17/09/2022 10:36 GMT+7

Mẹ phải sống vì con

YẾN TRINH
YẾN TRINH

TTO - Sáng sớm nơi bờ kè kênh Nhiêu Lộc, người mẹ vừa ngóng khách mua vé số vừa dõi mắt yêu thương trông chừng cô con gái bị bệnh nặng, phải nằm liệt một chỗ với phần đầu lớn một cách kỳ lạ.

Mẹ phải sống vì con - Ảnh 1.

Chị Tiếp yêu thương chăm sóc con gái bị chứng não úng thủy 18 năm nay - Ảnh: YẾN TRINH

Có lần tôi định nhảy sông nhưng nghĩ mình chết rồi thì ai lo cho con, con có tội gì đâu! Tôi phải sống để con mình được sống.

Chị CAO THỊ TIẾP

Người mẹ ấy là chị Cao Thị Tiếp, 40 tuổi và cô con gái Nguyễn Thị Huyền cũng đã sang tuổi 18. Phần đầu to do chứng não úng thủy, trong khi chân tay teo tóp nhưng Huyền đã trải qua 18 năm cuộc đời như một kỳ tích về tình yêu cuộc sống. 

Cũng chừng ấy năm, chị Tiếp chưa một ngày xa con...

Một ngày như cả một đời

Trên xe đẩy bên kênh Nhiêu Lộc (quận Phú Nhuận, TP.HCM), Huyền nằm nhìn chiếc lồng chim đồ chơi treo trên mái che. Ai đi ngang cũng ngoái đầu nhìn bởi Huyền không khác gì em bé trong nôi dù nặng gần 40kg. Sau đó em quay qua ngó mẹ, bàn tay co quắp đưa đưa lên. 

"Huyền không nói được. Mỗi khi con giơ tay, miệng a a, tôi biết ngay con đang muốn gì đó. Như bây giờ là con muốn ăn thêm bún, tôi giằm nhuyễn để đút vì con không nhai được", chị tâm sự.

Người qua đường khi thì mua giùm vé số, khi biếu mẹ con 10.000 - 20.000 đồng. Hơn 9h, chị Tiếp bung chiếc dù đầu xe sửa soạn đẩy con về. Chị nói: "Tôi phải về sớm vì sợ trời nắng con sẽ mệt. Chỉ có mẹ con ở với nhau nên tôi đưa bé theo để tiện chăm nom". 

Nói rồi, người mẹ cắm cúi đẩy xe về phòng trọ trong con hẻm đường Phạm Văn Hai (quận Tân Bình). Tới đầu hẻm, chị để nhờ xe vào một góc, bặm môi ẵm con vào căn phòng cuối dãy.

Mồ hôi nhễ nhại, chị lấy áo thay cho con, cho con uống nước. "Bủm (tên ở nhà của Huyền) mệt hả, đi bán với mẹ mệt quá mà", "Uống nước nghe, rồi chút nữa mẹ nấu cơm ăn", chị nói với con. 

"Ưng cái gì con sẽ cười, gật gật, không ưng thì con lắc đầu buồn hiu. Như hôm trước cứ sờ sờ cái giỏ đi bán của mẹ, tôi mới hỏi con thích mua gì. Nhắc tới lồng đèn thì con gật", chị kể.

Mỗi một ngày của mẹ con dài như một đời. Huyền chỉ nằm một chỗ, mọi sinh hoạt đều do mẹ lo liệu. 

Một ngày của họ bắt đầu từ 5h, chị Tiếp làm vệ sinh cho Huyền rồi mẹ con đi bán vé số cùng nhau. Cỡ hơn 9h, chị đưa con về, nấu cơm và cho con ngủ trưa. 4h chiều, hai mẹ con tiếp tục đi bán tới 9h đêm. 

Chị chỉ mong trời mát, con không mệt, còn mưa lầy nắng gắt sẽ tội thân con.

"Đừng xúi em bỏ con..."

Nhìn con nằm ngoan trên giường, ký ức 18 năm trước ùa về trong tâm trí chị Tiếp. Năm 2004, chị sinh Huyền ở quê nhà thuộc xã Nghĩa Mỹ, huyện Tư Nghĩa, Quảng Ngãi. 

"Hồi mới sinh, con tròn như hột mít, da trắng trẻo. Ai cũng nghĩ con sẽ lớn lên khỏe mạnh, đẹp gái...", chị nói.

Bốn tháng sau, chị Tiếp lo sợ khi thấy hai chân con teo lại "cà queo", đầu bóng mềm, lún lên lún xuống theo nhịp thở. Chị còn nhớ rõ ngày 12-12-2004, kết quả khám ở bệnh viện trong TP.HCM cho thấy con bị não úng thủy. 

Chị chết điếng. Hỏi đi hỏi lại về cách chạy chữa, cuối cùng chị từ bỏ ý định mổ cho con vì nghe nói khả năng sống cũng rất thấp. 

"Bác sĩ nói con có thể sống được mấy năm hoặc lâu hơn tùy sự chăm sóc của gia đình. Tôi đưa con về, lòng hoang mang lắm", chị nhớ lại. 

Nỗi đau thương con như tê dại, cộng thêm những lời dị nghị khiến chị muốn lìa bỏ cuộc đời. Chị nói: "Có lần tôi định nhảy sông nhưng nghĩ mình chết rồi ai lo cho con, con có tội gì đâu! Tôi phải sống để con mình được sống".

Bước đường cùng, người mẹ 21 tuổi quyết định ẵm con vào Sài Gòn, tránh xa những lời "tư vấn" gửi con cho trại trẻ mồ côi hoặc "bỏ đại ở bệnh viện". Chị Tiếp còn nhớ lúc đó mình cầm của chị gái 100.000 đồng và mẹ cho 20.000 đồng, vừa đủ tiền lên chuyến xe trong đêm lạnh. 

Cho đến giờ, thấy hoàn cảnh của chị, một số người cũng khuyên sao không trao con cho mái ấm nào đó. Chị trả lời mà rơm rớm: "Anh chị thương tình thì mua vé số giùm em. Đừng xúi em bỏ con...".

18 năm ròng, chị Tiếp bươn chải nuôi con và thèm nghe con gọi tiếng "mẹ ơi" dù biết rằng con như chú chim không cất được tiếng hót. Chị đi giúp việc nhà, rồi bén rễ nghề bán vé số tới nay.

Chị thích kể về những giây phút bên con. Huyền có hàm răng khá đều, chị nói rằng có những lúc đánh răng hoặc đút ăn, con cắn chặt ngón tay mẹ tứa máu. Chị lại nhỏ nhẹ "con thả tay mẹ ra không là đứt ngón tay". 

Nhưng tất cả không là gì so với chứng động kinh của Huyền vào những ngày trời quá nóng. Thấy con co giật, la hét, chị lật đật lấy thuốc nghiền, dỗ dành một hồi con mới dịu lại.

Có lần Huyền khiến chị Tiếp sợ điếng người. Chị kể: "3h sáng, tự nhiên con toát mồ hôi hột, run bần bật, quần áo ướt mem, môi tái mét dù trời không nóng không lạnh. Chưa bao giờ con như vậy". "Con đừng bỏ mẹ nghe con", chị hốt hoảng lẩm bẩm rồi mang vớ, bao tay, lau người cho con. 

Chừng một tiếng sau con đỡ, chị như trút được nỗi sợ buốt lấy tim mình. Hoặc đợt rồi Huyền bị nhiễm COVID-19, mấy ngày liền không chịu ăn, cơ thể yếu lả khiến lòng người mẹ như lửa đốt.

Mẹ phải sống vì con - Ảnh 3.

Người mẹ vẫn ngày ngày ẵm con đã nặng gần bằng mình - Ảnh: Y.TRINH

Che chở suốt đời con

Đời buồn nhưng chị Tiếp không để muộn phiền của mình lây sang con, ngược lại còn nhìn nụ cười của con làm động lực sống. "Những lúc lo buồn, thấy con cười, tôi quên hết cực nhọc", chị nói.

Chị Tiếp có thói quen nói chuyện với Huyền y như con là một đứa trẻ khỏe mạnh bình thường. Chị tin rằng con hiểu bởi giữa hai mẹ con có sự kết nối thiêng liêng của tình mẫu tử. 

Chị kể khi chị bị sốt xuất huyết thiếp đi, Huyền nằm kế bên, huơ huơ tay mở mắt mẹ lên xem mẹ... còn sống không. Chị trào nước mắt. Khi có dịp về quê, hai vợ chồng chị nếu có chuyện không vui là Huyền buồn bã, bỏ ăn mấy ngày.

Không ai lẻ loi ở trên đời. Chị Tiếp tâm sự mình kiên cường tới hôm nay cũng nhờ lòng tốt của nhiều người. 

"Họ thương mẹ con lắm. Hồi mới vô đây, xuống xe bị mất giấy tờ, tôi được chú bán vé số cho 200.000 đồng làm vốn, bắt đầu lại cuộc đời", chị nói. Con lên 2 tuổi, người ta cho chị chiếc xe đẩy để hai mẹ con đi bán dễ hơn...

Sinh ra trong gia đình bảy anh chị em, thiếu vắng người cha, chị Tiếp kể nhiều lúc phải ăn cơm với nước mắm, không có đường, bột ngọt bỏ vô cho dịu. Dù vậy, chị nói bản thân mình "đi ăn xin cũng được" nhưng cố gắng cho con điều tốt nhất. Huyền thích sầu riêng, vú sữa nên dư chút chị lại mua cho con. Sinh nhật con, chị cùng vài người quen gói quà thật đẹp. 

"Có một cô tôi chỉ tình cờ gặp, cô hỏi sắp tới sinh nhật Huyền chưa. Bất ngờ mấy hôm sau cô đem bánh kem tới...", chị kể. 

Riêng chị Ánh Nguyệt (30 tuổi, ngụ quận Phú Nhuận), bốn năm nay đã dành thời gian lui tới và nhận làm mẹ đỡ đầu của Huyền. "Thấy thương hoàn cảnh hai mẹ con nên tôi và bạn bè có lúc cho quà, lúc phụ chút đỉnh tiền", chị Nguyệt chia sẻ.

Dỗ con giấc trưa yên lành, chị Tiếp nhẹ nhàng nói giờ chỉ mong mình đừng đau bệnh bất thình lình để đủ sức nuôi con. Nói rồi, chị hôn nhẹ lên trán con, đôi mắt ánh lên tình thương yêu và nghị lực vô hạn của trái tim người mẹ.

Tình yêu cuộc sống

Năm 2010, PV Tuổi Trẻ đã gặp và viết bài về mẹ con chị Cao Thị Tiếp lúc bé Huyền mới 6 tuổi đang thoi thóp trong bệnh tật. Nhiều ý kiến đã lo ngại cho mảnh đời như đèn treo trước gió của bé. Nhưng người mẹ vẫn vừa chật vật mưu sinh vừa tìm cách chạy chữa cho con.

Ngày chúng tôi gặp lại hôm nay, đã 12 năm trôi qua, Huyền vẫn kiên cường sống và người mẹ ấy vẫn lạc quan bên con như một câu chuyện đẹp về tình yêu cuộc sống.

Một phép màu đã có thật trên cõi đời này và được viết lên từ tình mẹ con!

Mẹ bươn chải nuôi chữ cho con: Mẹ bươn chải nuôi chữ cho con: 'Gia tài của tôi là các con'

TTO - Chồng qua đời vì bạo bệnh, dù sức khỏe yếu, chị Dương Thị Truyền (thôn Ba Tháp, xã Bắc Phong, huyện Thuận Bắc, Ninh Thuận) một thân một mình gồng gánh chăm lo gia đình, nuôi hai con ăn học đến nơi đến chốn.

YẾN TRINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên