Khi cha mất, người con muốn đưa cha về nhà mình để thờ, thế là người mẹ nổi giận viết giấy từ con và kiện đòi tiền công nuôi dưỡng.
Vụ kiện khá hi hữu trên giữa nguyên đơn là bà Hà Thị Q. (67 tuổi) và người con nuôi là anh Hoàng Ngọc L. (48 tuổi, cùng ngụ tại thị trấn Đoan Hùng, huyện Đoan Hùng), được TAND huyện Đoan Hùng xét xử vào cuối năm 2018.
Tức giận, từ mặt con nuôi
Theo hồ sơ vụ kiện, năm 1974 bà Q. và chồng là ông Hoàng Văn T. (ông T. đã mất năm 2004) nhận anh Hoàng Ngọc L. làm con nuôi. Việc nhận anh L. làm con nuôi được chính quyền địa phương xác nhận. Sau khi được nhận nuôi, anh L. sống chung với vợ chồng bà Q. và được nuôi nấng, dạy dỗ, chăm sóc.
Khi anh L. trưởng thành, vợ chồng bà Q. dựng vợ gả chồng cho anh L. và cho anh ra ở riêng. Tuy nhiên, theo bà Q., mặc dù vợ chồng bà yêu thương anh L. như vậy nhưng anh lại đối xử với bà không tốt.
Do đó, năm 2017 bà Q. đã làm đơn khởi kiện ra TAND huyện Đoan Hùng yêu cầu chấm dứt việc nuôi con nuôi đối với anh L. và đã được tòa chấp nhận.
Sau khi xét xử, tòa đã ra quyết định chấm dứt việc nuôi con nuôi theo yêu cầu của bà Q. và đã có hiệu lực pháp luật.
Sau khi tòa tuyên chấm dứt quan hệ mẹ con, vì lúc này anh L. đã trưởng thành, mẹ nuôi không còn muốn duy trì quan hệ mẹ con nữa. Tuy nhiên, sau quyết định chấm dứt quan hệ mẹ nuôi và con nuôi thì bà Q. tiếp tục kiện anh L. ra tòa yêu cầu trả tiền công nuôi dưỡng và những tài sản mà bà đã cho anh L. khi anh ra ở riêng.
Cho gì, đòi nấy
Cụ thể, theo nội dung đơn khởi kiện, bà Q. yêu cầu anh L. phải trả lại cho bà 6 cánh cửa gỗ lim trị giá 20 triệu đồng, 1 giường gỗ nghiến trị giá 5 triệu đồng và tủ búp-phê bằng gỗ lát trị giá 15 triệu đồng cùng di ảnh ông T. (chồng bà Q. đã mất). Ngoài những tài sản trên, bà Q. còn yêu cầu anh L. phải hoàn cho bà 500 triệu đồng tiền công nuôi dưỡng anh từ nhỏ đến khi trưởng thành.
Tuy nhiên, đến ngày mở phiên tòa, bà Q. rút lại một phần nội dung khởi kiện, không đòi anh L. phải trả các tài sản nữa, mà chỉ yêu cầu anh phải trả cho bà 500 triệu đồng tiền công nuôi dưỡng.
Còn theo trình bày của anh L. là sau khi được nhận làm con nuôi của ông T. và bà Q. thì chỉ có ông T. đối xử tốt với anh, còn bà Q. luôn phân biệt đối xử giữa anh và con riêng của bà khiến anh rất buồn. Anh cũng không được cho đi học nhiều, mà phải nghỉ sau khi học xong cấp II, rồi phải đi làm thuê để kiếm sống.
Sau khi anh trưởng thành, lấy vợ thì bà Q. không có tài sản gì cho anh. Còn việc bà Q. đòi anh trả 500 triệu đồng tiền công nuôi dưỡng thì anh không đồng ý. Bởi việc đòi tiền công chăm sóc, nuôi dưỡng này trái với đạo đức của người làm mẹ. Do đó, anh L. không đồng ý trả số tiền 500 triệu đồng này.
Đối với một số tài sản mà bà Q. đã khởi kiện, anh L. cho rằng khi bà Q. xây nhà thì 6 cánh cửa gỗ của nhà cũ không dùng đến nữa nên anh mang về sử dụng. Chiếc giường gỗ nghiến là giường của ông T. nằm đến khi chết, mà theo phong tục địa phương thì giường đó sẽ đốt đi. Đến bây giờ anh L. cũng không biết chiếc giường ấy ở đâu.
Riêng tấm ảnh thờ của ông T. thì anh L. cho rằng đây là ảnh mà anh tự đi phóng, rửa ra để thờ, nên cũng không phải là ảnh của bà Q. sở hữu.
Tuy nhiên, bởi bà Q. đã rút các yêu cầu này nên anh L. cũng không có ý kiến gì. Anh chỉ muốn trình bày thêm để hội đồng xét xử hiểu.
Yêu cầu trái pháp luật, trái đạo đức
Sau khi xem xét yêu cầu của nguyên đơn và trình bày của bị đơn, hội đồng xét xử đã không chấp nhận yêu cầu của bà Q. về việc đòi tiền công nuôi dưỡng trên. Bởi hội đồng xét xử cho rằng theo quy định của Luật hôn nhân và gia đình từ các năm 1959, 1987, 2000, 2014 và Luật nuôi con nuôi: "Cha mẹ (kể cả cha nuôi, mẹ nuôi) có quyền và nghĩa vụ thương yêu con, tôn trọng ý kiến của con; chăm lo việc học tập, giáo dục để con phát triển lành mạnh về thể chất, trí tuệ, đạo đức, trở thành người con hiếu thảo của gia đình, công dân có ích cho xã hội. Cha mẹ cùng nhau chăm sóc, nuôi dưỡng con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình".
Như vậy, việc trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con là quyền và nghĩa vụ của cha mẹ đối với con. Không có quy định nào buộc con phải trả tiền công nuôi dưỡng cho cha mẹ hoặc ngược lại. Đồng thời, hội đồng xét xử cũng nhấn mạnh rằng yêu cầu của bà Q. là trái pháp luật, trái với phong tục tập quán, đạo đức, truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc Việt Nam. Do vậy, yêu cầu này không thể được chấp nhận.
Chú đòi công nuôi cháu
TAND tỉnh Điện Biên cũng vừa xét xử một vụ án đòi tiền công nuôi dưỡng của chú ruột đối với cháu. Cụ thể, nguyên đơn là ông Đ. được anh trai là ông H. giao lại cho toàn bộ đất đai, ruộng vườn, gia súc, gia cầm cùng hai đứa con của mình cho ông Đ. chăm sóc. Ông Đ. thu lợi hoa màu trên đất, gia súc, gia cầm để nuôi hai cháu, còn vợ chồng ông H. sang Lào làm ăn.
Sau mấy năm làm ăn ở Lào, vợ chồng ông H. trở về nhà muốn xin lại toàn bộ đất đai, ruộng vườn và tài sản (vẫn đứng tên ông H.) nhưng ông Đ. không chịu. Sau đó, ông Đ. khởi kiện ra tòa án yêu cầu ông H. phải trả mình mỗi ngày 100.000 đồng tiền công nuôi dưỡng cháu và tiền trông nom, chăm sóc nhà cửa, vườn tược.
Xét xử, TAND huyện Điện Biên Đông đã tuyên buộc ông H. phải trả tiền công nuôi dưỡng con mình cho ông Đ. mỗi tháng là 1,3 triệu đồng trong thời gian hơn 70 tháng. Tuy nhiên, do bản án sơ thẩm có nhiều sai sót về tố tụng, nên TAND tỉnh Điện Biên đã hủy để thu thập chứng cứ và xét xử lại.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận