Trước bế tắc đó, sự xuất hiện của melatonin được ví như một cứu tinh. Nhưng melatonin có thực sự kỳ diệu như rất nhiều lời đồn đại ly kỳ bao quanh nó?
Sống và làm việc theo… nhịp sinh học!
Con người và mọi thể sống tồn tại nhờ nhịp sinh học, then chốt là nhịp ngày-đêm tức thức-ngủ. Đảo lộn mấy cái tông này sẽ gây ra vô số trúc trắc cho sức khỏe, thậm chí… hóa điên! Nhịp sinh học ngày càng được các thầy thuốc để mắt tới, như là kẻ đứng đằng sau những cơn trằn trọc; và điều trị mất ngủ theo hướng này được xem là hướng mở tươi sáng.
Melatonin: công-tắc của giấc ngủ
Melatonin - một hormone, được sản xuất bởi tuyến tùng, tham gia dây chuyền thức-ngủ với vai trò được ví như nút bật-tắt giấc ngủ! Bóng tối kéo đến thúc đẩy sản sinh melatonin, cũng chính là tín hiệu thúc giục người ta lên giường; ngược lại, ánh bình minh lên sẽ kéo tụt lượng melatonin xuống, tương đương hồi kẻng dựng ta thức dậy. Ví von hơn, thì melatonin như chú gà trống gáy… ngược, đêm thì to mồm, ngày lại nín khe. Từ đây, công thức “thần thánh” được các nhà dược phẩm đưa ra: Mất ngủ là do thiếu melatonin, nên thiếu gì bù nấy, tất mất ngủ sẽ vào… viện bảo tàng!
Đời không như là mơ!
Nghe qua thì rất phấn khởi, nhưng có thật melatonin là kẻ trả “thằng” mất ngủ về nơi sản xuất?
Không khó nhận ra khổ chủ của chiếc đồng hồ sinh học rối nùi (người làm ca đêm, đáp máy bay lệch múi giờ, bệnh tâm thần, vấn đề thị giác nặng, người già lão hóa...) mới thực là thân chủ chính của melatonin. Còn với những ai “sáng cắp ô đi, tối cắp về” chẳng động chạm nhịp sinh học, cũng bảo melatonin là thần dược trị mất ngủ, thì đúng là nói mà…chẳng hiểu mình nói gì! Bởi vậy, phải hiểu mất ngủ là đứa 5 cha 7 mẹ, chẳng hạn với người bị stress triền miên năm tháng, thì có nốc cả bụm melatonin cũng chẳng xi-nhê gì! Hoặc ngược lại, với người dễ ngủ, giữa ban ngày ban mặt, ai đó vẫn có thể ngáy khò khò trên võng đưa kẽo kẹt gió thổi hiu hiu, không đợi tới melatonin!
Điều trị… mù!
Vậy giải thích thế nào việc nhiều người thoát mất ngủ nhờ melatonin, dù không chỉnh chọt gì nhịp sinh học? Đơn giản, có thể vì một lý do nào đó, cơ thể người này không sản sinh đủ melatonin, như người già, người gặp vấn đề nội tiết. Đôi khi là vì zích zắc “phước chủ may thầy”, có duyên nợ với melatonin. Thực tế, melatonin thường được kê toa theo hướng điều trị… mù, nghĩa là cứ dùng thử, hết thì làm tới, không hết thì thôi. Nhiều nhà chuyên môn chỉ đồng ý xếp melatonin vào diện thực phẩm chức năng, không phải thuốc ngủ.
Sinh chuyện động trời!
Là một hormone, melatonin đã tự giới thiệu mình đích thị… trùm tác dụng phụ động trời, nếu dùng bừa bãi. Đó là tình trạng tăng đường huyết tiền thân tiểu đường, vú to ở nam, sa sút tinh trùng, rối loạn tiêu hóa, gan/thận trục trặc, chóng mặt... Ngay cả với giấc ngủ, đôi khi phải trả giá bằng chứng đau đầu, chóng mặt, khó chịu sau khi thức dậy. Melatonin còn liên thủ với các hormone khác, để quậy cơ thể tanh bành, do vậy các cô đang/sắp mang thai, dùng thuốc ngừa thai nên cẩn thận...
Chữa mất ngủ, bổn cũ vẫn tốt
Vỡ mộng với melatonin là lý do tốt để những ai mất ngủ quay lại hợp tác cùng các trợ thủ thuở hàn vi, vốn được chứng minh hữu dụng bất kể vật đổi sao dời. Thú vị ở chỗ, giảm ánh sáng phòng cho dễ ngủ cũng là cách chỉnh chọt melatonin; duy trì thói quen ngủ đúng giờ, dậy đúng giờ để rèn giấc ngủ, cũng là cách chỉnh nhịp sinh học. Chơi thể thao, điều độ tinh thần, dinh dưỡng hợp lý luôn chuẩn cho việc dỗ yên giấc ngủ.
Vẫn “lời nguyền” xưa
Rắc rối mà bất kỳ giải pháp giải quyết mất ngủ nào cũng khó tránh, là lệ thuộc thuốc. “Lời nguyền” này với melatonin vẫn chạy trời không khỏi nắng! Dùng melatonin kéo dài làm giảm khả năng sản xuất melatonin tự tại, và nạn ỷ lại bắt đầu. Nhiều người tránh vỏ dưa - nghiện thuốc ngủ, bèn chuyển sang… té chỏng gọng với vỏ dừa - nghiện melatonin!
Xài sao cho êm?
Tuân thủ chỉ định, bắt đầu từ liều thấp, cốt tử là dùng ngắn hạn, hạn dùng được khuyên không quá 90 ngày. Tránh chung đụng với các loại thuốc ngủ khác. Hạn chế bia bọt khi đã nhờ vả melatonin. Thuận theo nhịp sinh học, nên dùng melatonin trước khi đi ngủ khoảng 1 - 2 giờ. Nhiều người đi máy bay dùng melatonin theo phong cách chống say tàu xe, nghĩa là uống quá sớm trước khi cất cánh (thay vì dùng trước khi lên giường ở nơi hạ cánh), nên mất ngủ bạo hơn! Ngoài ra, can thiệp hormone gây xào xáo nội bộ vào tuổi chưa trưởng thành, luôn ẩn tàng nguy hại khó lường, vì thế, trẻ em và người dưới 18 tuổi được khuyên đừng động tới melatonin.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận