28/12/2016 11:08 GMT+7

“Mẹ ơi, cất điện thoại chơi với con chút thôi”

HUỲNH THẢO
HUỲNH THẢO

TTO - Đang say sưa cầm điện thoại đọc báo, tiếng kêu của cô con gái ba tuổi rưỡi khiến tôi bỗng giật mình: “Mẹ ơi, mẹ cất điện thoại đi, chơi với con chút thôi mà”. Lời năn nỉ của con khiến tôi cảm thấy có lỗi.

Thì ra, tôi đã “bỏ rơi” con trong chính ngôi nhà của mình để chúi mũi vào điện thoại.

Thỉnh thoảng, buổi tối sau khi cho con ăn và rửa chén xong, trong khi con ngồi với đống đồ chơi, tôi ôm lấy điện thoại nằm trên ghế như cách để thư giãn. Thật ra tôi biết đó không phải là cách thư giãn hay vì chúi mũi vào điện thoại chỉ khiến mắt thêm mỏi, ấy vậy mà lại “ghiền”.

Trong khi bản thân tôi hạn chế cho con tiếp xúc với điện thoại và ipad, nhưng tôi tự nhận thấy mình hay ôm lấy điện thoại để đọc nốt một bài báo, hay theo dõi sự kiện đang trực tuyến hoặc chát với vài người bạn...

Có hôm, tôi ngẩng lên nhìn thấy, mọi người trong gia đình cũng đang chúi mũi vào điện thoại. Mỗi người một góc, không khí yên ắng vô cùng. Con gái ngồi chơi một mình, nhìn quanh rồi nói: “Ba một cái điện thoại, mẹ một cái điện thoại. Con không có cái nào hết”.

Đáng lý, cả ngày con ở trường, ba mẹ đi làm thì buổi tối là thời gian cả nhà trò chuyện với nhau. Con có biết bao nhiêu chuyện ở lớp cần kể, có bài hát, bài thơ mới học diễn cho ba mẹ xem thì người lớn lại chúi mũi vào điện thoại.

Tôi giật mình khi nhận ra tuần qua, con đã hơn hai lần nói với mẹ: “Mẹ ơi, mẹ cất điện thoại đi, ngồi xuống chơi với chút thôi mà”. Lời năn nỉ của con khiến tôi cảm thấy áy náy và có lỗi với con.

Tôi biết mình cần phải chơi với con, mình cần phải nói chuyện với con nhiều hơn nên đã cất điện thoại đi. Thế nhưng, chỉ một lát sau lại táy máy cầm đến, lòng nhủ thầm xem có tin nhắn gì không thôi.

Hôm chở con đi học về, hai mẹ con ghé vào tiệm đồ chơi. Con lựa cho mình một cái điện thoại đồ chơi. Trời ơi, về nhà con háo hức, con nằm trên giường cũng bấm bấm rồi gọi gọi, hành động y hệt người lớn.

Làm sao đây, khi công nghệ ngày càng hiện đại và chúng ta quá mức phụ thuộc vào thiết bị. Mọi thứ từ email, trang web, trang cá nhân... đều lưu mật khẩu, chỉ cần chạm tay vào là mở ra. Tiện lợi đến nỗi chúng ta không để cho não hoạt động vì đã có máy móc ghi nhớ. Đến nỗi, điện thoại bị hư là mọi thứ rối tung vì chẳng nhớ nổi một mật khẩu...

Tôi đi ăn sáng, thấy anh tài xế taxi hớt hải chạy vào quán ăn. Tưởng anh có việc gì gấp, thì ra anh ngồi vào bàn lấy điện thoại ra mở xem phim. Trời ơi, ăn chi mà khổ, miệng thì ăn mà mắt thì dán vào điện thoại bé tí.

Làm sao đây khi công nghệ ngày càng hiện đại và chúng hấp dẫn đến nỗi lẽ ra chúng ta phải được thư giãn thoát khỏi máy móc thì cứ bị buộc chặt vào chúng. Và những đứa trẻ con cảm thấy lạc lõng trong gia đình, đến nỗi phải năn nỉ ba mẹ chơi cùng với con.

Ra quán cà phê, không thiếu cảnh bàn thì người lớn mải mê trò chuyện để con ngồi với điện thoại. Bàn thì ai cũng ôm lấy điện thoại để con loay hoay một mình.

Hay là tôi đổi lại dùng điện thoại “cùi bắp” không lướt web, facebook hay zalo gì hết, chỉ nghe và gọi thì không phải tốn nhiều thời gian cho nó. Có thể vậy mà hay, mắt không phải điều tiết thêm, lưng, cổ bớt mỏi. Quan trọng là dành nhiều thời gian cho con hơn. 

Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả. Nhằm góp thêm nhiều góc nhìn trong cách nuôi dạy, giáo dục nhân cách trẻ nhỏ, chuyên mục Bạn đọc tâm sự chờ đón những chia sẻ, câu chuyện, ý kiến của mọi người.

Mời bạn gởi ý kiến của mình trong phần BÌNH LUẬN dưới bài viết hoặc email về địa chỉ: [email protected]. Cảm ơn bạn!

 

 

HUỲNH THẢO
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên