Những chiếc xe nâng khổng lồ luôn hiện diện trong mọi vụ tai nạn thử nghiệm tại Trung tâm Công nghệ Mercedes ở Sindelfingen, Đức. Nếu một chiếc ô tô bốc cháy trong quá trình thử nghiệm va chạm, chiếc xe nâng Manitou sẽ nhanh chóng kéo mảnh vỡ ra khỏi hành lang và nhấn chìm xuống một vũng nước đặc biệt, chủ yếu ngăn ngừa nguy cơ bốc cháy.
Cho đến nay, Manitou chưa bao giờ phải can thiệp, bao gồm cả cuộc thử nghiệm va chạm giữa hai xe điện EQA và EQS.
Xe điện gặp xe điện
Khi xe điện gặp tai nạn, hỏa hoạn có nguy cơ bùng phát, chủ yếu do bộ pin bị tác động và xảy ra những phản ứng bất thường. Vì vậy, có nhiều người ngần ngại mua xe điện do lo ngại nguy cơ cháy nổ. Tuy nhiên, tính đến nay, chưa có vụ cháy nào liên quan đến những chiếc xe điện của Mercedes-Benz.
Mercedes-Benz là nhà sản xuất đầu tiên trên thế giới cho hai ô tô điện đâm nhau. Hãng đã mời các chuyên gia và phóng viên ô tô hàng đầu đến chứng kiến vụ thử nghiệm giữa hai xe điện vào tháng 10-2023.
Ở tốc độ 56km/h, chiếc SUV điện nhỏ gọn EQA và SUV cỡ lớn EQS đã tông thẳng vào nhau. Khi xe "gặp nhau", tốc độ tương đối đạt 112km/h. Có thể coi đây là một cuộc thử nghiệm được thực hiện trong môi trường khắc nghiệt hơn quy định của Euro NCAP (tốc độ thường nằm ở 50km/h).
Kết quả là, phần đầu xe bị hư hỏng, nhưng kết cấu khoang hành khách vẫn còn nguyên vẹn.
Cột A và khung nóc vẫn còn, cả 4 cửa đóng mở bình thường. Các ghế không bị xô lệch. Khoảng cách giữa không gian phía trước và phía sau vẫn được đảm bảo. Dĩ nhiên, cũng không có vụ cháy nào xảy ra cả.
Mercedes-Benz tiết lộ lời giải vì sao xe điện không bốc cháy sau va chạm
Cũng từ vụ va chạm này, các chuyên gia của Mercedes-Benz đã lý giải vì sao xe điện của hãng lại an toàn như vậy.
"Kỹ sư có trách nhiệm thiết kế sao cho chiếc xe có thể hấp thụ lực tác động ở mức tối đa và sắp xếp các bộ phận một cách tinh tế. Vì lực tác động được phân tán, không gian của những người ngồi trong xe được đảm bảo", Julia Hinners, kỹ sư an toàn va chạm tại Mercedes-Benz Group AG, giải thích.
Không chỉ đảm bảo cho con người, điều quan trọng trong thiết kế là phải bảo vệ được pin khi có va chạm. Theo đó, thân xe phải có khả năng làm chệch hướng các lực cực lớn giải phóng ra khi va chạm trực diện càng xa pin càng tốt.
Trong trường hợp xảy ra tai nạn, nguồn điện trên xe điện phải được tắt ngay lập tức. Ở xe xăng dầu, bình ắc quy 12V sử dụng thân xe làm cực âm hoặc nối đất. Ở ô tô điện có điện áp cao, như vậy sẽ rất nguy hiểm. Do đó, tất cả các thành phần điện áp cao được kết nối với nhau bằng cáp dương và âm độc lập. Trong trường hợp xảy ra tai nạn, không có hiện tượng đoản mạch, vì không có mạch kín.
Nói một cách đơn giản, xe điện Mercedes-Benz được trang bị pin điện áp cao có khả năng tự động cắt nguồn điện sau khi xảy ra tai nạn. Xung quanh pin là cấu trúc tổ ong có thể hấp thụ lực tác động.
Các bộ phận điện áp cao được đặt ở những nơi có nguy cơ biến dạng thân xe thấp nhất. Vỏ bọc chắc chắn cũng góp phần giảm thiểu nguy cơ hư hỏng các bộ phận có điện áp cao.
Ngoài ra, xe còn được trang bị chức năng vô hiệu hóa thủ công, giúp cắt đứt cáp điện trước khi thực hiện cứu hộ, cho phép giải cứu hành khách khỏi phương tiện an toàn hơn.
Nhìn chung, với vụ thử nghiệm mà các nhà báo được chứng kiến, tất cả hình nộm trên xe đều "sống sót" sau vụ tai nạn nghiêm trọng và chỉ bị thương nhẹ. Pin vẫn còn nguyên vẹn và không bốc cháy. Manitou cũng không cần phải can thiệp.
Mercedes-Benz sẽ tiếp tục thử nghiệm và cập nhật hệ thống an toàn, hướng tới lái xe không tai nạn vào năm 2050.
"Lần đầu tiên trong ngành công nghiệp ô tô, hãng đã thành lập bộ phận nghiên cứu tai nạn riêng và khoảng 20.000 kỹ sư đang nỗ lực để lái xe không tai nạn trở thành một thực tế", Mercedes-Benz tuyên bố.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận