Bệnh nhân điều trị hậu COVID-19 tại Bệnh viện Lê Văn Thịnh (TP Thủ Đức) - Ảnh: DUYÊN PHAN
Thời gian vừa qua, khi số ca COVID-19 trong cộng đồng tăng nhanh, tâm lý của nhiều người đã bắt đầu thay đổi. Thay vì chăm chú quan tâm đến số lượng ca bệnh hằng ngày, họ lại bắt đầu quan tâm đến những di chứng COVID-19 để lại.
Nắm bắt được tâm lý bất an này, nhiều tổ chức, cá nhân đã nhanh chóng mở rộng dịch vụ khám "hậu COVID-19", từ việc tư vấn cho đến bán thuốc điều trị, phục hồi sức khỏe.
Tiền mất tật mang
Mẹ tôi bị một người tự xưng là bác sĩ gửi tin nhắn hỏi thăm sau khi tìm được thông tin của tôi đăng trên mạng xã hội tìm hiểu về cách điều trị hậu COVID-19. Khi trò chuyện, vị này nói mình công tác ở Viện Y học cổ truyền, có nhã ý giúp mẹ tôi điều trị hiệu quả chứng ho khan thường xuyên sau COVID-19.
Sau đó, vị bác sĩ tự xưng này đã giới thiệu cho mẹ tôi một gói dịch vụ Đông y chuyên điều trị chứng hậu COVID-19 do chính ông ta nghiên cứu. Giá của gói combo này là 3,5 triệu đồng bao gồm 3 loại thuốc có tác dụng chữa chứng nặng ngực, khó thở, ăn không tiêu, mỏi mệt kéo dài...
Tin tưởng lời của vị bác sĩ, mẹ tôi đồng ý mua gói combo này nhưng uống suốt 1 tháng vẫn không có kết quả gì, thậm chí mẹ tôi còn cảm thấy mỏi mệt, rệu rã vì những cơn ho kéo dài hơn.
Quá lo lắng cho tình trạng của mẹ, tôi quyết định đưa mẹ đến khám tại Bệnh viện TP Thủ Đức (TP.HCM). Kết quả, mẹ tôi bị xơ phổi, tổn thương do di chứng COVID-19, đồng thời bị thiếu máu trầm trọng.
Đáng lưu tâm là bác sĩ sau khi xem đơn thuốc mẹ tôi mua trước đó thì khẳng định đây chỉ là thực phẩm chức năng hỗ trợ đề kháng, không thể điều trị được bệnh viêm phổi, cũng chẳng phải là thuốc đặc trị COVID-19.
Các loại thực phẩm chức năng này được bán rộng rãi tại các nhà thuốc giá 150.000 - 300.000 đồng/hộp, chứ không đắt như mẹ tôi mua của kẻ tự xưng là bác sĩ trên mạng.
Nhiều người "sập bẫy"
Từ câu chuyện của mẹ tôi, tôi tìm hiểu thì được biết nhiều người khác cũng "sập bẫy" chiêu trò lợi dụng sự lo lắng của những bệnh nhân sau khi mắc COVID-19 để hù dọa, thổi phồng các di chứng để dẫn dụ thăm khám, mua thuốc nhằm trục lợi.
Anh H. (43 tuổi, ngụ tại TP Thủ Đức) kể: "Tôi và vợ cùng lúc bị nhiễm COVID-19, đều uống thuốc kháng virus Molnupiravir. Dù thế, sau khi khỏi bệnh, tôi tìm đến phòng mạch tư gần nhà để kiểm tra di chứng.
Họ làm đủ xét nghiệm, chụp X-quang với chi phí mỗi người gần 4 triệu đồng, rồi tư vấn bảo rằng chúng tôi phải theo dõi điều trị vì có nguy cơ vô sinh sau khi sử dụng thuốc điều trị COVID-19.
Vì quá hoang mang nên tôi đến Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM để kiểm tra lại thì bác sĩ chỉ khuyến cáo chúng tôi không nên sinh con trong vòng sáu tháng sau điều trị COVID-19. Đúng là vì cẩn thận đi khám hậu COVID-19 mà chúng tôi rước nỗi âu lo vào người".
Tương tự, chị P. (40 tuổi, ngụ quận Bình Tân, TP.HCM) thường có cảm giác hụt hơi, mỏi mệt khi lên xuống cầu thang. Ngoài ra, chị cũng cảm thấy cơ thể mỏi mệt, thường thích ngủ nhiều hơn trước khi nhiễm bệnh.
Lo lắng, chị lên mạng tự tìm hiểu thì được một người tự xưng là thầy thuốc Đông y chẩn đoán chị đang đối mặt với di chứng hậu COVID-19, cần phải điều trị theo thang thuốc của ông ta, với chi phí cho mỗi liệu trình 3,5 triệu đồng. Bán tín bán nghi, chị P. đến Bệnh viện Phục hồi chức năng TP.HCM để thăm khám.
Chị chia sẻ: "Tôi đã thực hiện theo các động tác bác sĩ hướng dẫn, cho đến nay sức khỏe đã dần bình phục tốt hơn. Điều đặc biệt là tổng chi phí khám của tôi tại bệnh viện này chưa đến 1 triệu đồng. Nếu không cẩn thận kiểm tra lại, có lẽ tôi đã mất một khoản tiền oan cho kẻ lang băm".
Lợi dụng sự tin tưởng của người bệnh, các loại thuốc điều trị, dịch vụ khám hậu COVID-19, từ Đông y đến Tây y xuất hiện tràn lan khắp mọi nơi.
Những kẻ lừa đảo, mạo danh bác sĩ, lương y dỏm xuất thân từ nhân viên bán hàng online, dùng mọi thủ đoạn để chèo kéo, tiếp cận người bệnh nhằm rao bán các loại "thần dược" hoặc đề xuất các phương án điều trị trị giá hàng triệu đồng.
Điều này không chỉ gây thiệt hại, mất mát về tài sản mà về lâu dài còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và tinh thần của người bệnh.
Không phải ai cũng mắc di chứng hậu COVID-19
Các chuyên gia y tế cho rằng không nên quá lo lắng vì chẳng phải người bệnh nào cũng mắc phải di chứng hậu COVID-19. Thậm chí với những người mắc phải biến chủng Omicron, hầu như không để lại di chứng đặc biệt gì.
Trong trường hợp cảm thấy mỏi mệt, kiệt quệ sau COVID-19, người bệnh nên đến các khoa điều trị, chăm sóc và khôi phục tại các bệnh viện uy tín.
Đặc biệt, không nên tự điều trị hoặc nghe theo người khác mách bảo, nhằm hạn chế tối đa tình trạng "tiền mất tật mang".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận