Kỳ 1: Kỳ 2: Kỳ 3:
Bà Nguyễn Thị Tú, hội trưởng Hội Liên hiệp phụ nữ giải phóng miền Nam Việt Nam - Ảnh tư liệu gia đình cung cấp |
Trong số sáu anh chị em không ai được ở bên mẹ lâu, nhưng những gì mà họ nhớ luôn là những gì đẹp đẽ nhất về mẹ.
Mẹ
Trong số những giấy tờ bất ly thân mà bà Tố Nga luôn mang theo người có những lá thư của mẹ. Có lá viết dưới hầm bí mật, có lá viết khi vừa ra tù. Chan chứa yêu thương, tràn ngập tin tưởng là những lá thư ấy.
“Nga con, em về với con đấy. Từ nay em xa ba mẹ, nhưng đã có con, có các bác, các dì, mẹ rất an tâm và tin tưởng. Con muốn biết mẹ đã làm gì từ lúc các con đi thì cứ hỏi em, không đầy đủ nhưng nó cũng biết đại khái, những việc xảy ra chắc còn in trong trí. Em đã theo bà vào thăm mẹ ở Chí Hòa, Phú Quốc, Thủ Đức, Phú Lợi. Chỉ có Côn Đảo, Gia Định là không vào được thôi. Nó có vào nhà thương thấy cảnh mẹ bị giam cầm. Gần sáu năm tù đày mẹ bị hành hạ nhiều về thể xác lẫn tinh thần, nhất là ở Côn Đảo, Thủ Đức, Phú Lợi... Sống trong địa ngục trần gian ấy khá lâu, qua mỗi thử thách mẹ đều nhớ đến các con, hi vọng các con sẽ cố gắng học hành, mai sau phụng sự quê hương, xứ sở. Mẹ tin chắc con sẽ không quên bổn phận của con...”.
“Ly con. Mẹ nhớ con gái mẹ quá. Nhớ con như thế nào, mẹ nghĩ con cũng nhớ mẹ thế ấy. Kỳ sau viết thư cho mẹ, con nhớ cho biết con cao bao nhiêu, mập hay ốm, biết thêm những gì rồi, nói kỹ với mẹ nghe con. Con được ra Bắc, được học trong môi trường tiến bộ, mẹ sung sướng lắm tuy có đau vì xa con. Nhưng vì tương lai của con, vì muốn con trở thành người công dân tốt của Tổ quốc, nên mẹ con mình tạm xa nhau để ngày gặp lại có nhiều hạnh phúc...”.
“Mẹ tôi là vậy. Sau 10 năm ra Bắc, tôi vượt Trường Sơn trở lại miền Nam, tôi được gặp mẹ. Lần nào gặp, mẹ cũng ước “Mai sau hòa bình, mấy mẹ con mình lại được ở với nhau”. Tôi đã lớn rồi, đã làm phóng viên Thông tấn xã Giải phóng, vậy mà bom đến, mẹ kéo xuống hầm, lấy thân mình che cho tôi” - bà Tố Nga ngậm ngùi nhớ cái ngày 24 tuổi ấy. Lần cuối cùng được gặp mẹ, Tố Nga nhất quyết ép mẹ giữ lại chiếc khăn rằn cô vừa quàng lên cổ bà, để “đi đâu cũng có mẹ có con”.
Bà Nguyễn Thị Tú mang chiếc khăn rằn của con gái trên cổ, hành quân, chạy qua các cánh rừng của vùng tam giác sắt Tây Ninh - Củ Chi - Bến Cát suốt trận càn Cedar Falls kéo dài gần 10 ngày và khu vực đóng quân của căn cứ Trung ương Cục. Những ngày cuối cùng, nhóm công tác của bà bị một tốp xe tăng phát hiện. Sau những loạt đạn chát chúa, cày xới cả cánh rừng, bà biến mất. Đồng đội cùng nhau đi tìm, tay cái cuốc, tay lon cháo hoặc sữa, nếu gặp người hi sinh thì chôn cất, còn sống thì đút cháo, đút sữa đưa về. Nhưng vô ích. Bà đã tan biến trong không gian đậm đặc chết chóc của chiến tranh, để lại những day dứt không nguôi trong lòng đồng đội, trong tim các con.
“Trong chiến tranh, chúng tôi đi đến từng nhà tù tìm tông tích mẹ. Sau hòa bình, chúng tôi đi tìm mẹ trong từng cánh rừng. Vô vọng. Cuộc sống cuốn đi, đành lập một ngôi mộ giả giữa rừng mà bái vọng. Bà ngoại trước khi nhắm mắt dặn lấy ngày rằm tháng giêng để cúng mẹ. Thế nhưng chị Tố Nga không bỏ cuộc. Chị vẫn lặn lội đi tìm, cuối cùng chúng tôi đưa được mẹ về sau 30 năm” - bà Trần Quế Nga, hiệu trưởng Trường mầm non Nguyễn Thị Tú (Q.Bình Tân, TP.HCM) kể.
Hài cốt bà Nguyễn Thị Tú nằm dưới một bụi tre tàu ở huyện Bến Cát (Bình Dương). Người ta kể người phụ nữ ấy đã bị chôn sống trong tư thế ngồi, tay chân bị trói. Khai quật lên, từng mảnh xương bám trong rễ tre, lẫn trong đất đen, còn vài đoạn dây nhựa. Nát lòng các con, nát lòng đồng đội, nhưng một lần nữa họ lại tự hào khi được chứng thực về sự hi sinh anh dũng của mẹ mình, đồng chí mình.
Bà Trần Tố Nga - Ảnh tư liệu gia đình cung cấp |
Con
“Như là có số phận, những bước đường mẹ đi, những gì mẹ trải qua rồi chị em tôi lần lượt lặp lại, chỉ có điều gian truân của mẹ gấp trăm ngàn lần con” - bà Trần Quế Nga bùi ngùi kể. Ấy là cái án 20 năm tù mà Quế Nga nhận khi chưa tròn 20 tuổi. Cũng như mẹ, Quế Nga cũng trải qua đòn roi tra tấn, cũng nằm li bì trong phòng giam nhà thương Chợ Quán mà năm nào Quế Nga theo bà đi thăm mẹ, cũng bị chuyển từ Nha đô thành đến Chí Hòa, Thủ Đức, Hố Nai, Tam Hiệp rồi ra Côn Đảo. Những năm ấy sức trẻ, Quế Nga giành mọi chỗ khó chỗ khổ trong xà lim về mình, còn hát, còn cười được trong chuồng cọp, chỉ rưng rưng nước mắt khi đi ngang hầm đá, nơi mẹ Tú đã từng nằm.
Ấy là câu chuyện khi mẹ Tú sinh Ngọc Lan, mới được ba ngày, được tin một cơ sở bị bắt, mẹ giao em cho Tố Nga, một mình ra khỏi bệnh viện đi báo tin. Khi quay lại, máu chảy dài xuống dưới chân đọng thành vũng. 23 năm sau, Tố Nga lại sinh con trong một phòng giam ở Bệnh viện Hùng Vương. Thoáng thấy một người đồng chí đi ngang, cô năn nỉ giám thị cho xuống gặp. Leo qua được những bậc cầu thang xoắn, nói được một câu về tin tức người cùng bị giam, Tố Nga quay lên, máu lại chảy dài thành vũng dưới chân.
Những câu chuyện của số phận ấy cũng là niềm tự hào “con của mẹ Tú” trong các con bà. Họ bảo nhau cố gắng thực hiện ước mơ của mẹ ngày hòa bình: sống hạnh phúc và có ích cho đất nước. Và mẹ Tú đã có những người con gái thật mạnh mẽ.
Thu vén, chăm chút từng li từng tí một cho ngôi trường mầm non tư thục mang tên Nguyễn Thị Tú, bà Trần Quế Nga từ tốn tâm sự: “Sau bao nhiêu năm làm hiệu trưởng một trường cấp III, về hưu tôi nghĩ chỉ vậy chưa đủ với mong ước của mẹ mình. Mảnh đất này là của bà ngoại, tôi mở ngôi trường lấy tên mẹ, ngày ngày các cháu ríu rít ở đây chắc mẹ cũng vui. Đặt tên mẹ để làm kỷ niệm, vậy mà rồi cái tên ấy biến thành áp lực với tôi, như thấy mẹ luôn đòi hỏi trường phải tốt đẹp hơn nữa, các cháu phải được chăm sóc, giáo dục khỏe mạnh, ngoan ngoãn, thông minh hơn nữa...”.
Cô gái út Trần Tuyết Nga còn mạnh mẽ hơn nữa. Từ 20 năm nay cô một mình quay về khu căn cứ Củ Chi, vật lộn với đầm lầy, hố bom để biến khu đất hoang thành làng nghề Một thoáng Việt Nam, với mục đích tạo một điểm đến thấm đẫm văn hóa và lịch sử dân tộc cho Củ Chi. Nhất định không thỏa hiệp với các mục đích thương mại, gặp không ít khó khăn kinh tế, không ít người vì thương mà bàn lùi nhưng Tuyết Nga không nản lòng, vẫn đi tới, vẫn tiếp tục dù có lúc phải “cắn răng, nín thở mà chịu đựng”. “Tôi làm vì lòng biết ơn người dân Củ Chi, biết ơn mẹ tôi, biết ơn văn hóa, lịch sử Việt Nam. Đây là cách cống hiến riêng của tôi. Tôi không có cách thoái lui” - bà Tuyết Nga khẳng khái nói.
“Chúng tôi không thoái lui, chúng tôi đi tới” - những người con gái của bà Nguyễn Thị Tú đều giống nhau ở khẳng định mạnh mẽ ấy. Những ngày này, cả gia đình lại chăm chú dõi theo vụ kiện da cam của bà Trần Tố Nga, một chặng nữa trên con đường cống hiến đã hứa với mẹ từ bao nhiêu năm trước.
Kỳ tới: Tuổi 70
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận