Kẻ xấu thường dàn cảnh bất ngờ va chạm mạnh vào du khách rồi trộm đồ - Ảnh: FRANCIS TAPON
Trong một bài phỏng vấn trên BBC, nhà báo khoa học người Anh Caroline Williams nhấn mạnh những kẻ móc túi chuyên nghiệp biết cách tìm ra điểm yếu trong não bộ của chúng ta, từ đó thực hiện hành vi xấu.
Bạn có thể nghe nhắc nhiều đến khái niệm "multitasking" (đa nhiệm), nhưng thực tế cách này chỉ hiệu quả khi bạn làm việc hoặc có sự chuẩn bị trước về tinh thần.
Theo các nhà khoa học thần kinh, một trong những sơ hở của bộ não con người là không thể làm nhiều việc một lúc, đặc biệt là trong tình huống bất ngờ liên quan đến cảm xúc hoặc phản ứng.
Những kẻ móc túi lợi dụng điểm yếu này để làm chúng ta phân tâm. Chúng thường đi thành nhóm 3-4 người. Một kẻ tạo tình huống lôi kéo sự chú ý của du khách, còn đồng bọn của chúng nhanh tay nhắm vào tải sản của họ. Tên còn lại làm nhiệm vụ cảnh giới và báo động.
Dù đã có rất nhiều thông tin cảnh báo nhưng thực tế là những du khách cẩn thận và giàu kinh nghiệm nhất vẫn có khả năng trở thành nạn nhân của chiêu bài "giương đông kích tây" này, bởi thủ đoạn của bọn trộm cắp ngày càng tinh vi hơn.
Một số tình huống dàn dựng của bọn xấu mà du khách thường gặp nhất tại châu Âu gồm giả vờ hỏi đường và nhờ chỉ dẫn, bất ngờ va chạm mạnh vào bạn rồi trộm đồ, ra tay khi chen chúc trong tàu điện hoặc khu du lịch, giả vờ xin chữ ký và quyên góp cho hoạt động từ thiện, chào mời khách mua quà lưu niệm... Thậm chí có nhóm giả làm cảnh sát, yêu cầu khách cho kiểm tra giấy tờ rồi giật đồ luôn.
Xin chữ ký và quyên góp cho các chương trình từ thiện - Ảnh: theindependent.sg
Chào mời mua hoa, đồ lưu niệm - Ảnh: TripSavvy
Dưới đây là những phương pháp bảo quản tài sản hữu hiệu để bạn có chuyến du lịch an toàn tại châu Âu:
Hãy luôn cẩn thận với các đám đông. Tất cả nơi đông người, bao gồm đường phố, tàu điện, xe buýt và khu du lịch đều là địa điểm thu hút không chỉ du khách mà cả những kẻ hành nghề "hai ngón".
Bạn nên mang balo phía trước ngực và không được để bóp, ví phía sau túi quần, hoặc để điện thoại trong túi quần. Kẻ xấu có thể giả vờ va phải bạn trên đường và nhanh tay móc mất ví hay điện thoại của bạn.
Ảnh: Kickstarter
Khi ngồi tại các quán ăn, bạn nên gom ví tiền, điện thoại hay bất cứ thứ gì quý giá để vào một chỗ. Nên móc chân vào quai balo khi để dưới đất hoặc để túi xách trước ngực.
Nhiều người vẫn cho rằng khi để đồ đạc sát bên mình, nhất là điện thoại thì sẽ không ai lấy được. Tuy nhiên, kẻ xấu không lựa lúc bạn đang ngồi ăn thoải mái để lấy đồ.
Chúng thường vờ té ngã hoặc va mạnh vào bạn, làm đổ đồ ăn rồi xin lỗi rối rít. Điều này khiến bạn mất tập trung và đồng bọn của chúng nhanh tay lấy đồ.
Ảnh: Go4Travel Blog
Nếu bạn thường xuyên đến những nơi thiếu an toàn, hãy cân nhắc mua các loại balo chống trộm. Bạn có thể gõ từ khóa "anti-theft backpack" hoặc "balo chống rạch" kèm theo tên các hãng sản xuất như Clickpack, Bobby hay Korin.
Giá một balo khoảng 100 USD (2,2 triệu đồng) nhưng vô cùng an toàn với khóa số, khóa kéo hai lớp chống rạch, lớp vải chống dao cắt, dây lò xo thép để bạn khóa balo vào ghế hay bàn khi đi ăn và thậm chí cả túi đựng thẻ ngân hàng, với lớp bảo vệ chống lại các tên trộm "công nghệ cao" dùng máy quét RFID lấy cắp thông tin thẻ.
Một balo chống trộm với toàn bộ phần khoá kéo nằm trong mặt tiếp giáp với lưng, mặt ngoài làm bằng vải chống dao rạch, kèm dây sạc điện thoại - Ảnh: Original Anti-Theft Backpack
Hãy ăn mặc đơn giản, chọn các màu sắc trung tính không gây sự chú ý. Đừng đeo quá nhiều trang sức đắt tiền. Ai cũng muốn "điệu" một chút để có những bức ảnh đẹp trong chuyến du lịch, nhưng đừng chưng diện quá nổi bật để kẻ xấu nhận ra bạn rõ ràng là một nạn nhân "tiềm năng". Hạn chế đeo máy ảnh trước ngực khi băng qua đường để tránh bị giật.
Trên tàu điện, nếu bạn đang mang túi xách nhỏ hoặc máy ảnh, điện thoại ở những nơi dễ thấy, hãy hạn chế vị trí ngay cửa ra vào. Rất nhiều kẻ xấu lợi dụng những lúc tàu điện dừng để giật đồ và bỏ chạy lẫn vào đám đông.
Các bài báo thường dặn bạn báo với ngân hàng về thời gian của chuyến du lịch để họ không khóa thẻ khi thấy có giao dịch phát sinh từ nước ngoài.
Tuy nhiên, một điều khác mà không mấy ai dặn là ngay khi về, nếu đã sử dụng thẻ tín dụng (credit card) hoặc thẻ ghi nợ (debit card) trong chuyến đi, bạn cũng nên báo với ngân hàng rằng bạn đã kết thúc hành trình và không còn bất cứ giao dịch nào từ xa.
Tại một số cửa hàng tạp hóa hoặc quán ăn, nhân viên có thể tranh thủ dùng máy quét để lấy thông tin thẻ của bạn. Chúng thường đợi ba đến bốn tháng sau, đảm bảo bạn đã rời khỏi đó rồi mới bắt đầu rút trộm tiền.
Ảnh: express.co.uk
Bạn nên dùng thẻ tín dụng, vì các thẻ này được ngân hàng bảo vệ kỹ hơn khỏi các trường hợp giao dịch bất thường. Nếu bị rút tiền từ thẻ ghi nợ, bạn sẽ mất rất nhiều thời gian mới hoàn lại được tiền và cũng không thể tiếp tục sử dụng thẻ khi bị vô hiệu hóa.
Tuy nhiên, tại các bốt điện thoại công cộng, đừng dùng thẻ tín dụng để trả tiền vì bạn sẽ bị tính phí cực kỳ mắc. Một du khách cho biết họ từng phải trả hơn gần 90 euro (khoảng 2,4 triệu đồng) cho cuộc gọi quốc tế kéo dài 2 phút.
Tránh rút tiền tại các cây ATM công cộng, đặc biệt là ở khu vực mất an ninh. Nhiều kẻ tìm cách khiến cho thẻ bạn bị kẹt trong khe, hoặc gắn chip để lấy trộm thông tin thẻ.
Ảnh: cuinsight.com
Vào ban đêm, du khách nam thường rơi vào bẫy của các cô gái giả vờ rủ họ đến các quán bar hoặc nhà hàng kèm theo lời giới thiệu đó là những nơi nổi tiếng trong khu vực với đồ ăn, thức uống ngon hay các màn trình diễn đặc sắc.
Vào cuối bữa ăn, du khách thường "tái mặt" với những hóa đơn từ 500USD (khoảng 11,6 triệu đồng) cho mỗi món.
Bạn có những bí kíp gì để bảo vệ tài sản khi đi du lịch? Mời bạn chia sẻ ý kiến vào phần Bình luận cuối bài viết, hoặc gửi email về [email protected].
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận