Tân sinh viên Huỳnh Trung Tín, 18 tuổi, mồ côi cha lại vừa mất đi người mẹ của mình ngay ngày mình đậu đại học.
Mẹ qua đời ngay ngày con nhận kết quả đại học
Bên bàn thờ còn nghi ngút khói nhang, ông Nguyễn Trường Duy - cậu của Tín, mệt mỏi kể: "Hai mẹ con nó khổ lắm. Cha nó mất sớm, mẹ mang bạo bệnh nhưng không có tiền chữa trị, nhà cửa dột nát ngập ngụa mỗi khi triều cường. Giờ thằng nhỏ vào đại học, không ai lo. Cậu, dì ai cũng nghèo…".
Những ngày bà Nguyễn Trương Việt Hương, mẹ của Tín bị bệnh, dù cơn đau hành hạ, bà Hương vẫn cố chịu đựng, không muốn cho con biết để an tâm học hành. Ông Duy đứng ra cáng đáng chăm sóc em gái.
"Có những lúc tuyệt vọng, mẹ nó đòi chết sớm để thằng Tín an tâm học hành. Nhưng cũng có lúc lại muốn được một lần tiễn con ra bến xe để đi TP.HCM nhập học, rồi chết cũng mãn nguyện. Cuối cùng, cô ấy chết đúng ngày thằng nhỏ nhận kết quả đậu đại học", ông Duy nhìn di ảnh của em gái.
Cơn mưa chiều làm ngôi mộ của mẹ bị ướt bởi phần mái che đang lợp dở, Tín vội vàng dùng vải sạch lau chùi cẩn thận. Tín kể, lúc còn sống mẹ rất vất vả, nhưng chưa khi nào nghe một lời mẹ than vãn.
Năm 2018 thì mẹ phát hiện mắc bệnh ung thư. Tuy nhiên, thời gian này mẹ vẫn lạc quan và vẫn đi làm công nhân bình thường.
Đến những năm Tín lên cấp 3, bệnh tình của mẹ ngày càng nặng và phải nghỉ việc, cuộc sống vốn khó khăn nay lại càng bế tắc.
Việc học của Tín cũng bị ảnh hưởng, sa sút và có những lúc tưởng chừng phải dừng lại. Tuy nhiên những lời động viên của mẹ như tiếp thêm động lực, Tín lại lao vào học ngày học đêm và cuối cùng cũng đậu vào ngành công nghệ thông tin của Trường đại học Giao thông vận tải TP.HCM với số điểm 25,25.
Ngay sau khi vừa thi tốt nghiệp xong, đoán trước mình sẽ đậu nên Tín đã xin vào làm công nhân tại một công ty trong khu công nghiệp gần nhà để kiếm tiền chuẩn bị cho việc nhập học. "Ngày nhận kết quả đậu đại học, tôi đã rất vui mừng, nhưng đó cũng là ngày buồn trong cuộc đời vì tôi đã mất đi người mẹ thương yêu", Tín nói.
Số tiền lương làm công nhân chưa kịp đóng tiền học thì đã phải dùng để trang trải làm đám tang cho mẹ. Ngày Tín nhập học, các cậu, dì và bà con chòm xóm thương tình gom góp mỗi người một ít rồi dúi vào tay, đủ để trả các khoản chi phí đầu năm học.
Ông Huỳnh Thanh Hiếu - trưởng ấp Tân Phong Ngoại (xã Tân Thạch, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre), cho biết hoàn cảnh của hai mẹ con bà Nguyễn Trương Việt Hương rất đáng thương.
"Đây là gia đình hộ nghèo của địa phương. Ngày bà Hương còn sống, những lần có nhà hảo tâm đến tặng quà, địa phương thường giới thiệu đến giúp hai mẹ con", ông Hiếu nói.
Tưởng trượt dài theo nghịch cảnh, nhưng cô gái không cha mẹ đã vùng lên lại
Nguyễn Ngọc Tuyết Nhi - cô gái không biết mặt cha và mồ côi mẹ đã trở thành tân sinh viên ngành marketing của Trường đại học Công nghiệp TP.HCM.
Dù không có cha nhưng ngày mẹ còn sống, ngôi nhà nhỏ bên sông Vàm Cỏ hiền hòa, thuộc TP Gò Công, tỉnh Tiền Giang, nơi 4 bà cháu, mẹ con Tuyết Nhi luôn đầy ắp tiếng cười.
Năm Nhi học lớp 7 thì mẹ bị tai nạn giao thông rồi qua đời. Căn nhà vốn luôn đầy ắp tiếng cười giờ lạnh lẽo vô cùng. Hai anh em sống nương nhờ vào bà ngoại tuổi đã ngoài 70 tuổi.
Từ lớp 1 đến năm lớp 7, Tuyết Nhi luôn đạt học sinh giỏi. Nhưng sau khi mẹ mất, anh trai vì áp lực kinh tế nên đã nghỉ học đi làm công nhân nuôi em. Tuyết Nhi cũng xao nhãng việc học, dự định đi làm để kiếm tiền. Từ chỗ tốp đầu của lớp, Tuyết Nhi tụt hạng và lên trung học, Tuyết Nhi rớt từ loại giỏi xuống loại khá.
Thầy Nguyễn Minh Dũng - giáo viên Trường THPT Bình Đông, chủ nhiệm lớp 12 của tân sinh viên Nguyễn Ngọc Tuyết Nhi, cho biết trong năm cuối cấp, Tuyết Nhi đã rất cố gắng để học tập và năng nổ trong các hoạt động của nhà trường.
"Chính trong thời gian sống buông xuôi và có ý định đi làm sớm tôi có tìm hiểu về những công việc có thể kiếm tiền và nhận ra rằng chỉ có học mới giúp mình thoát khỏi cảnh nghèo.
Đến năm lớp 12 tôi đã học chăm chỉ, cố gắng gấp 2 - 3 lần. Học bài trên lớp chưa đủ, tôi thức đến tận sáng để làm bài tập thật nhiều. Có lẽ nhờ vậy nên điểm số của tôi đã được cải thiện và đậu vào ngành học mà mình mơ ước", Tuyết Nhi nói.
Nhớ lại thời gian đó, bà Nguyễn Thị Yến (52 tuổi, dì của Tuyết Nhi) cho biết bà thường thức dậy lúc 2h sáng để làm bánh bò đi bán thì thấy Tuyết Nhi vẫn ngồi học bài.
Tuy nhiên, nỗi lo này vừa hết thì nỗi lo khác lại đến. Ngày Nhi nhập học, số tiền lương ít ỏi của anh trai không đủ nên phải vay mượn từ hàng xóm, những người quen. Định bụng, sau khi lên TP.HCM nhập học, Nhi sẽ đi làm thêm ngay. Nhưng mới chân ướt chân ráo lên vùng đất mới, lại không có phương tiện để đi lại, kế hoạch đi làm kiếm tiền trang trải và trả bớt một phần nợ vẫn chưa thực hiện được.
Những buổi học đầu tiên trên giảng đường, ngoài nỗi lo sợ không theo kịp các bạn, giờ đây Tuyết Nhi còn gánh thêm nỗi lo về khoản nợ chưa thể trả, nỗi lo về miếng cơm manh áo trong những ngày tới.
60 học bổng cho tân sinh viên vượt khó
Ngày 10-11, báo Tuổi Trẻ phối hợp cùng Tỉnh Đoàn Bến Tre và Tiền Giang trao học bổng Tiếp sức đến trường cho 60 tân sinh viên khó khăn của hai tỉnh này. Tổng kinh phí 900 triệu đồng do Câu lạc bộ "Tiếp sức đến trường" Tiền Giang - Bến Tre và Câu lạc bộ Doanh nhân Tiền Giang, Bến Tre tại TP.HCM tài trợ.
Mỗi suất học bổng 15 triệu đồng. Ngoài ra còn có 3 laptop cho tân sinh viên đặc biệt khó khăn thiếu thiết bị học tập được Quỹ khuyến học Vinacam (Công ty cổ phần Tập đoàn Vinacam) tài trợ, Công ty TNHH Nestlé Việt Nam tài trợ quà tặng cho tân sinh viên.
Đây là điểm trao thứ 11, áp chót trong chương trình học bổng Tiếp sức đến trường 2024 của báo Tuổi Trẻ.
Mời bạn đồng hành cùng Tiếp sức đến trường
Chương trình Tiếp sức đến trường 2024 của báo Tuổi Trẻ khởi động ngày 8-8, dự kiến trao 1.100 suất học bổng với tổng kinh phí hơn 20 tỉ đồng (15 triệu đồng cho tân sinh viên khó khăn, 20 suất học bổng đặc biệt trị giá 50 triệu đồng/suất trong suốt 4 năm học và thiết bị học tập, quà tặng…).
Với phương châm "Không để bất kỳ bạn trẻ nào vì nghèo khó mà không thể đến với giảng đường", "Tân sinh viên gặp khó, có Tuổi Trẻ" - như một lời cam kết sẵn sàng hỗ trợ tân sinh viên trong hành trình 20 năm qua của Tuổi Trẻ.
Chương trình được sự đóng góp, ủng hộ của Quỹ "Đồng hành nhà nông" - Công ty cổ phần phân bón Bình Điền, Quỹ khuyến học Vinacam - Công ty cổ phần tập đoàn Vinacam và các Câu lạc bộ "Nghĩa tình Quảng Trị", Phú Yên; Câu lạc bộ "Tiếp sức đến trường" Thừa Thiên Huế, Quảng Nam - Đà Nẵng, Tiền Giang - Bến Tre và CLB Doanh nhân Tiền Giang, Bến Tre tại TP.HCM, Công ty Dai-ichi LifeViệt Nam, ông Dương Thái Sơn và những người bạn cùng các doanh nghiệp và đông đảo bạn đọc báo Tuổi Trẻ...
Ngoài ra, Công ty cổ phần Tập đoàn Vinacam còn tài trợ 50 máy tính xách tay cho tân sinh viên đặc biệt khó khăn, thiếu thiết bị học tập trị giá khoảng 600 triệu đồng, Công ty TNHH Nestlé Việt Nam tài trợ 1.500 ba lô trị giá khoảng 250 triệu đồng.
Hệ thống Anh văn Hội Việt Mỹ tài trợ 50 suất học bổng ngoại ngữ miễn phí trị giá 625 triệu đồng. Thông qua ngân hàng Nhà nước, Ngân hàng TMCP Bắc Á tài trợ 1.500 quyển sách về giáo dục tài chính, hướng dẫn kỹ năng quản lý tài chính cho tân sinh viên…
Doanh nghiệp, bạn đọc có thể ủng hộ học bổng cho tân sinh viên vui lòng chuyển vào tài khoản báo Tuổi Trẻ:
113000006100 Ngân hàng Công Thương (VietinBank), chi nhánh 3 TP.HCM.
Nội dung: Ủng hộ "Tiếp sức đến trường" cho tân sinh viên hoặc ghi cụ thể tỉnh/thành mà bạn đọc muốn hỗ trợ.
Bạn đọc, quý doanh nghiệp ở nước ngoài có thể chuyển khoản về báo Tuổi Trẻ:
Tài khoản USD 007.137.0195.845 Ngân hàng Ngoại thương TP.HCM;
Tài khoản EUR 007.114.0373.054 Ngân hàng Ngoại thương TP.HCM
với Swift code BFTVVNVX007.
Nội dung: Ủng hộ "Tiếp sức đến trường" cho tân sinh viên hoặc ghi cụ thể tỉnh/thành mà bạn đọc muốn hỗ trợ.
Ngoài tài trợ kinh phí học bổng, bạn đọc có thể ủng hộ thiết bị học tập, chỗ ở, việc làm... cho tân sinh viên.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận