Hàng trăm người chen nhau cúng vái, dâng lễ ở phủ Tây Hồ, Hà Nội - Ảnh: NAM TRẦN |
Sau bao nhiêu năm báo chí liên tục phản ánh về những hình ảnh phản cảm, xấu xí trong các dịp lễ hội mùa xuân, nhưng dường như, câu chuyện đáng buồn đáng giận ấy vẫn chẳng thay đổi được bao nhiêu, nhận thức của một bộ phận không nhỏ những người tham dự lễ hội, những người viếng chùa vẫn không thoát khỏi sự sân si vốn dĩ.
Dự lễ hội, thăm viếng nơi thờ tự, đáng ra phải hành xử thanh tịnh, ứng xử có văn hóa nhưng nhiều người vẫn sẵn sàng… chen lấn, giành nhau hái lộc, xin lộc. Thậm chí còn xảy ra xô xát, ẩu đả!
Sự tranh giành ấy xuất phát từ ý muốn cầu mong được những điều may mắn, những điềm phúc lành trong cuộc sống. Nhưng có vận may nào mà lại có được từ những hoàn cảnh thô bạo nhường ấy?!
Ngày nay, chúng ta thường nói đến khái niệm bền vững. Chẳng hạn như: xóa nghèo bền vững, du lịch bền vững, phổ cập bền vững, sự phát triển bền vững. Tức là, hơn bao giờ hết, chúng ta ý thức rất rõ rằng cách tốt nhất để duy trì những thành quả là phải có nền tảng vững chắc, có chỗ dựa lâu dài cho tương lai xa chứ không phải những nhất thời của tương lai gần.
Theo tinh thần đó, hành động nguyện cầu chỉ nên dừng lại ở một chừng mực nhất định. Nguyện cầu luôn là ý hướng thiện lành, giúp cả tâm lẫn trí thêm tin tưởng, thêm kiên trì vào mục đích hướng đến.
Gieo một chút nguyện cầu là thêm niềm hứng khởi để cố gắng hết sức mình cho những kế hoạch đề ra. Gieo một chút nguyện cầu là tạo nên làn gió mát lành ru êm những giọt mồ hôi, thậm chí là cả nước mắt trên con đường nỗ lực dốc sức để tạo nên kết quả.
Vậy nên, nguyện cầu không thể là phương thức để đạt đến mục tiêu mong đợi, nguyện cầu chỉ là hương vị cho ý chí thêm phần phấn chấn, là chất xúc tác cho nghị lực thêm phần quyết liệt.
Miệt mài cầu tài chi bằng tự thân ra sức trau dồi, luyện rèn kiến thức? Mải mê cầu lộc chi bằng chăm chỉ sản xuất, siêng năng lao động?
Một thành quả “tự trên trời rơi xuống”, không do chính bản thân mình thực hiện, hẳn rồi sẽ có lúc sanh lòng bồn chồn lo lắng, luôn luôn phải đối mặt với cảm giác sợ hãi tài lộc bỗng một ngày “chẳng cánh mà bay”, rời xa mãi mãi.
Những hình ảnh phản cảm mà báo chí nêu lên trong các dịp lễ hội hay ở những nơi chiêm bái linh thiêng, từ một góc độ nào đó, có thể xem là hệ lụy từ sự mê tín quá đà của một bộ phận không nhỏ người dân.
Chính lòng ham muốn thực dụng đã dẫn lối cho những hành vi khiếm nhã nơi tôn nghiêm mà đỉnh điểm là những cuộc xô đẩy giành giựt để nhận lộc xuân.
Khởi đi từ một hành động thiện lành, cầu quốc thái dân an, cầu mưa thuận gió hòa, cầu đất nước ấm no yên bình, thì nay, nhà nhà người người cầu tài cầu lộc cho riêng bản thân mình, bất chấp việc ảnh hưởng đến người khác.
Nhưng có ngờ đâu, tài lộc dễ đến thì cũng dễ rời đi chẳng kém, chỉ có nỗ lực thật sự thì thành quả mới lâu bền.
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả. Theo bạn, cần làm gì để xóa bỏ những cuộc xô đẩy giành giựt để nhận lộc xuân như một số nơi đã từng xảy ra? Ranh giới nào để phân biệt giữa lễ hội và mê tín? Mời bạn gởi ý kiến của mình trong phần BÌNH LUẬN dưới bài viết hoặc email về địa chỉ: [email protected]. Cảm ơn bạn! |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận