25/05/2017 11:30 GMT+7

Mẹ Mai kể chuyện Thiện Nhân

PHẠM VŨ
PHẠM VŨ

TTO - Dẫu có may mắn quen thân với Trần Mai Anh, dẫu đã nhiều lần đi chơi với Thiện Nhân và Minh lớn, Minh bé, tôi vẫn cứ cuốn theo những câu chuyện mà tác giả kể.

Sách do NXB Kim Đồng ấn hành - Ảnh: P.Vũ

Đó là hành trình của mấy mẹ con, bà cháu đi vòng quanh thế giới, vượt qua khó khăn, đau đớn, nhọc nhằn để tìm lại “con chim xinh xinh” cho Nhân.

Hành trình Nhân ngày một lớn lên, lúc nghịch ngợm lúc đĩnh đạc, lúc dũng cảm lúc nhõng nhẽo, tràn đầy khát vọng và tình cảm; hành trình làm một người mẹ với sứ mệnh mỗi ngày mỗi lớn của Mai Anh, đến khi được coi là người mẹ vĩ đại của hàng trăm đứa trẻ bị khiếm khuyết bộ phận sinh dục thì vẫn cứ là “mẹ Còi”.

Hành trình ấy được kể qua giọng văn ngọt dịu tình mẹ của chị, những đoạn ngắn được ghi chép sau một ngày mệt nhoài với công việc, với đàn con, ghi trong những đêm mất ngủ vì lo lắng cho cơn đau của Nhân, ghi trong những bình minh của một ngày mới bộn bề.

Nguyên bản, nguyên vẹn, những con chữ cứ vậy chạy ra từ trái tim.

“Con khóc không phải vì cái kim truyền đau, không phải vì sợ hãi. Vẫn những giọt nước mắt lăn qua khóe mắt, nhưng trong đó có thêm sự mệt mỏi. Nhân la lên: “Mẹ ơi, con không thích đâu. Lâu lắm...”.

“Hãy hỏi tôi đi: “Trên cõi đời này âm thanh nào tuyệt vời nhất?”, tôi sẽ cho bạn biết tiếng nước tiểu phun mạnh thành tia kỳ diệu đến thế nào.

Bạn hãy hỏi tôi: “Cái gì trên đời này là đẹp nhất?”, tôi sẽ say sưa kể cho bạn nghe về vẻ đẹp đầy kiêu hãnh của “con chim xinh xinh”.

Tiếng nước tiểu thoát khỏi cơ thể đầy hào sảng. Hình hài của “con chim” mang đầy mãnh lực, hình thành trên cơ thể bằng máu, bằng nước mắt và bằng sự chịu đựng đến gai lòng”.

“Mẹ Mai vẫn nghĩ chuyện gì Nhân cũng kể với mẹ: ai nói gì, ai chỉ gì... Thế mà lại có một chuyện cu Nhân giấu kín một mình để thầm thì hỏi bà ngoại: - Bà ơi, tại sao mẹ Mai lại vứt cháu đi khi mới đẻ ra, để con thú rừng ăn chân của cháu? - Không đúng, ai bảo cháu vậy? - Thì... là người ta bảo cháu thế - Không phải, có con thú to đến bắt cháu đi, mẹ Mai phải đánh nhau mãi mới thắng mà cứu được cháu đấy.

Nhân hớn hở ngay: - Hải Minh ơi, là mẹ Mai đánh nhau với con thú cứu Nhân đấy, Hải Minh có nhìn thấy không?...”.

Năm năm đầu đời vừa dông bão vừa êm đềm của Thiện Nhân đã được ghi lại như thế trong Hành trình yêu thương.

Nay Nhân lớn rồi, đã có thể đọc tất cả những gì người lớn viết về mình, đã hiểu được tất cả những khuất khúc của số phận mình, hiểu hành trình dài - chậm - đau - mỏi mà mình và nhiều bạn khác đang cùng đi, hiểu được tình yêu bao la trong nắm tay gầy của mẹ...

Nếu đọc lại những trang viết của mẹ, hẳn Nhân sẽ bật cười với mình và rớm nước mắt với mẹ Mai, mẹ Na, bố Greig, với ông bà ngoại, hai anh Thiên Minh, Hải Minh.

Và những bố mẹ, những em bé khác nếu đọc sách sẽ theo dõi được cả một quá trình mà tình yêu thương ruột thịt đã sinh ra giữa những người không cùng huyết thống, tình yêu ấy cứ tự nhiên mà dày thêm, sâu thêm mỗi ngày.

Bao nhiêu bài học làm người, nên người cũng sinh ra từ đó.

Nhân đang lớn và hành trình Thiện Nhân, hành trình yêu thương, vẫn đang tiếp tục. “Mỗi ngày Nhân đều tham gia với bà, mẹ, chị Thư và anh Minh lớn việc soạn hồ sơ, đánh mã số, lên danh sách các bệnh nhi.

Được giao việc dán mã số, Nhân làm rất cẩn thận, dán từng cái, từng cái, cả trăm cái. Mẹ có khi không dám xem các ảnh chụp vết thương, nhưng Nhân xem tỉ mỉ, thở dài: “Lại một em nữa giống mình”. Hỏi Nhân có biết cả nhà đang làm việc gì không, Nhân bảo: “Vì các em cũng bị như con nên phải giúp...”.

PHẠM VŨ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên