Cô nữ sinh 16 tuổi H.T N. là học trò lớp tôi chủ nhiệm. Em có khuôn mặt thanh tú và đầy cá tính. Nhìn phong cách ăn mặc, đặc biệt là chiếc điện thoại smartphone đắt tiền, không ai nghĩ em là con nhà nghèo. Sự thật thì những thứ đó do em đua đòi tạo vỏ bọc con nhà giàu trong mắt bạn bè ở trường, nhất là với bạn bè trên Facebook.
Và rồi em bị “lột trần” khi khoe trên “phây” đôi giày thời trang, một người bạn comment “tố”: “đồ mượn mà bày đặt khoe khoang, con nhà nghèo mà giỏi diễn”. Nổi đóa với bình luận đó của bạn, em chửi lại bạn với những lời lẽ văng tục, thiếu văn hóa. Thế là mâu thuẫn rồi hẹn nhau giải quyết. Em kêu một nhóm bạn, bên kia cũng vậy. Tan trường, hai phe gặp nhau “nói chuyện tay chân”, gây nên cảnh hỗn loạn trước cổng trường.
Nhà trường gửi thông báo cho gia đình, mời phụ huynh đến trường để phối hợp giáo dục học sinh về hành vi đánh nhau và sử dụng Facebook xúc phạm người khác. Ngồi trước mặt tôi là người phụ nữ tầm 40 tuổi, chị mang chiếc áo sẫm màu với gương mặt khắc khổ. Chị là mẹ của em H.T N..
Chị sụt sùi tâm sự: Nhà nghèo, ba cháu bỏ đi theo người phụ nữ khác, hai mẹ con côi cút với nhau. Chị làm nghề buôn thúng bán bưng ở chợ kiếm từng đồng bạc lẻ rất vất vả. Chị làm quần quật để nuôi con, bù đắp cho sự thiếu thốn tình cảm gia đình của con.
Con đòi hỏi gì chị cũng đáp ứng, từ đồ chơi, món ăn ngon, quần áo đẹp đến điện thoại đắt tiền... chỉ để con vui và không thua bạn kém bè.
Chị chỉ mong sự hi sinh của mình sẽ được con đáp lại bằng việc chăm ngoan, học giỏi. Không ngờ cháu lại ngỗ ngược đánh nhau như vậy khiến chị rất buồn lòng.
Nghe chị tâm sự, tôi không khỏi băn khoăn về tình yêu thương của đấng sinh thành dành cho con cái ngày nay. Chị cũng như nhiều bậc cha mẹ khác, rất yêu thương con nhưng tình yêu đó lại không đúng cách khi quá cưng chiều, đáp ứng mọi yêu cầu của con.
Sự yêu thương đó làm cho trẻ không thể trưởng thành, trái lại còn tạo cho trẻ nhiều tính xấu, sống ích kỷ, chỉ biết đến bản thân mình.
Những năm gần đây tôi để ý thấy phần lớn học sinh đều dùng điện thoại di động, đáng nói là rất nhiều em điều kiện kinh tế gia đình khó khăn nhưng vẫn sở hữu điện thoại smartphone đắt tiền, như trường hợp em N. lớp tôi là một điển hình.
Làm việc với phụ huynh, tôi chia sẻ chân thành là chị cần phải yêu thương đúng cách, không đáp ứng mọi yêu cầu của con, cần dạy cho con biết giá trị đồng tiền và giá trị của sức lao động.
Với học sinh, tôi tâm tình khuyên bảo rằng giá trị mỗi con người không nằm ở quần áo, điện thoại đắt tiền, thậm chí không ở sự giàu sang mà ở cách sống và nhân cách của người đó. Tôi mong phụ huynh, học sinh rút ra được bài học sau cú vấp lần này.
Những chuyện như thế này có nhiều trong đời sống xã hội hiện nay. Tôi cho rằng việc trẻ đua đòi chưng diện quần áo thời trang, sử dụng điện thoại đắt tiền, đi xe đẹp... lỗi một phần ở trẻ, còn chín phần thuộc về người lớn khi trong gia đình quá cưng chiều và xung quanh thì người lớn, nhất là truyền thông, mạng xã hội lại cổ xúy cho lối sống thực dụng, khoe mẽ sự giàu sang. Vì vậy, để trẻ trưởng thành phải bắt đầu từ người lớn!
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận