Chính sự làm việc nhọc nhằn của cha, sự tảo tần và hi sinh của mẹ và nhất là ở thời khắc mẹ đi làm giúp việc nhà đã nung nấu trong tôi và các anh chị em ý chí nỗ lực trong cuộc sống, sống tốt, sống đẹp hơn.
7 năm trước, cha đột ngột ngã bệnh, mấy miệng ăn trong nhà không biết bấu víu vô ai. Mẹ gạt nước mắt, khăn gói bắt xe vô Nam chăm sóc cho bà dì họ hàng xa đang bị liệt nửa người với mong mỏi kiếm tiền cho tôi đi thi đại học.
"Tau vô Nam kiếm tiền cho mi đi thi đại học"
Ở cái dải đất miền Trung, đi giúp việc hay gọi sang hơn chút là "ôsin" là lựa chọn cuối cùng khi gia đình rơi vào túng quẫn.
Cha tôi, ông ngư dân hiền lành có sức vóc dẻo dai, bỗng đột ngột ngã bệnh. Ông tập tễnh trên đôi nạng, bước đi từng bước khó nhọc ngóng ra biển. Ông nhớ biển, nhớ thời trai tráng "ăn nghề" cả con thuyền lớn. Hễ ôn bài tập xong tôi cùng chị gái kè kè bên cạnh dìu cha tập bước đi. Dạo đó tôi đến chặng nước rút cho kỳ thi đại học quan trọng.
Cha đi biển tôi mới có tiền đi học. "Mi phải học, có học thì đời mi mới sướng hơn đời cha", hằng ngày cha vẫn ra rả những lời đó. Cái sự học nó ngấm vào mấy đứa trẻ miền Trung có chí, chúng nó thấm thía chỉ có học mới không phải đi biển như ông nó, cha nó hay thằng anh nó, còn đám con gái thì chỉ có đi học mới không bị buộc phải lấy chồng sớm.
Nhưng cha nghỉ biển, tôi vẫn phải đi học. Đôi bông tai ngoại để lại, mẹ đã bán từ ngày bà chị gái đầu bước vào cánh cổng đại học. Đến lượt bà chị thứ hai, mẹ viết giấy vay nợ. Đến chị thứ ba thì nhà khánh kiệt. Nhưng sự học của các con không thể ngừng, còn tôi, còn đứa bé út - mẹ nói chúng tôi cần phải học.
"Tau vô Nam kiếm tiền cho mi đi thi đại học, chị em bây ở nhà bảo ban nhau", mẹ nói rồi tối đó bắt xe đi thật. Cha ngồi đó, lặng lẽ. Nước mắt tôi lưng tròng nhưng không thể ngăn mẹ đi, vì tôi cần phải thi đại học.
Chúng tôi đã nên người
Mẹ vô giúp việc cho bà dì họ hàng xa bị liệt nửa người. Công việc hằng ngày của mẹ là chăm sóc, cho bà dì ăn uống, tắm rửa, giặt giũ quần áo. Trong điện thoại giọng cố nén mệt nhọc, mẹ cứ khoe bà dì thương mẹ lắm, "thỉnh thoảng gặp đôi ba người quen ở trỏng nên đỡ nhớ cha con bây ở nhà".
Mẹ đi giúp việc, mẹ làm ôsin. Mỗi lần vào bàn học, tôi luôn nhắc mình phải nhớ đến điều đó. Đó là nỗi đau, nhắc tôi luôn nhớ vì cần tiền gấp cho tôi mà mẹ phải rời cha con tôi đi giúp việc cho nhà người ta. Đó là tình thương, nhắc tôi luôn nhớ vì mẹ thương tôi, thương cả gia đình mà đi giúp việc cho người ta.
Tôi học quên ngày đêm. Đang ôn thi mà ngủ gật, tôi lại vùng dậy cầm lấy sách và đọc ngấu nghiến. Tôi phải đỗ đại học bằng bất cứ giá nào.
"Mẹ gửi về nơi chị 3 triệu cho mi đi thi đó", mẹ cuống quýt gọi về. Sau một tháng vô Nam, người ta trả cho mẹ chừng đó tiền công là mẹ gửi ngay về cho tôi kịp khăn gói ra Vinh (Nghệ An) thi đại học.
Rồi tôi đỗ đại học, đỗ cao. Tôi tức tốc về nhà, gọi điện thoại liền cho mẹ trong nước mắt: "Con đỗ rồi, mẹ về đi!". Hai mẹ con vừa mừng vừa tủi, cứ khóc như những đứa trẻ trong điện thoại. Cha cũng giục mẹ về liền vì thương. Một tuần sau mẹ bắt xe về lại nhà. Mẹ mang theo túi dừa khô mà tôi thích, kêu tôi gọi mấy đứa bạn đến chia vui tin con gái đỗ đại học.
Nhờ có khoản tiền của mẹ ngày đó, khoản tiền mẹ đi làm giúp việc nhà mà tôi có cơ hội được bước vào cổng trường đại học. Từ năm 3 đại học, tôi không còn xin tiền cha mẹ đóng học phí nữa. Vừa học vừa làm giúp tôi biết quý trọng đồng tiền, quý trọng công sức lao động của mình. Ngót nghét 7 năm, tôi đã ra trường được gần 3 năm, có công việc tạm ổn đúng chuyên ngành. Sức khỏe cha mẹ yếu dần, nhà có 5 đứa con lận nên chị em tôi bảo nhau mỗi tháng gom góp một ít nuôi đứa em út học đại học đỡ đần cha mẹ. Mấy tháng nữa cô Út sẽ nhận bằng tốt nghiệp ra trường.
Chưa có ai trong mấy chị em giàu sang nhưng bây giờ chúng tôi đều đủ lông đủ cánh, có công việc ổn định, có gia đình ở thủ đô. Chính sự làm việc nhọc nhằn của cha, sự tảo tần và hi sinh của mẹ và nhất là ở thời khắc mẹ đi làm giúp việc nhà đã nung nấu trong tôi và các anh chị em ý chí nỗ lực trong cuộc sống, sống tốt, sống đẹp hơn.
Từ ngày 24 đến 27-10, cuộc thi "Khoảnh khắc thay đổi đời tôi" đã nhận được bài của các tác giả: Ca Thị Lan Nhi, Nguyễn Tiến Thành, Vũ Thị Phượng Liên, Châu Hữu Bửu Lộc, Trần Thị Thà, Trương Ngọc, Nguyễn Hữu Bửu Châu (TP.HCM), Mai Khắc Kế, Nguyễn Xuân Hòa, Nguyễn Minh Tuấn, Nguyễn Duy Khánh (Hà Nội), Nguyễn Thị Thu Hiền (Đà Nẵng), Lê Nhật Lam (Đồng Nai), Hờ Minh Tuấn (Thái Nguyên), Phạm Thị Tuyết Hương, Trần Hoài Phong (Tiền Giang), Nguyễn Xuân Thảo (Đắk Lắk), Lê Đức Đồng (Sóc Trăng), Lê Tấn Ngọc, Nguyễn Thị Hồng Gấm...
Tuổi Trẻ tiếp tục chào đón bài dự thi của bạn đọc.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận