Phóng to |
Các bị cáo trước vành móng ngựa - Ảnh: Minh Tâm |
"Xã các bị cáo ở là xã vùng sâu, gần biên giới, trình độ văn hóa thấp, người dân rất mê tín dị đoan. Khi nói đến vụ án mạng này, ngay cả một vài cán bộ của xã vẫn còn tin rằng chuyện bùa ngải là có thật, có người còn nghĩ nên tha bổng cho các bị cáo..." |
Anh T.S. ở xã Tân Khánh Hòa khi có rượu thường hay khoe mình từng học gồng, học bùa. Đầu năm 2010, mẹ của anh S. bệnh chết. Kế đến em và cha của Tiên Qui - một người cùng ấp với anh S. - qua đời.
Qui và những người địa phương cho rằng anh S. đã làm bùa ngải thư chết người.
Ngay cả ông Tiên Xem là cha của anh S. cũng tin vậy nên nhóm của Qui xin ông Xem cho phép giết S. để trả thù cho những người đã mất, đồng thời trừ họa cho dân làng. Ông Xem đồng ý.
Ngày 14-1-2010, thấy anh S. đang cắt cỏ, 15 người với dao, búa, cây tre, cây tràm... đầy sát khí ào đến.
Anh S. hoảng hốt bỏ chạy vào nhà người dân gần đó, đóng chốt cửa bên trong.
Nhóm Qui rượt theo dùng cây tre đâm vào vách, phá tung cửa, xông vào lôi anh S. ra ngoài. Cả nhóm xúm lại dùng dao, búa, cây... chém đâm túi bụi vào người anh S..
Sợ nạn nhân sẽ dùng bùa sống dậy trả thù nên họ tiếp tục dùng dây trói tay, trói cổ kéo lê nạn nhân trên đường kênh dẫn nước, rồi lại chém, đánh anh S..Do bị kéo lê và đánh đập dã man nên quần áo anh S. bị sút ra hết, trần truồng nằm trên ruộng.
Gây án xong, Qui báo cho ông Xem rằng đã giết chết S.. Ông Xem bảo: “Coi nó chết thật hay giả”. Qui trả lời: “Chết thật”. Ông Xem nói: “Nếu ai có đến bắt, tao ở tù cho”.
Những con người tăm tối
16 bị cáo đứng chen chúc trước vành móng ngựa trong phiên tòa sơ thẩm ngày 28-9-2010 tại TAND tỉnh Kiên Giang với tội danh “giết người”.
Nghe mô tả hành vi, tưởng chừng như họ là những tên sát nhân máu lạnh, nhưng những gì diễn biến tại phiên tòa cho thấy họ là những nông dân chất phác, do mê tín, trình độ thấp nên mới có những hành động hết sức tàn nhẫn như vậy.
Trước tòa, tất cả bị cáo đều cho rằng không có mâu thuẫn hay gây gổ gì với anh S.. Lúc đánh anh S. cũng thấy tội nghiệp nhưng “nếu không giết S. thì S. sẽ tiếp tục dùng bùa chú giết hết cả làng”.
Khi tòa hỏi có chứng cứ không, toàn bộ nói rằng chỉ nghe lời đồn, vả lại chính S. đã từng khoe mình biết bùa chú. Chủ tọa thẩm vấn Qui: “Tại sao bị cáo lại giết anh S.?”. Bị cáo trả lời: “Do bị cáo rất tức giận vì cha và em ruột bị S. thư chết nên mới giết S. trả thù, cũng để cứu nguy cho mọi người”.
Chủ tọa hỏi: “Thế bị cáo có biết anh S. dùng bùa giết người như thế nào không?”. Qui đáp: “Bằng cách bỏ trứng gà, lưỡi lam vào trong bụng khiến người đó chết”. “Thế bị cáo có tận mắt chứng kiến không?”. “Tuy không thấy nhưng bị cáo nghĩ là S. có làm”.
Chủ tọa thở dài: “Việc đó là do bị cáo suy diễn vô căn cứ, chứ có ai thấy anh S. thư người khác đâu”.
Vị đại diện viện kiểm sát hỏi bị cáo Xem: “Tuy bị cáo không trực tiếp giết chết con mình nhưng chính bị cáo đã hỗ trợ đắc lực về mặt tinh thần cho các bị cáo khác. Tại sao bị cáo lại đồng ý cho Qui giết chết S.?”. Bị cáo Xem nói: “Chính S. đã dùng bùa thư chết mẹ nó. Nó còn thư làm tui bệnh, nên tui mới đồng ý cho Qui giết nó”.
Khi được tòa hỏi, người vợ của nạn nhân trình bày mong tòa xử nhẹ các bị cáo, bù lại các bị cáo phải trả giùm 50 triệu đồng mà gia đình chị nợ người ta. Tất cả các bị cáo, kể cả thân nhân, đều đồng loạt giơ tay hùn tiền trả nợ giùm cho chị, để đổi lại việc không phải ở tù.
Vị chủ tọa phiên tòa phân tích: luật không cho phép dùng tiền trả để khỏi tội. Đây là tội hình sự nên ngoài việc phải chịu hình phạt tù, các bị cáo còn phải bồi thường cho thân nhân bị hại. Số tiền đó do tòa quyết định chứ không phải các bị cáo muốn hùn tiền trả bao nhiêu thì hùn.
Chắc có lẽ đến lúc đó các bị cáo mới lờ mờ hiểu ra ít nhiều. Bởi khi gây án, họ đã tin rằng giết “kẻ ác” trừ hại cho xóm làng chắc không đến nỗi bị tội. Nhưng đến khi nghe hội đồng xét xử phân tích, rồi tiếng người dự khán chắc lưỡi, ồ lên kinh sợ trước hành động quá dã man và vị đại diện viện kiểm sát đề nghị mức án lần lượt từ 7-16 năm tù, các bị cáo mới hốt hoảng, lo sợ.
Khi được nói lời sau cùng, 16 bị cáo đồng loạt xin giảm án để sớm về đoàn tụ với gia đình.
Tương lai mịt mờ
Trong khi tòa nghị án, tôi đến hỏi ông Xem: Tính tình anh S. thế nào, có hỗn hào với vợ chồng ông không? Tại sao ông cứ khăng khăng khẳng định con mình dùng bùa giết người và anh S. thư chết người để làm gì?
Giọng ông Xem quyết liệt: “Tính nó ít nói, nó cũng không có mắng chửi tui, nhưng nó rất ác bởi nó thư chết mẹ nó. Có lần nó cho tui ăn bánh, rồi tui bị sình bụng, tui đi coi thầy, thầy lang nói là chính nó thư tui. Giết nó, cái lòng tui cũng xót, nó là con tui mà. Tui đã nhiều lần la mắng nó đừng làm thế, nó vẫn không nghe. Bà con xóm làng ai cũng sợ nó hết. Để nó sống nó sẽ thư hết cả xóm...”.
Thân nhân các bị cáo đều ủng hộ việc các bị cáo làm! Họ nói S. dùng bùa thư rất nhiều người nhưng may mắn đều qua khỏi, chỉ có ba người chết. Bị cáo Tiên Chia còn nói: “Lần đó S. thư tui, khiến người tui nóng ran, bứt rứt, khó chịu, may mà tui qua khỏi. Xóm có đám tiệc, S. mà ngồi bàn nào là người ta dạt ra hết, không dám ngồi cùng bàn vì sợ bị thư chết”.
Tòa tuyên án 16 bị cáo, người cao nhất là Tiên Qui lãnh 15 năm tù, người thấp nhất là bị cáo Tiên Xem bị phạt 7 năm tù.
Những tiếng khóc vỡ òa ra. Đa số các bị cáo đều nghèo, lại là trụ cột của gia đình nên thời gian thụ án lâu chừng nào thì chắc chắn gia đình điêu đứng đến chừng đó và con cái sẽ bỏ học. Riêng anh S. chết ở tuổi 38, để lại bốn đứa con, đứa lớn nhất 16 tuổi, nhỏ nhất 6 tuổi.
Hôm nghe cha bị giết, cô con gái lớn rất sợ, ngồi co rúm trong góc nhà. Em mếu máo: “Cha rất hiền. Chỉ khi có rượu cha mới la nhưng cha rất ít uống rượu”. Vợ anh S. khóc: “Mấy người đó ở tù rồi cũng được ra. Còn chồng tui không sống lại”.
Khi còn sống, ngoài việc chăm sóc 3 công ruộng, anh S. còn đi làm thuê nên cuộc sống không đến nỗi túng quẫn. Giờ gánh nặng dồn trên đôi vai người vợ. Chị cùng con gái lớn làm lụng vất vả để nuôi ba đứa nhỏ tiếp tục đến trường. Nhưng sức phụ nữ có hạn nên giờ nợ nần chồng chất.
Ông Trương Thành Đức, trưởng Công an xã Phú Lợi, huyện Giang Thành, tỉnh Kiên Giang, cho biết: “Nạn nhân và thủ phạm đều là những nông dân nghèo chân chất, siêng năng chuyện đồng áng, chỉ vì mê tín mới gây ra câu chuyện thương tâm như thế”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận