05/01/2020 09:25 GMT+7

Mẹ ơi, chắc con bất hiếu cả kiếp này rồi...

MINH TÂM
MINH TÂM

TTO - Khi thẩm phán thẩm vấn, bị cáo trả lời rằng do bà V. đòi tiền phòng cao hơn giá niêm yết 70.000 đồng, khiến mình không dằn được cơn giận nên mới đâm chết người.

Mẹ ơi, chắc con bất hiếu cả kiếp này rồi... - Ảnh 1.

Bị cáo Trương Công Bằng, 31 tuổi, ngồi trước bục xử của TAND tỉnh Vĩnh Long. Băng ghế phía sau, bên trái là ông Thạch - cha bị cáo, với mái đầu bạc rủ xuống khiến gương mặt càng thêm u tối. Kế bên là bà Thạch - mẹ bị cáo, mặc bộ đồ bà ba cũ, dáng gầy rạc hằn nét nhọc nhằn khổ đau. Băng ghế bên phải là chồng và con nạn nhân là ông Nguyễn Văn Sáng và anh Nguyễn Ngọc Thuận. Trong đôi mắt họ tràn ra những tia đau đớn tột cùng.

Thảm cảnh

Chân dung bị cáo dần hiện ra qua diễn tiến tại phiên tòa. Học hết lớp 6, Bằng nghỉ học, ở nhà phụ giúp gia đình. Sau đó đi nghĩa vụ quân sự. Xuất ngũ, Bằng lập gia đình và ở bên gia đình vợ. Hôn nhân gãy đổ, Bằng trở về nhà cha mẹ ruột rồi đi làm thuê, làm mướn kiếm sống.

Khoảng 11h của ngày định mệnh đó, Bằng đến thuê phòng nghỉ tại nhà trọ do bà N.T.T.V. (51 tuổi) làm chủ. Đến khoảng 15h cùng ngày, Bằng trả phòng, khi tính tiền thì xảy ra mâu thuẫn với bà V. nên Bằng dùng dao đâm bà V. chết. Sau đó Bằng lấy 375.000 đồng và máy tính bảng của bà V. đem bán được 700.000 đồng rồi bỏ trốn, nhưng bị cơ quan chức năng bắt giữ.

Khi thẩm phán thẩm vấn, bị cáo trả lời rằng do bà V. đòi tiền phòng cao hơn giá niêm yết 70.000 đồng, khiến mình không dằn được cơn giận nên mới đâm chết người. Chủ tọa thở dài: "Chỉ chênh lệch vài chục ngàn đồng mà bị cáo đâm chết một mạng người. Đó là chưa kể mạng của bị cáo, nếu hôm nay bị cáo bị tuyên mức án cao nhất thì sao?".

Ngồi nghe luận tội con mình, nỗi lo âu pha nét hốt hoảng tràn trên gương mặt sạm đen lam lũ của bà Thạch. Khi được tòa cho phát biểu, giọng bà Thạch run run: "Sau khi ly hôn, con tôi không đủ bản lĩnh để vượt qua nên mới trượt dài, bất cần đời như vậy. Phần tôi thương con nhưng không biết cách dạy con".

Theo lời bà Thạch, hôm định mệnh đó Bằng về nhà chơi rồi xin tiền, bà cho 200.000 đồng. Tuy vẫn cho tiền nhưng kèm theo là những lời mắng nhiếc khiến Bằng giận dỗi bỏ đi rồi thuê phòng ngủ nên mới xảy ra cớ sự. Rồi bà xin tội cho con: "Lỗi tại tôi không biết dạy con. Xin tòa xem xét giảm nhẹ cho nó còn con đường sống. Tôi cảm ơn cả đời". 

Đến lượt mình, anh Thuận đứng lên, nước mắt giàn giụa nhưng quyết liệt: "Mẹ tôi hiền lành, rất nhiều lần giúp đỡ mọi người, phát thuốc miễn phí. Tâm nguyện duy nhất lúc mẹ còn sống là hiến xác cho y học, nhưng giờ mẹ đến cơ thể không còn nguyên vẹn. Mẹ tôi không thể thực hiện ước nguyện cuối cùng, cho nên hôm nay tôi không muốn giảm nhẹ bất cứ điều gì cho bị cáo".

Kiểm sát viên nhận định rằng bị cáo đã thực hiện liên tục nhiều hành vi mang tính chất đặc biệt nghiêm trọng, vừa giết người liền sau đó cướp tài sản của nạn nhân nên đề nghị mức án tử hình. Không gian như đông đặc lại, gương mặt bị cáo nhợt nhạt. Cha mẹ bị cáo gục vào nhau nấc lên từng chặp.

Giờ nghị án, bà Thạch xin phép bảo vệ phiên tòa được trò chuyện với con. Giọng bà đứt quãng: "Con ơi, hành động chi nông nổi, giờ làm sao còn thân để mẹ gặp con... Mẹ đã nói con là thôi lấy vợ khác đi, mà không chịu nghe. Cứ sống kiểu bất cần đời như vậy rồi gây ra họa. Mẹ vừa được mấy cậu con cho 600.000 đồng, giờ mẹ cho con hết để ở trỏng tiêu xài. Nhớ thèm cái gì, nói mẹ nấu đem vô ăn để không còn dịp ăn nữa...". 

Đứa con ngồi gục xuống, ứa những giọt nước mắt, nói với mẹ lời hối hận muộn màng: "Mẹ ráng giữ sức khỏe, chắc con bất hiếu cả kiếp này rồi".

Tòa tuyên án chung thân và buộc bị cáo phải bồi thường trên 286 triệu đồng cho gia đình nạn nhân. Nghe được thoát án tử, gương mặt bị cáo giãn ra nhưng rồi rất nhanh lại cụp xuống, u tối buồn bã. 

Phiên tòa kết thúc, bị cáo bị dẫn giải ra xe. Nhiều người dự khán nhìn theo, bồi hồi pha lẫn trách móc bị cáo, phải chi làm chuyện gì cũng lường trước hậu quả thì đâu đến nỗi đẩy bản thân mình vào cảnh tù tội, gây nên thảm cảnh tang thương cho gia đình người khác.

"Nhớ hoài năm nào mẹ gian nan..."

Hàng xóm nhà ông Thạch ai cũng thương cảm cho vợ chồng ông hiền lành, chí thú làm ăn, Vì nghèo, quần quật mưu sinh mà dạy con không đến nơi đến chốn. Tôi bước vào nhà, thấy ông bà Thạch ngồi thẫn thờ với ánh mắt buồn mênh mang.

Ông kể cho tôi bằng từng lời mòn rã: "Vợ chồng tôi làm thuê, làm mướn nuôi 3 đứa con, rồi dựng vợ gả chồng cho tụi nó. Hai đứa lớn tuy nghèo nhưng hiếu thảo. Thằng Bằng trước cũng vậy nhưng sau hôn nhân đổ vỡ tâm tính nó thay đổi, dễ cáu gắt. Rồi nó bỏ quê lên thành phố làm bảo vệ cho một công ty. 

Chốn thị thành, nó sa đà vào số đề, thua nhiều nên lương tháng không đủ sống, thỉnh thoảng lại về xin tiền. Vợ tôi tuy la rầy nhưng lần nào cũng vét túi vài trăm ngàn cho nó". Cứ vậy, cuộc sống của vợ chồng ông trôi qua trong buồn rầu mệt mỏi rồi dâng lên thành cơn hoảng loạn khi con gây ra án mạng.

Kể từ ngày hôm đó, nỗi lo sợ khiến căn bệnh phổi mãn tính của bà Thạch chuyển biến nặng, phải liên tục nằm viện. Phần ông, mỗi ngày đi chở phân bò hoặc vác đất thuê kiếm sống, chắt chiu nuôi vợ.

Vợ chồng tôi sợ không có 286 triệu đồng đền cho phía bị hại thì con sẽ không được giảm án. Như vậy suốt cả đời nó phải sống trong chốn lao tù.

Ông Thạch, cha bị cáo Bằng

Từng giọt nước mắt đặc quánh lại ứa ra khiến ông nghẹn lời: "Thật xấu hổ, gia đình người ta đông con, người ta dạy được. Còn mình ít con, dạy nó hoài nhưng nó không nghe, để gây thảm cảnh cho người ta, khiến gia đình họ phải chia lìa, để cuối cùng vợ chồng tôi phải sống trong cảnh tủi hổ với thiên hạ".

Dù không phải lỗi của mình, nhưng từ hôm bà V. mất, hai cha con ông Sáng cứ sống trong sự dằn vặt vì không bảo vệ được người phụ nữ thân yêu nhất. Thuận buồn bã: "Mẹ vất vả cả đời lo cho gia đình, đến tuổi gần về chiều chưa hưởng được gì cả lại chết thảm như vầy". 

Để an ủi vong linh người đã mất nên gia đình xây thêm phía sau nhà nghỉ một gian rộng rãi, khang trang làm nhà mồ và đặt cả tivi cùng dàn karaoke ở đó. Mỗi tối, cả nhà quây quần xem tivi bên cạnh mộ bà, rồi thỉnh thoảng họ hát karaoke, những bài bolero mà bà thích nghe khi còn sống.

Nói xong, anh Thuận bật karaoke hát bài Tình mẹ trong tiếng nấc nghẹn: "Nhớ hoài năm nào mẹ gian nan dãi nắng dầm sương, nhọc nhằn chăm lo cho đàn con, miếng ăn giấc ngủ từng đêm".

Người đàn ông 33 tuổi quỳ xuống ôm mộ mẹ khóc nức nở như đứa trẻ: "Mẹ ơi! Giờ con biết tìm mẹ nơi đâu". 

Khi vung dao có thấy dáng còm cõi của mẹ không?

Chủ tọa phiên tòa hỏi bị cáo Bằng: "Bị cáo làm lương tháng bao nhiêu? Bị cáo có giúp đỡ cha mẹ hoặc cấp dưỡng tiền nuôi con không?". Bằng nói mỗi tháng hơn 4 triệu đồng, không đủ trang trải cuộc sống nên thỉnh thoảng có về xin tiền cha mẹ.

Thẩm phán trách: "Cha mẹ già đi làm mướn làm thuê, bị cáo không những không lo được cho cha mẹ mà còn gây buồn khổ cho cha mẹ. Khi vung dao lên, bị cáo có thấy mái đầu bạc xơ xác của cha không? Có thấy dáng còm cõi của mẹ không? Phàm làm việc gì bị cáo cũng phải nghĩ đến người thân chứ!".

Bằng im lặng.

'Mẹ đi tù rồi, ai nấu cơm con ăn?'

TTO - 'Mẹ đi tù rồi, ai nấu cơm con ăn?' - câu hỏi xé lòng của một đứa trẻ 8 tuổi, khi mẹ sắp phải xa nó một thời gian. Bị cáo trong lúc tức giận đã chặt 15 cây mãng cầu xiêm trong vườn anh ruột mình. Người anh ruột báo công an...

MINH TÂM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên