TTCT - Một trong số rất ít người Việt tham gia giải marathon Boston (Mỹ) lừng lẫy diễn ra hôm 16-4 vừa qua - nhà văn Trang Hạ - kể lại câu chuyện đi thi chạy của mình. Trang Hạ (27778) về đích Marathon Boston 2018. Ảnh: Chí Dũng Buổi trưa vài ngày trước lễ Noel 2017, khi đang ở đảo Bali (Indonesia), tôi nhận được email từ bà giám đốc tiếp thị và tài trợ của John Hancook (Mỹ) có tiêu đề: “Welcome to the John Hancock Boston Marathon Invitational Program!” cùng lúc với một lá thư từ Hiệp hội Vận động viên Boston B.A.A đề nghị tôi đăng ký chạy Boston Marathon 2018. Họ cho tôi thời hạn suy nghĩ để trả lời có quyết định tham gia chạy Boston Marathon hay không, cho tới 20h đêm 15-4-2018, đêm trước của ngày thi đấu. Ống heo “Mẹ đi Mỹ chạy bộ!” Đúng hôm đó, tôi đang vừa di chuyển vừa viết bài “Chạy đi, những người lang thang trong tuổi trẻ!” cho TTCT. Bản thảo lúc đó đang bị hối thúc từ tòa soạn, nhưng tôi run rẩy xúc động tới mức không thể viết thêm dòng nào. Tôi vội vàng đăng nhập vào trang web của Boston Marathon và gần như ngay lập tức đăng ký xong thông tin cá nhân, chuyển khoản 360 USD chi phí BIB cho ban tổ chức, và chờ đợi. Nhưng những ngày sau đó, tôi chỉ nhận được sự im lặng khủng khiếp từ BAA. Nếu nhà tài trợ chính John Hancook mời tôi vào đội của họ, nhưng BAA xét thấy không đủ điều kiện, không đồng ý cho tôi chạy thì có lẽ cánh cửa tới Boston của tôi sẽ khép lại vĩnh viễn. Vì nếu phải xét thành tích qua Boston Qualify, tôi cần khoảng vài chục năm tập luyện nữa để đạt yêu cầu chạy Boston. Có thể, tôi sẽ chạy Boston Marathon vào năm nào đó ở giữa khoảng tôi 75-80 tuổi! Boston Marathon là một cuộc đua tốc độ của những vận động viên đỉnh cao, của những người chạy phi thường, lập nên kỳ tích của bản thân và truyền cảm hứng chạy bộ tới hàng trăm triệu người chạy bộ trên thế giới. Trong khi tôi chỉ là một người đàn bà đang đi dần tới tuổi 50, tóc đã bắt đầu bạc từng đám, lưng còng thấy rõ, chạy chậm và chỉ có một thứ mạnh mẽ nhất, đó là khao khát. Được sống, được chạy bộ, được tự do, được thử, được sai lầm, được chinh phục những giấc mơ điên rồ nhất. Tôi theo dõi danh sách được chấp nhận dự giải chạy Boston Marathon 2018 từng ngày, nhưng mãi vẫn không thấy tên mình. Có một người sẽ đi chạy Boston Marathon 2018 từ TP.HCM, nhưng anh ấy là Việt kiều. Như thế, VN năm nay vẫn “trắng tên” trong danh sách tham dự giải chạy danh giá nhất hành tinh, như trăm hai mươi mấy năm qua. Mơ ước tới Mỹ dự marathon Boston ấp ủ bấy nay của tôi chắc sẽ bị xóa sổ. Tôi nghĩ có thể một MC hoặc diễn viên, hoa hậu nào đó sẽ tới Boston thay tôi. Tôi chưa đủ tốt, làm chưa đủ nhiều, không thể gọi là dấn thân hơn những người khác để được công nhận. Sự giúp đỡ của nhiều công ty, tổ chức vẫn chưa đủ để tôi có được quyển Runner Passport của Boston Marathon. Tôi cũng muốn nhìn thấy quốc kỳ VN tung bay ở đường dẫn tới vạch đích Finish Line trên phố Boylston, trong ba vạn khoảnh khắc các vận động viên về đích. Tôi có một ngăn tiết kiệm tên là “Mẹ đi Mỹ chạy bộ!” và hằng tuần bỏ tiền vào đó. Ba đứa con tôi thấy rất thú vị khi biết mẹ cũng đang có tiền tiết kiệm bỏ ống như chúng. Và tôi thể hiện sự khát khao với các con mình: Mẹ phải đến Boston chạy marathon. Nhưng trong suốt hai tuần chờ đợi, tôi chỉ chờ đợi, không thể viết hoặc làm bất cứ việc gì. Ngay cả bỏ tiền tiết kiệm vào ngăn, tôi cũng không làm. Tôi chỉ chờ đợi và căng thẳng. Tôi bị hàng trăm cuộc điện thoại của khách hàng “truy sát” khi không hoàn thành bài viết, hoặc chất vấn tại sao tôi biến mất khỏi dự án. Ơn trời, cuối cùng tôi cũng nhận được email thông báo mình đã được chấp nhận. Thật ra, khoảng thời gian chờ đợi đó không nhiều. Chỉ hai tuần thôi, nhưng với tâm trạng chờ đợi, nó dài dằng dặc với tôi. Nhà vô địch Marathon Boston 2018 - Yuki Kawauchi trên đường chạy, và bên đường là lá cờ VN - chỉ dấu cho biết người Việt chính thức dự giải. Ảnh trên báo Boston Herald Những bạn chạy quanh tôi Trong lúc chờ đợi, tôi vẫn chạy bộ hằng tuần. Tốc độ (pace) của tôi ngày càng tồi tệ. Chỉ vì: Tôi không hề chạy một mình nữa. Tôi liên hệ với các khách hàng cũ, các cộng đồng độc giả thân thiết và nói, tôi sẵn sàng đưa các anh chị đi chạy bộ. Hằng ngày, tôi sẽ tới tận nhà dạy chạy theo thời gian anh chị có thể rảnh. Tối đa mỗi người 3 buổi. Chương trình hằng ngày sẽ kéo dài tới hết tháng 3. Tôi nghĩ dù tôi có được cơ hội chạy Boston Marathon hay không, tôi vẫn phải dắt những người chưa chạy bộ đi chạy. Những phụ nữ trẻ đi xe buýt 15km vào Hà Nội và chạy bước chân đầu tiên trong đời bên bờ hồ Gươm. Những người đàn ông bỏ cuộc bia chiều lần đầu tiên trong đời chạy 10km rồi chạy quanh hồ Tây với tốc độ chạy chậm như người ta đi bộ nhanh. Những gia đình có hai anh em cùng chạy, hai mẹ con cùng chạy... Cũng có những buổi, tôi rủ rê được cô bạn online chạy bộ cùng tôi từ Úc, Melbourne và Hà Nội cùng chạy rồi ghép nối tracklog GPS để được một half-marathon cuối tuần... Cũng có những quan chức cấp trung chạy cùng tôi nhưng tuyệt đối không cho chụp ảnh, họ không muốn cả Hà Nội đều biết họ đang tập chạy. Cũng có những công ty chỉ sau vài buổi tập chạy co ro trong giá rét, sếp đã mở luôn một giải chạy cuối tuần dành cho hai chục nhân viên công ty, có giải thưởng là một đôi giày 2 triệu đồng. Chạy bộ rất dễ, ai cũng có thể, tôi chỉ là một trong số đó. Nhưng chạy bộ rất khó, nếu bạn hoàn toàn không hề có mục tiêu cho bản thân. Chạy đâu cần xa xỉ, một đôi giày vải năm mươi nghìn cũng đã là đủ. Cho nên có một lần tôi suýt khóc ở giữa Sài Gòn. Ngày hôm đó có một độc giả tới tìm tôi, chị đang làm nghề lau dọn siêu thị, lau văn phòng. Chị kể rằng chị nghèo nên làm việc rất chăm chỉ, nghề dọn vệ sinh thì có gì mà danh giá, đủ nuôi con đã là tốt. Một lần than khổ với sếp văn phòng lúc chị đang lau dọn, chị sếp cũng là người tốt, chị sếp nói: “Chị phải đọc Trang Hạ để thay đổi!”. Đó là lý do mấy năm trời chị cứ đọc Trang Hạ, rồi tìm cách thay đổi bản thân, dành tiền mua cái giẻ lau tốt hơn, cái máy hút bụi mạnh hơn để đôi tay đỡ cực. Chị mang đôi giày chạy bộ mới tới khoe và nói, lần đầu gặp tôi, chị muốn cho tôi thấy chị đã thay đổi nhiều thế nào, lạc quan về ly hôn, tự hào vì con cái, tự tin về nghề nghiệp, và vì tôi dạy chạy miễn phí nên chị bắt đầu tập chạy. Tôi tá hỏa nhìn đôi giày đắt tiền. Trong túi lúc đó có phong bì tiền vé máy bay khách hàng mới đưa, tôi bèn rút ra, lấy một nửa đưa chị: “Chị cứ chạy thôi, còn thì hãy để tôi biếu chị đôi giày”. Không hiểu sao tôi vẫn nghĩ rằng vẻ đẹp của những chặng chạy bộ tới từ con người, không hề tới từ tốc độ. Và đường tới Boston của tôi là một chuỗi câu chuyện về những con người quanh tôi. Lá quốc kỳ thiêng liêng Ngày 16-4-2018, gió mạnh ngược chiều tới 43km/h và mưa lớn trong rét 2 độ, ngày thời tiết kinh hoàng nhất trong suốt 30 năm qua tại giải Boston, tôi đã hoàn thành cuộc chạy Boston Marathon của cuộc đời mình với thành tích rút ngắn hơn rất nhiều so với những cuộc thi marathon trước đây tại VN và Đài Loan. Tôi sẽ không nói nhiều về cuộc đua, vì có hai thứ vô cùng thiêng liêng và quý giá đã chờ tôi chạy từ Hopkinton về Boston hôm đó: một là lá quốc kỳ VN được ban tổ chức Boston Marathon cắm ở ngay gần Finish Line, và hai là ông chồng tôi dầm mưa lạnh suốt nhiều tiếng để ủ đôi giày khô, áo len, quần áo ấm cho tôi, chờ tôi ở sau vạch đích! Lá quốc kỳ VN đã hiện ra trong bức ảnh nhà vô địch Yuki Kawauchi - huyền thoại mới đầy kinh ngạc của Boston Marathon lúc sắp cán đích. Bức ảnh ấy đăng trên báo Boston Herald ngay hôm sau. Trên ngực áo tôi cũng dán một lá cờ đỏ sao vàng nhỏ bé, trên lớp áo thi đấu của đội John Hancook, bên ngoài chiếc áo Newborns VN mà tôi mặc suốt 26,2 dặm chạy, kêu gọi quyên góp cho quỹ cứu trợ nâng cao tỉ lệ sống cho trẻ sơ sinh tại VN. Vì tôi không phải là vận động viên, tôi là một người mẹ chạy bộ. Tôi chạy với sự biết ơn cuộc sống, với lòng trắc ẩn. Và cảm giác, không phải chiếc medal chờ tôi ở đích, mà tôi đang chạy bộ tới một phiên bản tốt đẹp hơn của đời sống: Được sống, được chạy bộ, được tự do, được thử, được sai lầm, được chinh phục những giấc mơ điên rồ nhất!■ Tags: Chạy bộNhà văn Trang HạGiải marathon Boston 2018Mẹ phải đến Boston
Tổng Bí thư Tô Lâm trực tiếp trao đổi chuyên đề đặc biệt quan trọng THÀNH CHUNG 25/11/2024 Tổng Bí thư Tô Lâm yêu cầu đột phá mạnh mẽ hơn về thể chế phát triển, tháo gỡ điểm nghẽn, rào cản, trong đó lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm.
Nga tuyên bố có quyền đưa tên lửa Oreshnik đến châu Á để đối phó Mỹ NGHI VŨ 25/11/2024 Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Ryabkov cho biết Nga có thể triển khai tên lửa tầm ngắn và tầm trung tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương trong phản ứng với các hành động của Mỹ.
Tổng thống Bulgaria thăm Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam, trào dâng cảm xúc người lính DUY LINH 25/11/2024 Tổng thống Bulgaria Rumen Radev, người từng là phi công tiêm kích rồi tư lệnh không quân, đã dừng hồi lâu trước chiếc MiG-21 số hiệu 5121 tại Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam.
Thủ tướng Campuchia bác thông tin thiếu vốn làm kênh đào Phù Nam Techo TRẦN PHƯƠNG 25/11/2024 Thủ tướng Hun Manet khẳng định không có bất cứ trở ngại nào về vốn trong việc triển khai dự án kênh đào Phù Nam Techo của Campuchia.