Sữa mẹ thanh trùng trong ngân hàng sữa mẹ được chứng minh an toàn với trẻ ngay thời điểm dịch COVID-19 bùng phát. Trong ảnh: Trẻ sinh non tại Bệnh viện Từ Dũ TP.HCM được truyền sữa mẹ - Ảnh: DUYÊN PHAN
Đây là kết quả nghiên cứu trong đề tài "Tác động của ngân hàng sữa mẹ lên thực hành nuôi dưỡng trẻ sơ sinh" của TS.BS Trần Thị Hoàng (Bệnh viện Phụ sản - nhi Đà Nẵng) được báo cáo trong hội nghị dinh dưỡng vừa được tổ chức tại TP.HCM.
Theo TS Hoàng, sự ra đời của các ngân hàng sữa mẹ là nguồn cấp dinh dưỡng quan trọng cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, đồng thời cũng là giải pháp hiệu quả nhất trong việc phòng ngừa tử vong và bệnh tật trẻ em.
Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 bùng phát toàn cầu, sữa mẹ thanh trùng trong ngân hàng sữa mẹ tiếp tục phát huy vai trò khi cho kết quả nghiên cứu là an toàn khi thay thế sữa người mẹ bị nhiễm COVID-19 bị bệnh nặng, không thể cho trẻ bú hay vắt sữa.
Cụ thể, nghiên cứu mẫu sữa thô được trộn với SARS-CoV-2 sống, sau đó thanh trùng, kết quả cho thấy virus corona bị bất hoạt hoàn toàn.
"Sữa mẹ thanh trùng được chứng minh an toàn với trẻ ngay trong thời điểm dịch COVID-19 bùng phát. Qua đó, sữa này được sử dụng để thay thế sữa mẹ trong thời gian bà mẹ nhiễm COVID-19 bị bệnh nặng, không thể cho trẻ bú hay vắt sữa" - TS Hoàng kết luận.
Theo số liệu thống kê, tại Hoa Kỳ có 26.364 phụ nữ mang thai nhiễm COVID-19 (tính đến 13-10). Tại Việt Nam đã có hai sản phụ nhiễm COVID-19 sinh con.
Riêng trẻ sơ sinh đầu tiên ra đời từ bà mẹ nhiễm COVID-19 tại Đà Nẵng đã được bổ sung sữa mẹ thanh trùng trong hai ngày đầu do mẹ chưa cung cấp đủ sữa cho trẻ. Trẻ đã bú sữa mẹ hoàn toàn vào cuối ngày thứ hai và duy trì cho đến nay. Kết quả xét nghiệm PCR cho kết quả trẻ âm tính với SARS-CoV-2.
Các nghiên cứu gần đây cho thấy chưa có bằng chứng về khả năng lây truyền SARS-CoV-2 từ mẹ sang con trong quá trình mang thai, hay mẹ nhiễm virus trong thời gian mang thai có thể gây ra tình trạng dị tật bẩm sinh. Người ta cũng không tìm thấy SARS-CoV-2 qua xét nghiệm rau thai, máu cuống rốn, nước ối hay sữa mẹ.
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), ước tính hằng năm có trên 80.000 ca tử vong ở trẻ em dưới 5 tuổi có thể phòng ngừa được nếu việc nuôi con bằng sữa mẹ được đẩy mạnh tại các quốc gia. Tuy vậy vẫn còn nhiều trẻ kém may mắn, không bú được sữa mẹ đẻ trong những ngày đầu đời, khiến trẻ dễ bị tổn thương.
Ngân hàng sữa mẹ đầu tiên ở Việt Nam ra đời tại Bệnh viện Phụ sản - nhi Đà Nẵng vào tháng 2-2017. Đến nay cả nước có 3 ngân hàng sữa mẹ và 1 ngân hàng sữa mẹ vệ tinh tại Quảng Nam nhằm tuyển chọn bà mẹ hiến tặng, thu nhận sữa, sau đó xử lý, sàng lọc và phân phối sữa mẹ chất lượng và an toàn đến các trẻ có nhu cầu.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận