14/05/2021 08:21 GMT+7

Mẹ không mở lối đi, con phải chui rào

MẬU TRƯỜNG
MẬU TRƯỜNG

TTO - Dù tòa tuyên người mẹ phải mở lối đi vào vườn thanh long cho con gái của mình nhưng đã hơn 3 năm trôi qua kể từ khi bản án phúc thẩm có hiệu lực, vụ việc vẫn chưa có hồi kết.

Mẹ không mở lối đi, con phải chui rào - Ảnh 1.

Lối đi duy nhất vào đất của mình bị rào bằng lưới B40, bà Lệ phải trườn vào đất của mình - Ảnh: MẬU TRƯỜNG

Vườn thanh long cho thu nhập hàng trăm triệu mỗi vụ trước đây của người con chết dần chết mòn vì không thể đi vào để canh tác, chăm sóc. Muốn đi vào đất của mình, người con phải canh lúc trưa nắng vắng người và phải chui rào, trườn qua hàng rào B40 để vào.

Án tuyên hơn 3 năm vẫn chưa thi hành được

Theo bà Trần Thị Lệ, năm 2005 bà được UBND huyện Chợ Gạo (Tiền Giang) cấp hai thửa đất số 492 và 1433 (hiện đã thay đổi thành thửa 67) tại ấp Đăng Phong Trên, xã Đăng Hưng Phước, huyện Chợ Gạo, Tiền Giang.

Do thửa đất này không có lối đi thông ra đường công cộng nên bà Lệ đi nhờ ngang qua thửa đất số 36 của mẹ ruột là bà Cao Thị Bạch Loan. Tuy nhiên, đến năm 2017 bà Loan rào lưới B40 chắn ngang lối đi khiến bà Lệ không còn lối nào để đi vào đất của mình, nên bà đã khởi kiện yêu cầu bà Loan mở lối đi.

Tháng 9-2017, xét xử sơ thẩm, TAND huyện Chợ Gạo tuyên buộc bà Loan phải mở lối đi cho con gái với bề ngang 1,5m, dài 24,81m, đổi lại bà Lệ phải trả cho mẹ 7.438.000 đồng.

Không đồng ý, bà Loan kháng cáo. Tháng 1-2018, TAND tỉnh Tiền Giang xử phúc thẩm tuyên giữ y án sơ thẩm. 

Hội đồng xét xử cho rằng theo khoản 1, điều 254 Bộ luật dân sự thì "chủ sở hữu bất động sản bị vây bởi các bất động sản của các chủ sở hữu khác mà không có hoặc không đủ lối đi ra đường công cộng có quyền yêu cầu chủ sở hữu bất động sản vây bọc dành cho mình lối đi hợp lý trên phần đất của họ", nên việc mở lối đi cho bà Lệ là thấu tình đạt lý.

Vụ việc tưởng đơn giản lại hóa phức tạp

Mặc dù bản án đã có hiệu lực pháp luật và bà Lệ nhiều lần yêu cầu thi hành án, nhưng hơn 3 năm trôi qua bản án vẫn chưa được thi hành. Vì vậy, bà Lệ không thể vào đất của mình để trồng thanh long vì muốn trồng thanh long thì phải có đường để kéo điện, nước vào. 

Giờ đây muốn vào đất của mình, bà Lệ phải canh lúc trưa nắng để đi vì sợ phía nhà mẹ không cho đi. Ngoài ra, để vào được đất mình, bà Lệ phải trườn qua hàng rào lưới B40 của mẹ.

Bà Lệ còn cho biết thêm, sau khi bản án phúc thẩm có hiệu lực, không những cơ quan chức năng chậm thi hành án mà phía nhà bà Loan còn cho xây một bức tường, làm cổng rào trên lối đi công cộng nhưng chính quyền địa phương vẫn làm ngơ. 

Nghĩa là nếu cơ quan chức năng thi hành được bản án, buộc bà Loan mở lối đi xong thì bà Lệ vẫn phải đi qua cổng rào do bà Loan tự ý xây trên lối đi công cộng.

Một vụ việc tưởng chừng đơn giản, đã được tòa phân xử rõ ràng nhưng hơn 3 năm qua "khổ chủ" vẫn phải gõ cửa khắp nơi và hằng ngày vẫn phải trườn vào vườn thanh long của mình vì lối đi bị bít kín.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Phạm Văn Hân - cục trưởng Cục Thi hành án dân sự tỉnh Tiền Giang - cho biết việc chậm tổ chức thi hành án là có những nguyên nhân khách quan. Bởi lối đi phải mở theo nội dung bản án tuyên chưa ra đến đường đi công cộng mà chỉ đến phần đường nội bộ, nằm trong diện tích đất của bà Loan. 

Do đó, bà Lệ tiếp tục khởi kiện và đã được TAND huyện Chợ Gạo thụ lý.

Theo ông Hân, thời gian qua Cục Thi hành án dân sự tỉnh Tiền Giang cũng đã có nhiều báo cáo và tổ chức họp liên ngành để tìm biện pháp thực hiện. 

Hiện tại, do số đo thực tế từ đất của bà Lệ ra đến lối đi công cộng khác với số đo được nêu trong hai bản án sơ thẩm và phúc thẩm nên việc thi hành án gặp một số vướng mắc và cần thời gian để các cơ quan chức năng phối hợp đo đạc lại cụ thể.

"Hiện nay Chi cục Thi hành án huyện Chợ Gạo đã có văn bản yêu cầu TAND huyện Chợ Gạo giải thích thêm về sự chênh lệch số đo thực tế từ đất bà Lệ ra lối đi công cộng và số đo được nêu trong bản án. Khi có văn bản trả lời của tòa án, chúng tôi sẽ tiến hành thi hành bản án, mở lối đi cho bà Lệ" - ông Hân nói.

2 đời chủ tịch tỉnh vẫn chưa giải quyết xong

Trước đó, ngày 7-6-2018 chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Hưởng cùng các ngành liên quan đã tổ chức cuộc họp giải quyết khiếu nại của bà Lệ vì không được thi hành án. Ông Hưởng có chỉ đạo các ngành chức năng khẩn trương xem xét thi hành án, đúng bản án, đúng kế hoạch được duyệt, không để phải xử lý nhiều lần.

Ông Hưởng yêu cầu chủ tịch UBND huyện Chợ Gạo tổ chức gặp gỡ mẹ con bà Lệ để trao đổi, vận động các bên có sự thỏa thuận về lối đi và đường nước.

Sau khi ông Hưởng nghỉ hưu, bà Lệ tiếp tục xách đơn gặp trực tiếp chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Vĩnh đề nghị giải quyết vụ việc của mình, nhưng đến nay bà vẫn chưa được giải quyết.

Nghi án con ruột giết cha, phân xác phi tang Nghi án con ruột giết cha, phân xác phi tang

TTO - Một người đàn ông tại xã Trường Tây, thị xã Hòa Thành, tỉnh Tây Ninh đi xin cát và gạch vụn trước nhà hàng xóm với lý do vá lại nền ximăng của gia đình bị hư, nhưng bị nghi để chôn xác cha ruột sau khi sát hại.

MẬU TRƯỜNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên