Bố mẹ tôi làm đám cưới (không đăng ký kết hôn) ở quê từ năm 1974, đến năm 1975, 1979 sinh ra anh em tôi. Nhưng do cuộc sống khó khăn và bố mẹ mâu thuẫn nên mẹ đưa 2 anh em tôi vào miền Nam sinh sống và không liên hệ gì với quê.
Anh em tôi nghe người làng nói năm 1986 bố đã sống chung (không đăng ký kết hôn) với một người phụ nữ cùng thôn nhưng không có con cái. Mới đây, bố tôi mất, chúng tôi về quê chịu tang thì được biết bố để lại tài sản là nhà cửa đất đai và chúng tôi được thừa kế. Xin hỏi, mẹ tôi có được thừa kế phần của bố không?
Trần Mạnh Khang (Phú Thọ) gửi câu hỏi nhờ luật sư tư vấn.
Luật sư Giang Hồng Thanh (Đoàn luật sư TP Hà Nội) trả lời về việc thừa kế tài sản của bố bạn như sau:
Trong câu hỏi của bạn, có hai quan hệ pháp luật liên quan đến sự việc của gia đình bạn: Một là quan hệ thừa kế và hai là quan hệ hôn nhân.
Về quan hệ thừa kế giữa bố bạn với các bạn: Theo thông tin bạn cung cấp, bố bạn đã để lại di chúc chia thừa kế cho các con di sản là nhà cửa đất đai. Nếu di chúc hợp pháp và nguồn gốc tài sản để lại hoàn toàn thuộc sở hữu của bố bạn thì mẹ bạn sẽ không được hưởng thừa kế tài sản này.
Về quan hệ hôn nhân giữa bố bạn với mẹ bạn: Luật Hôn nhân và Gia đình năm 1959 có hiệu lực ngày 13-1-1960 đã ghi nhận chế độ hôn nhân tự do và tiến bộ, một vợ một chồng và cấm người đang có vợ, có chồng kết hôn với người khác.
Theo điều 11 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 1959 quy định việc kết hôn phải được ủy ban hành chính cơ sở nơi trú quán của bên người con trai hoặc bên người con gái công nhận và ghi vào sổ kết hôn. Mọi nghi thức kết hôn khác đều không có giá trị về mặt pháp luật.
Đối với tài sản của vợ chồng Luật Hôn nhân và Gia đình năm 1959 vợ và chồng đều có quyền sở hữu, hưởng thụ và sử dụng ngang nhau đối với tài sản có trước và sau khi cưới.
Khi ly hôn, việc chia tài sản sẽ căn cứ vào sự đóng góp về công sức của mỗi bên, vào tình hình tài sản và tình trạng cụ thể của gia đình.
Lao động trong gia đình được kể như lao động sản xuất. Khi chia phải bảo vệ quyền lợi của người vợ, của con cái và lợi ích của việc sản xuất (điều 15 và điều 29).
Như vậy, năm 1974 bố mẹ bạn làm đám cưới nhưng lại không đăng ký kết hôn, không ghi vào sổ kết hôn nên về mặt pháp luật bố mẹ bạn không được ghi nhận việc kết hôn và tài sản của vợ chồng sẽ không được phân chia theo pháp luật hôn nhân và gia đình thời kỳ này.
Đồng thời, việc bố bạn có sống chung như vợ chồng với một người phụ nữ khác năm 1986 mà không đăng ký kết hôn cũng không được pháp luật công nhận.
Thời điểm bố bạn mất di sản thừa kế được phân chia theo quy định Bộ luật Dân sự 2015 và điều 131 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 về quan hệ hôn nhân và gia đình được xác lập trước ngày luật này có hiệu lực thì áp dụng pháp luật về hôn nhân và gia đình tại thời điểm xác lập để giải quyết.
Thời điểm năm 1974 quan hệ hôn nhân và gia đình giữa bố mẹ bạn không được xác lập nên trong quá trình chia thừa kế sẽ không xét tới quan hệ này.
Do đó nếu di chúc bố bạn để lại không hợp pháp thì các bạn vẫn được hưởng thừa kế theo pháp luật đối với toàn bộ tài sản của bố bạn, còn mẹ bạn không được hưởng.
Trên thực tế có nhiều trường hợp như mẹ bạn tuy không được thừa kế tài sản của bố bạn nhưng nếu tài sản để lại trong di chúc của bố bạn có phần của mẹ bạn đã đóng góp, gây dựng, tôn tạo... thì mẹ bạn hoàn toàn có thể đòi lại phần tài sản của mình trong đó theo quy định của pháp luật.
Cảm ơn bạn đọc đã gửi câu hỏi và đặt sự tin tưởng vào báo Tuổi Trẻ!
Mời bạn đọc gửi câu hỏi để được luật sư tư vấn
Với đội ngũ các luật sư và chuyên gia pháp lý dày dạn kinh nghiệm trên tất cả các lĩnh vực như hôn nhân - gia đình, kinh doanh - thương mại, mua bán đất đai, sở hữu trí tuệ, lao động, hộ tịch, thừa kế..., chuyên mục Tư vấn pháp luật trên Tuổi Trẻ Sao sẽ giải đáp thắc mắc của bạn một cách nhiệt tình, nhanh chóng, chính xác, hiệu quả.
Bạn đọc vui lòng gửi câu hỏi (gõ bằng tiếng Việt có dấu, font chữ UNICODE) về Tuổi Trẻ Sao qua địa chỉ [email protected].
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận