn.

Mệt mỏi như kiện án hành chính - Kỳ cuối: Cấp trên quyết liệt, cấp dưới mới thực thi nghiêm - Ảnh 1.

Con kiến mà kiện củ khoai Minh họa: AI vẽ

Mới đây, Nghị quyết số 174 của Quốc hội về kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV (ngày 30-11) yêu cầu Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao... tiếp tục rà soát các quy định của pháp luật trong lĩnh vực thi hành án để kịp thời sửa đổi, bổ sung các quy định không còn phù hợp, chồng chéo, chưa thống nhất.

Cần cơ quan thi hành án chuyên trách

Đánh giá khó khăn về cơ chế thi hành án hành chính, TS Cao Vũ Minh (Trường đại học Kinh tế - Luật TP.HCM) cho rằng án hành chính không có cơ quan chuyên trách thi hành và cũng không có quy định cưỡng chế thi hành như án hình sự hay dân sự mà chỉ được theo dõi, đôn đốc bởi cơ quan thi hành án dân sự.

Bên cạnh đó, nghị định 71 không quy định cụ thể mà chỉ quy định về nguyên tắc việc cấp trên xử lý trách nhiệm đối với cấp dưới vì chậm thi hành án, không thi hành, thi hành không đúng và không đủ nội dung bản án.

Còn việc xử lý kỷ luật cán bộ, công chức cụ thể phải thực hiện theo nghị định 112/2020, mà nghị định này không mô tả rõ hành vi vi phạm của cán bộ công chức bị xử lý trong việc thi hành án. Vì vậy việc đánh giá, xử lý cán bộ công chức cấp dưới như thế nào phụ thuộc hoàn toàn vào đánh giá của cơ quan có thẩm quyền.

"Do quan hệ cấp trên - cấp dưới có tính chất nội bộ, chưa kể việc xử lý kỷ luật cấp dưới cũng ảnh hưởng đến kết quả thi đua năm, đánh giá xếp loại chung... Vì vậy, rất khó để cấp trên kỷ luật cấp dưới vì vi phạm nghĩa vụ thi hành án hành chính theo nghị định 71..." - ông Minh nói.

Đồng tình, theo luật sư Bùi Quang Nghiêm, phó chủ nhiệm Đoàn luật sư TP.HCM, dù Luật Tố tụng hành chính và nghị định số 71 đã có những quy định về thi hành án hành chính như tòa án xử sơ thẩm vụ án có quyền ra quyết định buộc thi hành án trong trường hợp người phải thi hành án vi phạm nghĩa vụ tự nguyện chấp hành; quy định về chế tài xử lý kỷ luật đối với người không chấp hành bản án; công khai thông tin người không chấp hành án hành chính...

"Tuy nhiên, những quy định trên chỉ mới dừng ở việc tạo ra áp lực mà chưa mang tính cưỡng chế, bắt buộc thi hành án. Vì vậy khi bên phải thi hành án chây ì thì người dân bị thiệt thòi. Thực trạng này cần phải thay đổi, không để người dân được thi hành án phải mệt mỏi với cảnh con kiến kiện củ khoai", ông Nghiêm nói.

Hướng để khắc phục tình trạng trên, TS Vũ Minh và luật sư Bùi Quang Nghiêm đều cho rằng về lâu dài cần có cơ quan thi hành án hành chính chuyên trách.

Trách nhiệm nêu gương

Một trong những giải pháp để nâng cao trách nhiệm của cơ quan, người có thẩm quyền phải thi hành án hành chính, theo TS Cao Vũ Minh, là cấp ủy cần có giải pháp chỉ đạo quyết liệt gắn với trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu.

"Cần có giải pháp thiết lập lại kỷ cương, nguyên tắc nêu gương người đứng đầu. Nếu cấp trên quyết liệt chỉ đạo thì cấp dưới phải thi hành án sẽ nghiêm chỉnh chấp hành... Ví dụ ở TP.HCM từ khi có chỉ thị 23 của Thành ủy thì các địa phương đều quyết liệt kiểm tra, xử lý và tình hình vi phạm trật tự xây dựng được kiểm soát tốt...", TS Minh nói.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, TS Lê Xuân Thân, ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, cho rằng các cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền phải nghiêm chỉnh thi hành án hành chính, bảo đảm thượng tôn pháp luật.

Theo ông Thân, trách nhiệm của mỗi cơ quan, tổ chức, cá nhân phải nghiêm chỉnh chấp hành bản án của tòa án đã có hiệu lực pháp luật, đó là nguyên tắc hiến định.

"Như vậy vấn đề còn lại là cần tổ chức thi hành nghiêm các văn bản pháp luật hiện hành về thi hành án hành chính để đảm bảo giá trị pháp lý tối cao của Hiến pháp và tính thượng tôn pháp luật...", ông Thân nói.

Kiến nghị Thủ tướng xem xét xử lý trách nhiệm

Kết quả giám sát gần nhất (năm 2022) của Ủy ban Tư pháp Quốc hội cho thấy giai đoạn 2019 - 2021 cả nước có hơn 21.000 quyết định hành chính và hành vi hành chính bị kiện, chiếm 9% trên tổng số khiếu nại hành chính và có những diễn biến phức tạp.

Trong đó, số quyết định hành chính và hành vi hành chính bị tòa tuyên hủy một phần hoặc toàn bộ vì trái pháp luật tăng so với giai đoạn trước.

Trong 3 năm (2019 - 2021), cơ quan thi hành án dân sự đã kiến nghị người có thẩm quyền xử lý trách nhiệm đối với 136 vụ việc thi hành án. Bộ Tư pháp đã báo cáo, kiến nghị Thủ tướng xem xét xử lý trách nhiệm người phải thi hành án trong 59 vụ việc thuộc trách nhiệm thi hành của UBND và chủ tịch UBND cấp tỉnh.

Số lượng bản án hành chính chưa được thi hành còn nhiều (gần 490 bản án), trong đó có 208 bản án đã có quyết định buộc thi hành án của tòa án. Trong khi nghị quyết số 96 (năm 2019) của Quốc hội giao chỉ tiêu "chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra việc thi hành đối với 100% bản án hành chính có hiệu lực pháp luật".

Đánh giá về nguyên nhân, theo Ủy ban Tư pháp Quốc hội, còn một số UBND và chủ tịch UBND không ý thức đầy đủ trách nhiệm, nghĩa vụ chấp hành pháp luật, không thực hiện nghiêm kỷ cương, kỷ luật hành chính.

Báo cáo về thi hành án hành chính (tháng 3-2023) của Bộ Tư pháp đã đề nghị UBND và chủ tịch UBND 14 tỉnh thành gồm Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Bắc Kạn, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Cà Mau, Đắk Lắk, Kiên Giang, Khánh Hòa, Phú Yên, Quảng Trị, Thanh Hóa, Tiền Giang có giải pháp tổ chức thi hành dứt điểm 56 bản án thuộc trách nhiệm thi hành của UBND và chủ tịch UBND cấp tỉnh có hiệu lực thi hành từ năm 2021 trở về trước nhưng chưa thi hành xong. Bộ sẽ thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành về việc chấp hành pháp luật thi hành án hành chính.

Năm 2024 TP.HCM còn 120 bản án, quyết định (hơn 46%) có hiệu lực chưa thi hành

Theo báo cáo của UBND TP.HCM về công tác chấp hành pháp luật tố tụng hành chính và thi hành án hành chính năm 2024, trong năm TP có 445 quyết định hành chính và hành vi hành chính bị khởi kiện/tổng số 182.420 quyết định hành chính và hành vi hành chính ban hành, thực hiện.

Trong tổng số 445 quyết định hành chính, hành vi hành chính bị kiện có 144 quyết định hành chính, hành vi hành chính bị tòa tuyên hủy hoặc tuyên trái pháp luật.

Đối với các bản án, quyết định của tòa án về vụ án hành chính đã có hiệu lực pháp luật, năm 2024 TP có 136 bản án và quyết định đã thi hành xong, còn lại 120 bản án và quyết định chưa được thi hành.

Mệt mỏi như kiện án hành chính - Kỳ cuối: Cấp trên quyết liệt, cấp dưới mới thực thi nghiêm - Ảnh 2.Mệt mỏi như kiện án hành chính - Kỳ 2: Vất vả thắng kiện cũng như không

Vất vả hàng chục năm đi kiện án hành chínhh, thắng kiện nhưng cơ quan nhà nước không thi hành theo đúng bản án. Để rồi bản án có hiệu lực chỉ là mốc khởi đầu mới cho chuỗi ngày khiếu nại, kiện cáo tiếp theo của người dân.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên