30/11/2011 06:45 GMT+7

Mệnh lệnh trái tim - Kỳ 5: Trái tim không tật nguyền

THẾ ANH
THẾ ANH

TT - Tai nạn ập đến khi còn là một sinh viên khiến Trần Đỗ Huy phải nằm liệt giường. Những tưởng cuộc đời sẽ nhấn chìm trong đau đớn và tật nguyền, vậy mà chỉ với một ngón tay út cựa quậy được anh đã viết lên những câu chuyện đẹp trên thế giới mạng.

Bạn bè hỏi chuyện, Huy nói nhẹ tênh: “Dù tật nguyền hay lành lặn thì cũng phải giữ lấy đạo làm người. Cái tình có thể cứu rỗi hết những đau thương và mất mát mà phận người phải đi qua...”.

NsF4PeZC.jpgPhóng to

Chị Mai Trâm tìm đến cảm ơn Huy đã giúp chị vượt qua cú sốc tinh thần - Ảnh: Hồng Ánh

| Kỳ 4:

Lời cầu cứu từ một bức thư

Giữa năm 2008, trên trang mạng từ thiện Người tôi cưu mang xuất hiện một dòng thư ngắn được đăng bởi một thành viên có nickname Xelan90. Bức thư viết: “Tôi tên Trần Đỗ Huy, là một người tàn tật nặng không tự chăm sóc được bản thân. Nhưng hôm nay tôi lại muốn giới thiệu một hoàn cảnh khác cần sự giúp đỡ hơn tôi. Đó là trường hợp của anh Nguyễn Hoàng Nam, sinh năm 1975. Cách đây khoảng hai năm, anh Nam bị tai nạn chấn thương cột sống cổ, nhưng cũng may là bị gãy ở đốt sống cổ thứ 7 nên anh Nam còn cử động được hai cánh tay, còn từ bụng trở xuống bị tê liệt, không cử động được. Hiện nay anh Nam đang sống cùng cha mẹ già với năm đứa cháu, ba đứa con nhỏ trong một căn nhà nhỏ thuộc vùng sâu vùng xa của tỉnh Bình Dương. Kinh tế gia đình chỉ dựa vào hơn 100 cây cao su, chỉ có một mình vợ anh là lao động chính, lại vừa chăm sóc chồng con. Kinh tế gia đình anh Nam hiện tại rất khó khăn, tình trạng sức khỏe anh Nam rất yếu, không đủ tiền uống thuốc và ăn... Tôi đã và đang nằm liệt giường hơn 18 năm nay nên rất hiểu sự khổ sở của anh Nam. Thú thật nhà tôi ở gần nhà Nam, nhưng tôi chỉ biết Nam qua điện thoại sau những lần gọi điện động viên. Mong mọi người tìm cách cứu giúp người bạn chưa từng gặp mặt của tôi...”.

Bức thư chỉ vỏn vẹn 504 từ, nhưng ít ai biết rằng Huy đã phải dồn hết sức trong ba ngày, mỗi ngày dành đến năm giờ vật lộn với ngón út duy nhất còn cử động được để gõ chữ. Anh tâm sự: “Tôi phải dồn hết sức để nâng cánh tay lên rồi thả xuống cho ngón út chạm vào bàn phím chứ có cựa quậy gì được. Ngày đầu tôi mới viết được vài dòng thì người mệt lả, nằm dài ra thở hổn hển... Nhưng khi nghĩ đến Nam, nghĩ đến con người đang trong cơn bi kịch và tuyệt vọng tôi lại cố gượng viết. Bởi tôi nghĩ không thể thấy người đang gặp hoạn nạn mà không giúp được. Hơn nữa đó cũng là cách giúp chính bản thân tôi, giúp trái tim tôi thoát khỏi sự tật nguyền...!”.

Câu chuyện một người liệt tứ chi 18 năm đi xin giúp đỡ cho một người bạn bị liệt nửa người đã làm lay động nhiều thành viên trên mạng. Ngoài việc giúp Nam, nhiều người đã ngỏ lời giúp Huy nhưng anh từ chối: “Còn nhiều người có hoàn cảnh bi đát hơn tôi, xin các bạn hãy dành những khoản đó để giúp người khác, được như thế là tôi vui lắm rồi. Đừng xem tôi như một người tàn phế, hãy cho tôi cơ hội được sẻ chia, được sống như một con người bình thường...”.

Tiếp theo câu chuyện của Huy, một bạn trẻ là sinh viên chia sẻ trên diễn đàn: “Cảm ơn anh Xelan90, cho em được gọi anh là hiệp sĩ xe lăn! Anh đã giúp những người trẻ như tụi em thêm tin yêu vào cuộc sống, tin rằng trên đời này vẫn còn những người tốt để tiếp tục hành trình làm người của mình. Câu chuyện của anh đã giúp tụi em hiểu hơn về tình người, về giá trị của sự sẻ chia. Và trên hết, đó là bài học biết sống vì người khác dù ở bất cứ hoàn cảnh nào...”.

Như là cổ tích...

Trần Đỗ Huy sinh năm 1970, quê ở ấp Bến Tượng, xã Lai Hưng, huyện Bến Cát, tỉnh Bình Dương. Gia đình nghèo, mọi ước vọng của người mẹ già đều đổ dồn lên đứa con trai đang là sinh viên trường trung cấp xây dựng. Tai nạn bất ngờ vào năm 1990 đã cướp đi niềm hi vọng cuối cùng của gia đình anh.

Tỉnh dậy sau sáu tháng mê sảng ở bệnh viện, Huy chỉ biết nhìn người mẹ già tiều tụy sau những ngày nuôi con mà khóc: “Con xin lỗi mẹ. Bây giờ con chỉ còn mỗi trái tim, con hứa sẽ dùng nó để làm người tử tế.” Ra viện, người mẹ già phải chạy vạy khắp nơi để lo thuốc thang cho con, của cải trong nhà bán hết nhưng số phận liệt giường của đứa con vẫn không thể nào thay đổi được.

Trong cơn đau của thể xác và sự túng quẫn của gia đình, nhiều lần Huy đã không làm chủ được bản thân. Anh kể lại: “Thấy mẹ già vất vả, cơn đau thể xác liên tục hành hạ, tương lai lại mù mịt nên nhiều lúc tôi đã nghĩ quẩn. Năm 1998, nhân lúc mẹ đang làm vườn, tôi đã dùng dao lam tự cắt cổ tay mình để giải thoát cho bản thân và gia đình. Sau lần dại dột đó, tôi mới thấm thía hơn giá trị của mạng sống, trái tim tôi như được hồi sinh. Đó là một sự trải nghiệm quá đắt, chỉ mong rằng những ai đang lành lặn ý thức được điều này. Đừng để khi chạm cửa tử thần mới nhận ra giá trị thực của cuộc sống, đó là tình người và sự sẻ chia...”.

Sau lần viết thư giúp Nam, nickname Xelan90 của Huy được nhiều người chú ý hơn. Anh trở thành một thành viên tích cực trên mạng từ thiện. Ngoài việc thường xuyên gọi điện thăm hỏi, động viên Nam thì Huy còn là “nhà tư vấn tâm lý” tích cực cho những người đồng cảnh ngộ được giới thiệu trên mạng. Anh chia sẻ: “Lúc đầu đường đột gọi cho họ cũng khó khăn lắm. Có người không tin, nghĩ là mình lừa đảo gì đó... Nhưng bằng sự kiên trì và chân tình của mình dần dần người ta cũng hiểu ra. Mình chẳng có gì ngoài tấm lòng và kinh nghiệm của một người nằm liệt giường hơn 18 năm, những cuộc điện thoại đơn giản chỉ là tâm sự, chia sẻ những thiệt thòi với người cùng cảnh ngộ mà thôi. Có rơi vào hoàn cảnh này mới thấy hết giá trị của những lời động viên, đôi khi còn hơn cả những liều thuốc bổ... Với tôi cũng thế, càng giúp được nhiều người tôi lại thấy như mình khỏe ra”.

Có một câu chuyện đặc biệt của một người đồng cảnh ngộ với Huy. Đó là chị Mai Trâm bị tai nạn liệt nửa người ở Cái Bè, Tiền Giang. Hai đứa con còn nhỏ, nhà lại nghèo nên chị hoàn toàn suy sụp trước bi kịch cuộc đời. Biết chuyện, Huy thường xuyên gọi điện động viên, nhờ thế mà tinh thần của chị ngày một khá hơn. Huy gieo cho chị niềm tin vào cuộc sống bằng những câu chuyện 18 năm bị liệt của đời mình.

Nhờ những lời động viên của anh mà sức khỏe của chị ngày một bình phục. Mỗi khi Mai Trâm trở bệnh, Huy là người đầu tiên biết tin và vào trang mạng để thông báo với mọi người giúp đỡ kịp thời.

Mới đây, chị Mai Trâm được các thành viên giúp đỡ đưa lên TP.HCM tập vật lý trị liệu, Huy cũng là người đầu tiên thông báo tin vui: “Hôm nay Mai Trâm đã chập chững tự bước được sau nhiều năm ngồi xe lăn. Nhận được tin này tôi vui như chính mình tìm lại được bước đi...”.

Cứ thế, trong cuộc chiến đấu thầm lặng giữa đời mình, Huy có cái hạnh phúc riêng mạnh mẽ nhất của con người: nhận hết những nỗi đớn đau và tuyệt vọng để hóa giải nó thành sức mạnh niềm tin và hi vọng tốt đẹp nhất cho con người.

_______________________

Có một bác sĩ quê gốc miền Trung đã trưởng thành trong nghèo khó. Trở về quê, anh bắt đầu thực hiện ước mơ xưa: quên mình để sẻ chia với con người trong lúc khốn cùng...

Kỳ cuối:Ước mơ của bác sĩ Thảo

THẾ ANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên