Mẹ và con

QUẾ VIÊN (COPENHAGEN) 07/02/2012 22:02 GMT+7

TTCT - Nhân khi có thời gian rảnh rỗi, tôi ghi tên theo học chương trình đào tạo giáo dục viên (educator) của Bộ Giáo dục Đan Mạch.

Cuối học kỳ 2, học viên có một đợt thực tập ngắn hạn tại một trong nhiều địa điểm do nhà trường đưa ra, từ các trường mẫu giáo bán trú, viện dưỡng lão, câu lạc bộ của người lớn tuổi cho tới trung tâm cải tạo thiếu niên.

Phóng to
Giúp vui cho người già trong Viện dưỡng lão Odsherred - Ảnh: Q.V.

Tôi chọn nơi thực tập là một viện dưỡng lão tại hạt Odsherred vì nghĩ mình còn mẹ già ở Việt Nam, có thêm kinh nghiệm thực tế về chăm sóc người già cũng tốt, nhân tiện tìm hiểu thêm về chế độ an sinh xã hội tại Đan Mạch có tiếng là tốt nhất thế giới.

Một thế giới riêng

Hầu hết người lớn tuổi tại Đan Mạch không sống chung với con cái, trong trường hợp sức khỏe kém thì được địa phương cử nhân viên xã hội và y tế tới giúp đỡ mỗi ngày 2-6 lần, tùy theo tình trạng. Nếu không thể sống một mình thì các ông bà chuyển vào những viện dưỡng lão của nhà nước, có đầy đủ tiện nghi y tế và sinh hoạt. Người nội trú trả tiền thuê phòng, tiền ăn, thuốc men và các chi phí vệ sinh. Ngoài ra còn có các viện dưỡng lão của tư nhân, tiện nghi cực tốt nhưng dĩ nhiên rất đắt.

Viện dưỡng lão Odsherred khá lớn. Tại tầng lầu nơi tôi thực tập có 14 ông bà, trong đó ba người nằm liệt giường và ba phải ngồi xe lăn. Họ được nhân viên xã hội làm việc ba ca, mỗi ca hai người, chăm sóc suốt ngày, ngoài ra còn có bác sĩ, y tá đến khám sức khỏe định kỳ. Điều kiện sinh hoạt nói chung là tốt. Nếu có thiếu điều gì thì có lẽ chỉ là tình cảm gia đình.

Người đầu tiên tôi tiếp xúc tại đây là một bà cụ 82 tuổi, bị lẫn nặng từ mấy năm, tạm gọi là Astrid. Thoạt thấy tôi, bà nói ngay: “Tôi chưa thấy cô bao giờ, cô là người ở đâu vậy”. Khi nghe tôi nói là người Việt, bà gật đầu: “Tôi biết, xứ đó có chiến tranh!”. Khi thu dọn giường giúp Astrid, tôi thấy cạnh gối của bà có một con chó bông nhỏ, lông đã sờn gần hết và hai con gấu bông nhỏ xíu, một con rách tai, lộ cả bông gòn bên trong. Bà cụ chỉ con chó bông nói với tôi vẻ hãnh diện: “Con của tôi đấy!”.

Ngày hôm sau khi gặp Astrid, bà lại hỏi tôi tên gì rồi lại giới thiệu những đứa “con” của bà với tôi. Tôi nói con gấu bị rách tai rồi và hỏi bà có muốn tôi khâu giúp không. Astrid lộ vẻ phật ý rồi sau đó xuống giọng năn nỉ: “Cô đừng đem con tôi đi nhé, không có tụi nó, tôi buồn lắm”.

Khi chuyển vào sống trong viện thường các ông bà thường chỉ đem theo những gì cần thiết hay quý báu nhất. Nhiều người treo hình con cháu, chó mèo đầy phòng. Tôi không thấy trong phòng Astrid có hình ảnh con cháu gì, nên không biết bà cụ có con thật không hay chỉ là tưởng tượng.

Em gái bà Astrid cũng sống tại tầng này. Bà còn khá minh mẫn, có cô con gái thỉnh thoảng đến thăm mẹ, điều lạ là tôi không thấy hai chị em bà Astrid nói chuyện với nhau. Những ông bà khác cũng rất ít khi trò chuyện, cho dù cùng ngồi tại bàn ăn mỗi ngày bốn bận. Có lẽ mỗi người có một thế giới riêng của mình, không muốn chia sẻ cùng ai, mà cũng có thể do tính người Bắc Âu khép kín, không hay tâm sự như người Á Đông.

Họ có cho con tôi ăn không?

Gần đến ngày Giáng sinh, viện tổ chức liên hoan, có mời ca sĩ tới hát giúp vui. Mọi người có mặt đông đủ, các cụ còn minh mẫn tỏ ra rất vui. Astrid cũng tham dự nhưng khi nhạc nổi lên, thấy ồn ào, bà cụ sợ và khóc. Tôi liền đưa bà trở lên phòng, dặn chờ một lát tôi sẽ đem thức ăn đến, hôm nay có nhiều món đặc biệt, cả sôcôla vì là liên hoan Giáng sinh. Astrid suy nghĩ một chút rồi ghé tai tôi thì thầm: “Nhưng tôi không có nhiều tiền, họ có cho con tôi ăn không? Hay là tôi để dành sôcôla cho chúng nhé?”. Tôi nghe mà muốn chảy nước mắt.

Tại trung tâm có một phụ nữ, tạm gọi là Anne-Lise, mới 62 tuổi nhưng bị lẫn nặng. Hai chân bà đã mất cảm giác, hai tay vẫn cử động được nhưng đầu óc thì như đứa trẻ lên 2. Nghe nói bà nhập viện đã ba năm và tình trạng ngày càng xấu đi. Bà Anne-Lise có một người con gái, lâu lắm mới đến thăm mẹ một lần. Trong căn phòng hầu như trống trơn có bày tấm ảnh chụp bà khi còn trẻ, một phụ nữ rất đẹp.

Vì bà Anne-Lise rất khỏe nên mỗi buổi sáng thay y phục, làm vệ sinh cá nhân thì phải cần tới hai người. Bà vùng vẫy rất mạnh, miệng lẩm bẩm những lời vô nghĩa, thỉnh thoảng lại vỗ hai tay vào bụng kêu: “mẹ, mẹ, con muốn về nhà”.

Thay quần áo cho bà xong, chúng tôi dùng thiết bị nâng đưa bà lên ghế ngồi rồi cho uống thuốc, ăn sáng. Do Anne-Lise mất phản xạ nhai nên thức ăn phải xay thành dạng lỏng rồi cho uống, nhưng thỉnh thoảng bà cũng nhận ra được mùi vị những món quen thuộc. Dùng bữa sáng xong, bà cứ ngồi yên trên ghế, đôi mắt trống rỗng nhìn ra cửa sổ, cho tới giờ ăn trưa, ăn tối rồi lại được đưa vào giường ngủ.

Một hôm tôi cho Anne-Lise ăn sáng nhưng bà nhất định không chịu há miệng. Dỗ mãi không được, tôi liền vuốt nhẹ lên tóc bà rồi nói: “Mẹ đây, ngoan nào, Anne-Lise ngoan mẹ sẽ cho đi Tivoli (*) chơi”. Bà ngước đôi mắt xanh lờ đờ lên nhìn tôi, rồi quờ tay nắm chặt tay tôi, kêu “Mẹ, mẹ”. Từ khóe mắt vô hồn có hai dòng lệ từ từ trào ra. Thì ra trong trí nhớ mờ mịt của bà vẫn còn hình ảnh của người mẹ thân yêu!

__________

(*) Tivoli: công viên giải trí nổi tiếng của Copenhagen.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận