Trở về từ biển cả - Kỳ 6:
Lễ đón hài cốt những liệt sĩ Trường Sa hi sinh ngày 14-3-1988 được tổ chức trọng thể khi tàu Trường Sa 21 vừa cập cảng Cát Lở (thành phố Vũng Tàu). Cùng lúc này, Tổng cục Hậu cần - Bộ Quốc phòng đã giao nhiệm vụ cho Viện Pháp y quân đội phối hợp với cơ quan nghiệp vụ của quân chủng hải quân lấy mẫu vật phẩm phục vụ công tác giám định ADN.
Phóng to |
Hành trình mong đợi
Trong số 64 cán bộ chiến sĩ hi sinh trong cuộc chiến ngày 14-3-1988 có 56 liệt sĩ của tàu HQ 604. Hơn 20 năm qua, có thể nhiều gia đình đã chuyển đi nhiều nơi sinh sống. Để lấy mẫu máu xác định ADN cho liệt sĩ thì phải lấy từ người thân cùng huyết thống. Quê quán của 56 liệt sĩ lại trải rộng trên nhiều miền đất nước, ở hơn 20 tỉnh thành. Đoàn công tác đi lấy mẫu vật phẩm của các thân nhân liệt sĩ đã được quân chủng và Viện Pháp y quân đội thành lập khẩn trương tiến hành ngay công việc.
"Từ khi biết Quyết hi sinh ở Trường Sa, thương con nằm dưới biển lạnh nên mạ tui khóc đến lòa con mắt..." |
Hôm các cán bộ cơ quan quân y về lấy mẫu máu của anh Tống Sĩ Kỳ, anh trai liệt sĩ Tống Sĩ Bái và Hoàng Ánh Phương, em ruột liệt sĩ Hoàng Ánh Đông hiện sống ở thành phố Đông Hà (Quảng Trị), gặp chúng tôi, ông Hoàng Sĩ - bố của Hoàng Ánh Đông - bảo từ hôm đó, ngày nào ông cũng thắp nhang trên bàn thờ con trai mình với niềm hi vọng trong số những mẩu xương cốt được mang về từ vùng biển Cô Lin kia sẽ có, dù một mẩu nhỏ nhoi, xương cốt của Đông.
Mẹ liệt sĩ Tống Sĩ Bái cũng mang tâm nguyện như vậy khi biết quân chủng hải quân sẽ công bố danh tính các liệt sĩ sau khi xét nghiệm ADN đối chứng các mẩu vật phẩm.
Còn anh Trần Văn Phú, anh trai liệt sĩ Trần Văn Quyết, ở xã Quảng Thủy (Quảng Trạch, Quảng Bình), nói: “Từ khi biết Quyết hi sinh ở Trường Sa, thương con nằm dưới biển lạnh nên mạ tui khóc đến lòa con mắt. Theo phong tục dân gian lâu nay, gia đình tui đã lấy thân cây dâu tằm làm xương, lấy gáo dừa làm sọ, coi như tượng trưng hình hài của chú Quyết để đặt trong ngôi mộ ở nghĩa trang liệt sĩ xã. Rồi tuổi già mang cả cha mạ tui đi, trước khi nhắm mắt mạ tui cứ khắc khoải thương đứa con trai đã nằm lại giữa Trường Sa”.
Có 56 gia đình đã khấp khởi chờ đợi như thế, khi mẫu máu của thân nhân liệt sĩ được mang ra khoa xét nghiệm Viện Pháp y quân đội. Và ngày công bố kết quả cũng đến. Từ những mẩu xương được đưa lên từ lòng biển, sau các xét nghiệm khoa học, danh tính của tám liệt sĩ trên tàu 604 đã được xác định.
Về giữa quê hương
Tám liệt sĩ được xác định tên tuổi là các anh Đoàn Đắc Hoạch, Nguyễn Thanh Hải (ở Hải Phòng), Nguyễn Minh Tâm, Trần Văn Phòng (ở Thái Bình), Hồ Văn Nuôi, Đậu Xuân Tư (ở Nghệ An), Trần Văn Quyết, Trần Quốc Trị (ở Quảng Bình).
Ngày 20-11-2009, xe của quân chủng hải quân đã về tận quê nhà các liệt sĩ đưa thân nhân và lãnh đạo địa phương đến hội trường Viện Pháp y quân đội, 1C Trần Thánh Tông (Hà Nội), dự lễ bàn giao hài cốt những người lính đã nằm lại cùng con tàu 604 giữa Trường Sa.
Không biết có ngẫu nhiên không mà tám liệt sĩ lại nằm đúng ở bốn tỉnh thành, mỗi tỉnh có hai liệt sĩ. Thành ra chuyến xe đưa các anh từ Viện Pháp y quân đội về quê ai cũng có bạn đồng hành.
Chúng tôi tìm đến nhà ông Đoàn Tuấn Nghĩa ở phường Nghĩa Xá, quận Lê Chân (thành phố Hải Phòng), ông là bố của liệt sĩ Đoàn Đắc Hoạch, một trong tám liệt sĩ xác định được danh tính sau khi xét nghiệm ADN.
Ông Nghĩa bảo tìm được hài cốt của con giữa lúc tưởng chừng đã tuyệt vọng khiến ông bà như khỏe hẳn ra. Anh Hoạch sinh năm 1959, từng gia nhập lực lượng công an từ năm 1980 và được sang giúp nước bạn Campuchia, đóng quân tại cảng Kampong Som những năm tháng đó. Sau khi từ Campuchia trở về, anh lại tham gia lực lượng hải quân thuộc lữ đoàn 125 (phiên hiệu đoàn tàu không số trước đây).
Khi xảy ra cuộc chiến bảo vệ Trường Sa năm 1988, anh Hoạch là thủy thủ trưởng của tàu 604, cấp bậc thượng sĩ. Trước đó anh đã điện báo cho gia đình sẽ nghỉ phép về quê ăn tết. Rồi nhiệm vụ đột xuất của chiến dịch CQ-88 đã đưa anh ra Trường Sa và vĩnh viễn không trở về.
Ông Nghĩa nói tuy gia đình rất vui với sự trở về của con mình, nhưng nghĩ tới sự mong ngóng của thân nhân những liệt sĩ là đồng đội con trai mình, ông cũng thấy niềm vui gia đình chưa thể trọn vẹn. Vợ ông Nghĩa thì bảo: Sau khi đón nhận hài cốt của Hoạch, đêm nào cũng nghe tiếng con nói trong mơ: “Mẹ ơi, con đã về đây!”...
Trên bàn thờ của liệt sĩ Hoạch có một biểu trưng bằng pha lê hình dáng như một tượng đài, trong khối pha lê long lanh ấy có một mẩu xương nhỏ nhoi của anh Hoạch, mẩu xương vốn được trích ra để xét nghiệm ADN và sau đó được đúc vào khối pha lê. Tám liệt sĩ hi sinh trên tàu 604 được xác định danh tính đều có tám khối pha lê đúc giữ mẩu xương chính mình như thế để trao cho gia đình.
Nhành dâu, gáo dừa thay hình hài liệt sĩ
Hôm xe của quân chủng hải quân đưa hài cốt liệt sĩ Trần Văn Quyết về với quê nhà ở thôn Nam Thủy, xã Quảng Thủy (Quảng Trạch, Quảng Bình), ông Trần Văn Phú, anh trai liệt sĩ Quyết, mừng đến không thể khóc nổi. Nhành dâu và cái gáo dừa theo nguyên lý “thân: dâu, đầu: gáo” (thân người làm bằng cây dâu, sọ người thay bằng gáo dừa) để thay hình hài không tìm được của liệt sĩ Quyết trong ngôi mộ ở nghĩa trang liệt sĩ xã đã được thay bằng chính hài cốt vừa tìm thấy từ biển Trường Sa của liệt sĩ Trần Văn Quyết - người lính binh nhì của trung đoàn công binh 83.
Đồng hương của Quyết, cũng là đồng đội ở lữ đoàn công binh 83, cùng hi sinh với con tàu 604 - liệt sĩ Trần Quốc Trị, quê xã Đồng Trạch, Bố Trạch, Quảng Bình, là một trong tám liệt sĩ may mắn được tìm thấy hài cốt trong đợt này. Cũng như ba mẹ liệt sĩ Quyết, ông Trần Nậy và bà Phan Thị Ngạn, bố và mẹ liệt sĩ Trị, đã không chờ được đến ngày con trai mình về được đất mẹ từ biển khơi xa xôi. Hai ông bà đã ra đi trong nỗi chờ mong vô vọng...
Tin bài liên quan:
Kỳ 1: Kỳ 2: Kỳ 3: Kỳ 4: Kỳ 5:
__________
Một mẩu hài cốt nhỏ cũng là nỗi khát khao của thân nhân liệt sĩ trong con tàu 604, bao giờ tất cả các anh được trở về trọn vẹn?
Kỳ tới: Biển xanh còn đó các anh nằm
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận