​MERS còn đáng sợ hơn SARS

HẢI MINH (TỔNG HỢP) 07/06/2015 17:06 GMT+7

Tỉ lệ tử vong khoảng 40%, chưa có văcxin, chưa có thuốc điều trị và đang có nguy cơ lan rộng ở châu Á, virút MERS là mối đe dọa mới nhất của thời các đại dịch toàn cầu.

undefined
 

Trong tuần rồi, nhà chức trách Hong Kong đã cách ly 18 người đi chung với một người Hàn Quốc tới thành phố này bị nhiễm MERS (hội chứng suy giảm hô hấp Trung Đông). Người đàn ông Hàn Quốc 44 tuổi nhiễm virút MERS đã lên chuyến bay của Hãng Asiana Airlines từ Seoul tới Hong Kong ngày 26-5, rồi đi bằng xe buýt vào Trung Quốc đại lục, được xác nhận là ca nhiễm MERS đầu tiên ở Trung Quốc.

MERS là gì?

Virút MERS, thuộc họ corona virút, là loại rất khó sống sót ở môi trường bên ngoài. Ngoài cơ thể vật chủ, chúng chỉ sống được tối đa là một ngày và bị giết chết dễ dàng bởi những hóa chất trong bột giặt hay nước rửa tay.

MERS rất giống dịch SARS từng gây ra cơn hoảng loạn ở Trung Quốc năm 2002. Xuất phát từ Saudi Arabia, MERS nhanh chóng lan ra ở Trung Đông và hồi tháng 5, Hàn Quốc đã xác nhận 15 trường hợp nhiễm MERS. Các chuyên gia mới xác định được là MERS cùng chủng loại với virút SARS, nhưng có sức tàn phá lớn hơn.

Các triệu chứng của người nhiễm MERS là ho, thở gấp, sốt và viêm phổi. Virút tấn công các tế bào ở phổi và có thể ở thận, với dấu hiệu thận chịu nhiều tổn thương trong nhiều trường hợp tử vong. 

Tuy nhiên, cũng có trường hợp nhiễm MERS mà không hề có triệu chứng. Các nhà khoa học cho tới giờ vẫn đang tranh luận về nguồn gốc của virút MERS, mới lần đầu họ thấy xuất hiện ở người.

Một số chuyên gia nói virút này đã lây lan trong những con lạc đà ở Ả Rập trong hơn 20 năm qua. Dơi cũng là loài có mang virút, nhưng hiện chưa rõ loài nào mới là vật chủ đầu tiên của MERS.

Một nghiên cứu đăng tải trên tạp chí y khoa và hóa sinh mBio cho rằng MERS có thể lây truyền qua lại giữa người và lạc đà, nhưng Tổ chức Y tế thế giới (WHO) chưa xác nhận thông tin này.

Dẫu vậy, những nạn nhân đầu tiên của MERS đều được ghi nhận có tiếp xúc với lạc đà, ăn thịt hoặc uống sữa của chúng. Cơ chế lây truyền của MERS cũng chưa rõ, có thể là qua không khí hoặc chất lỏng trong cơ thể. Rất nhiều bệnh nhân là những nhân viên y tế hay thành viên gia đình tiếp xúc nhiều và gần với người nhiễm bệnh ban đầu.

Thật ra, các trường hợp MERS đầu tiên được xác nhận đã là từ năm 2012 tại Jordan và Saudi Arabia. Nhưng tới giữa năm 2014, và nhất là thời gian qua, MERS bắt đầu lây lan nhanh và gây nhiều chú ý. Tính tới tháng 6-2014, MERS đã lây lan ra 23 nước, chủ yếu là ở Trung Đông và châu Á, với gần 700 người nhiễm và gần 300 trường hợp tử vong riêng ở Saudi Arabia.

Hai ca cũng đã được phát hiện ở Mỹ, một số ca khác ở Pháp, Hi Lạp, Ý, Malaysia, Tunisia, Anh... Tất cả những người nhiễm bệnh đều đã tới Trung Đông hoặc tiếp xúc với các bệnh nhân MERS khác.

Từ tháng 4-2014, WHO bắt đầu cảnh báo về sự gia tăng nhanh chóng các ca nhiễm MERS, rất nhiều ca lây từ người sang người, nhưng WHO cũng nói số ca gia tăng có thể vì chúng ta biết nhiều về căn bệnh này và phát hiện được virút tốt hơn so với trước kia.

Các bệnh nhân hiện đều phải cách ly và điều trị bằng các loại thuốc kháng virút, hạ sốt, hỗ trợ hô hấp nếu họ thở khó khăn, nhưng các nhà khoa học vẫn chưa thể điều chế văcxin, với viễn cảnh sáng sủa nhất là phải mất ba năm nữa mới có thể cho ra đời một loại văcxin hiệu quả.

Tỉ lệ tử vong của những người nhiễm MERS từ năm 2012 tới nay là khoảng 40%, theo WHO. Tất cả những ai bị sốt và có những triệu chứng bệnh lý hô hấp trong vòng 14 ngày sau khi tới Trung Đông đều được khuyến cáo đi xét nghiệm virút MERS. 

Tuy nhiên, không giống như SARS vốn tập trung ở những người trẻ và khỏe mạnh, MERS thường tấn công những người có tiền sử bệnh lý về hô hấp hay tiểu đường.

Những câu hỏi chưa được trả lời

Nghiên cứu đăng tải trên mBio khẳng định MERS là một loại virút có ở lạc đà ít nhất đã hai thập kỷ qua và lây từ lạc đà sang người.

Trưởng nhóm nghiên cứu Ian Lipkin của Đại học Columbia (Mỹ) nói với Hãng tin NPR: “Chúng ta biết rõ câu trả lời cho một số câu hỏi. Trước hết, virút này rất phổ biến ở lạc đà. Đó là nguồn chính của loại virút này và nó có thể lây thẳng từ lạc đà qua người mà không cần qua một động vật trung gian khác”.

Tuy nhiên, các dữ liệu mới cũng còn bỏ ngỏ nhiều câu hỏi lớn và càng khiến virút MERS thêm bí ẩn. “Chúng ta cần tìm hiểu xem liệu có một vật chủ trung gian nào khác mang loại virút này tới gần hơn và thường xuyên hơn với con người để giải thích sự tăng mạnh các ca nhiễm mới trong thời gian qua hay không. Chúng ta cần phải hiểu con người có thể bị nhiễm loại virút này như thế nào” - Lipkin nhấn mạnh.

Sau nhiều trì hoãn gây ra rất nhiều chỉ trích, mãi tới giữa năm ngoái các quan chức y tế ở Saudi Arabia mới bắt đầu cho phép các chuyên gia của WHO tiếp cận và nghiên cứu dịch MERS theo từng trường hợp. Tuy nhiên, nhiều nhà nghiên cứu cũng cho rằng virút này không lây lan mạnh, nếu không chúng ta đã phải chứng kiến nhiều ca nhiễm hơn.

Các chuyên gia của Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa bệnh Hoa Kỳ cũng đã nhấn mạnh virút này ít rủi ro gây ra một đại dịch. Tuy nhiên, mối lo lớn là chủng virút mới sẽ lan rộng và khó kiểm soát, cũng như đột biến thành những chủng mới khó kiểm soát hơn.

Vì sao khó điều chế vắc xin?

Trừ một số quốc gia và vùng lãnh thổ đã có dịch bệnh, hiện WHO vẫn chưa đưa ra khuyến cáo về giới hạn đi lại liên quan tới virút MERS, nhưng khuyến cáo những trường hợp nhiễm bệnh cần được giám sát chặt chẽ vì số nước có người nhiễm còn có thể tăng nữa.

Đối với từng cá nhân, cách phòng bệnh tốt nhất là thực hiện các lời khuyên vệ sinh sau: rửa tay bằng nước với xà phòng; dùng khăn che mũi và miệng khi ho hoặc hắt hơi và ném vào thùng rác; không chạm tay vào mắt, mũi, miệng khi chưa rửa tay; tránh tiếp xúc gần với người bệnh (như ôm hôn, bắt tay); lau chùi các bề mặt có thể đã bị nhiễm virút (như tay nắm cửa, điện thoại...).

Việc phòng bệnh càng thêm quan trọng bởi triển vọng về thuốc điều trị hay văcxin cho virút MERS còn rất xa vời. Dù với các chuyên gia dịch tễ học, việc tìm ra văcxin MERS là khả thi chứ không khó khăn như việc tìm văcxin cho virút HIV chẳng hạn, nhưng các yếu tố kinh tế và thủ tục gây ra rất nhiều trở ngại.

Y khoa ngày nay có thể dễ dàng tìm ra cách tấn công một loại virút và những nghiên cứu ban đầu với MERS cho thấy nó không phải là loại virút “bất trị” như HIV. Nhưng việc kiểm tra tính an toàn và hiệu quả của một loại văcxin có thể mất tới 5-6 năm, giống như việc phát triển loại văcxin chống khuẩn màng cầu não B từng gây ra dịch bệnh ở New Zealand, và có thể tiêu tốn tới nửa tỉ USD, theo lời Philipp Dormitzer - giám đốc bộ phận virút học của Công ty dược Novartis.

Dịch SARS, một dịch bệnh rất gần với MERS, cũng từng gặp vấn đề tương tự. Hơn một thập kỷ trước, Công ty Chiron (nay đã bị Novartis mua lại) từng nghiên cứu văcxin ngừa SARS.

Nhưng mãi tới giờ, việc thử nghiệm mới chỉ dừng lại ở chỗ văcxin có hiệu quả trên động vật, Dormitzer nói với National Geographic. Tệ hơn, những nỗ lực của các nhà nghiên cứu có thể không bao giờ đưa tới một sản phẩm có thể thương mại hóa, và điều đó khiến các hãng dược tư nhân nản lòng trong việc nghiên cứu văcxin.

“Không thể không xem xét các tiền lệ. Chúng tôi phải tự hỏi khi chúng tôi nghiên cứu xong xuôi và xin được giấy phép thì liệu căn bệnh này có trôi vào quên lãng rồi hay không” - Dormitzer lập luận. Một số chuyên gia cũng đồng ý rằng lúc này dành thời gian và tiền bạc để phát triển văcxin MERS là chưa hợp lý, dù căn bệnh đang có dấu hiệu lan nhanh.

Nguồn lực, vì thế, nên được tập trung cho những căn bệnh lây lan mạnh và có thể gây ra đại dịch giết chết hàng triệu người khác, như các chủng virút cúm biến thể, theo lời GS Robert W. Finberg của khoa dược Đại học Y khoa Massachusetts (Mỹ).

Finberg nói ông lo ngại về cúm gia cầm nhiều hơn là về MERS, vì hàng triệu người tiếp xúc với các loài chim và gia cầm mỗi ngày và nếu virút cúm gia cầm phát triển thành loại dễ lây từ người sang người, nó sẽ là một thảm họa. “Cúm gia cầm vẫn còn đó. Vật chủ của loại virút này rất đông đảo” - Finberg nói.

Tuy nhiên, nếu MERS có dấu hiệu lây nhiễm nhanh hơn, cuộc tranh luận về phát triển văcxin sẽ kết thúc. Các chủng virút biến đổi rất nhanh và một loại vừa có sức tàn phá lớn, vừa lây nhiễm nhanh là cơn ác mộng với các chuyên gia dịch tễ học. Bệnh đậu mùa là một trường hợp như thế.

Có một điều chắc chắn là những chuyên gia dịch tễ học không hề chủ quan. Những nhà nghiên cứu như Wayne A. Marasco ở Trường y khoa Harvard (Mỹ) đang chạy đua với thời gian để sẵn sàng ứng phó nếu MERS tỏ ra nguy hiểm hơn. Marasco đã phát triển được một loại kháng thể ngăn chặn và tiêu diệt virút MERS, nhưng chỉ ở giai đoạn sơ khởi.

Tất cả mọi virút đều có những protein đặc thù. Các tế bào bạch cầu trong cơ thể chúng ta sẽ phát hiện ra những protein ngoại lai đó và sản sinh ra các kháng thể để săn lùng và tiêu diệt chúng. Nếu các nhà nghiên cứu tìm ra được loại protein đặc thù của virút, họ sẽ chế tạo được loại thuốc giúp cho hệ miễn dịch của chúng ta hoạt động hiệu quả hơn. Đó là thuốc điều trị.

Còn văcxin sau khi tiêm vào cơ thể sẽ khiến các tế bào bạch cầu tự sản sinh ra kháng thể chống lại những loại protein ngoại lai nhất định, đồng nghĩa với việc giúp một người khỏe mạnh giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh.

15 năm trước, Marasco bắt đầu quá trình thu thập các kháng thể trong phòng thí nghiệm ở Boston của ông. Phòng thí nghiệm giờ đã có 27 tỉ cặp gen các kháng thể như thế. Khi bệnh MERS lần đầu xuất hiện, Marasco đã lục lại bộ sưu tập của ông và tìm thấy bảy loại protein đặc thù khác nhau của virút MERS. Vì thế, ông nói cơ thể người có thể cần sự kết hợp của nhiều loại kháng thể để tiêu diệt hoàn toàn virút này.

Một cách khác, theo Lipkin, là chặn bệnh từ nguồn. Nếu các nhà khoa học xác định đúng là lạc đà lây nhiễm MERS cho người thì việc tiêm văcxin nên tập trung vào lạc đà. “Nếu có thể loại bỏ vai trò vật chủ của lạc đà, tôi cho rằng chúng ta có thể tin tưởng dịch bệnh sẽ được kiểm soát” - ông nói. Lợi thế của cách làm này là không mất quá nhiều thời gian thử nghiệm và loại bỏ các thủ tục phức tạp như sản xuất một loại văcxin cho người.               

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận