“Mẹ Hổ tân thời” và “Tenor tắc kè hoa”

DU LÊ 09/11/2016 22:11 GMT+7

TTCT - Hai cá tính âm nhạc đương đại đặc sắc, một ở tầm quốc tế, một bản sắc Việt Nam, lần đầu tiên sẽ cùng đứng chung trên sân khấu Nhà hát TP.HCM ngày 11-11, được kỳ vọng sẽ tạo nên những bất ngờ thú vị.

Pamela Tan
Pamela Tan

 

Số 17

Cách đây 17 năm, thần đồng violin Vanesssa Mae sa thải người quản lý kiêm “mẹ hổ” Pamela Tan (họ chồng Nicholson, một luật sư người Anh, đã ly dị), với mong muốn thiết lập một mối quan hệ mẹ con “bình thường”. Nhưng Pamela luôn khác thường.

Hiện nay ở tuổi ngoài 50, bà vẫn sẵn sàng đắm mình một cách đầy duyên dáng vào cơn hưng phấn âm nhạc, trong những giao thoa bất tận.

Cũng cách đây 17 năm, một giọng ca trẻ giàu triển vọng của Việt Nam thi đỗ vào Nhạc viện Hà Nội và đoạt giải ba cuộc thi Giọng hát trẻ Hà Nội. Hiện nay anh là một trong những cá tính âm nhạc và giọng hát hay, đa sắc nổi trội của Việt Nam: Tùng Dương.

Cả hai đều là những tài năng từ thuở bé. Một là học sinh tự nhận là nổi loạn và đủ may mắn có thể tự bày tỏ bản thân trong môi trường học tập. Giáo viên cho phép Pamela viết những tác phẩm kịch học sinh và chúng bạn cùng lớp là những chú chuột thí nghiệm đầu tiên cho các ý tưởng sáng tạo được thăng hoa, trước khi có Vanessa Mae.

Nhạc sĩ Dương Thụ gặp cậu bé 9 tuổi Tùng Dương đã thấy ở anh khí chất của “một trong những giọng hát hay nhất Việt Nam trong tương lai”. 12 tuổi, anh là đại diện trẻ tuổi nhất sang Nga biểu diễn cùng Đoàn ca múa nhạc Việt Nam, và bốn năm sau anh đỗ vào Nhạc viện Hà Nội.

Tùng Dương
Tùng Dương

 

Sự ổn định giữa những hoang mang

Cả hai đều là thế hệ đầu tiên của những ổn định lẫn hoang mang của một nền văn hóa “mới” đang hình thành, chuyển mình và đơm hoa kết trái. Một đến từ xã hội đa chủng tộc, đa văn hóa của đảo quốc Singapore, nơi hình thành trong Pamela một thái độ cởi mở với việc kết hợp nhiều yếu tố vào nhau.

Pamela từng chia sẻ: “Tôi học nhạc cổ điển, nhưng những người còn lại trong gia đình lại nghe hồ quảng hoặc pop Hoa lục, sau đó tôi học vũ nhạc cổ điển Ấn và nhạc thơ truyền thống ronggeng của Malay”.

Với Tùng Dương, đó là bộ sưu tập hơn 6.000 đĩa nhạc từ khắp nơi trên thế giới, trong các chuyến lưu diễn và trước đó, trong những đợt hàng bố mẹ gửi về từ Nga cho cậu con trai.

Sớm định cư ở Anh và lưu diễn châu Âu cùng con gái, Pamela không ngừng pop hóa các tác phẩm kinh viện hàn lâm, thậm chí giải thiêng việc sáng tác âm nhạc, cho rằng “nó không dành riêng cho những người chuyên nghiệp. Đó là một tất yếu, kể cả khi chúng ta khiếm thính, khiếm thị hay vì kém may mắn sinh ra ở một khu ổ chuột không thể học nhạc”.

Cả hai đều tham gia hàng loạt dự án nghệ thuật đa dạng một cách bền bỉ để thử thách bản thân trước những giới hạn mới và đều từ rất sớm.

Với Pamela, dự án nghệ thuật thành tựu đầu tiên và chỉ mới là bắt đầu, là với Vanessa Mae, hay đúng hơn là sự đào luyện đến khắc nghiệt như muốn chuyển hóa những khát vọng bất thành trong tuổi trẻ của mình thành hiện thực nơi con gái.

Đó là một kết hợp khi ấy mang tính dị thường giữa nhạc điện tử, nhạc techno và những tác phẩm hàn lâm dọn con đường thành công cho Vanessa ngày hôm nay.

Còn ở Tùng Dương, đó là một chặng đường dài không kém từ dân gian đương đại của Lê Minh Sơn, thể nghiệm với Ngọc Đại, New Age với Đỗ Bảo, nhạc cổ điển - điện tử với Vincent Nguyễn, “phi thể loại” với Nguyên Lê, Lưu Hà An qua Độc đạo (đó là chưa kể nhạc xưa, nhạc cách mạng).

Âm nhạc luôn chiếm một tỉ trọng quan trọng trong cuộc đời của cả hai. Pamela đã gặp và phải lòng chàng quản lý gốc Thái, là cha ruột của Vanessa, khi ông “dám” cả gan dời chỗ cây dương cầm trong khách sạn cao cấp Raffles, nơi ông làm quản lý và cô gái trẻ 19 tuổi kiêm sinh viên luật NUS tên Pamela trình diễn định kỳ.

Diện kiến và share với Michael Jackson lúc sinh thời, dạy Sting (The Police) đọc nhạc, diễn cùng ông, sử dụng phòng thu của Sting để sản xuất album nhạc cho violinist Vasko Vassilev, hát rap cho hàng triệu khán giả truyền hình, những gì Pamela đã và đang làm trong âm nhạc có lẽ kể cả những nghệ sĩ lừng danh nhất cũng khó có thể so đọ.

Ở Việt Nam, Tùng Dương “càn quét” hầu hết giải thưởng âm nhạc uy tín ngót nghét hai thập kỷ qua, khi hãy còn là một thiếu niên như Sao Mai điểm hẹn, Cống hiến, Bài hát Việt, những live show quy mô trong lẫn ngoài nước như festival ngoài trời danh tiếng Roskilde (Đan Mạch) năm 2006...

Pamela
Pamela

 

Con đường luôn phía trước

Cả hai không ngừng làm mới mình trong sáng tạo. Trong dự án mới nhất X-Opera, Pamela tiếp tục công thức kết hợp với những nguyên liệu mới: múa truyền thống, ballet, nhào lộn với giọng hát opera, âm thanh dàn nhạc giao hưởng và kỹ thuật điện ảnh.

Với Vasko Vassilev, Pamela sáng tạo một sản phẩm đa văn hóa, đa sắc màu và đa thể loại trong bộ khung âm nhạc, chinh phục khán giả của hàng loạt quốc gia, lãnh thổ. Phần mình, với dự án Rễ cây hợp tác với Sa Huỳnh lần đầu ra mắt tại Monsoon cách đây ít ngày, Tùng Dương tiếp tục cho thấy bước tiếp theo vững chãi và mạo hiểm trong tấm áo âm thanh cực kỳ thách thức, mới mẻ.

“Tôi thay đổi nhưng vẫn là mình, vẫn là một Tùng Dương luôn có nhu cầu thể nghiệm và làm mới. Nếu để ý, bạn sẽ thấy mọi chuyển động âm nhạc của tôi như chuỗi mắt xích có liên quan đến nhau, cái trước là nền tảng cho những phát triển sau” - anh từng chia sẻ.

Với cả hai, tuy thế gia đình vẫn trên hết. Pamela nhắn tin cho con gái Vanessa âm thầm chúc cô may mắn và an toàn khi tham gia Thế vận hội mùa đông Sochi cho đoàn Thái Lan - sau hơn 10 năm không một lời chia sẻ. Tùng Dương, trong lần đầu tiên nói về đời tư của mình trước khán giả, chia sẻ về bé Voi, con trai đầu lòng.

Trên thế giới có 7,5 tỉ người thì hơn 3,5 tỉ người đang sử dụng từ hai ngôn ngữ trở lên. Chúng ta đã mất 1/2 chỗ cho sự độc nhất hay bản sắc nhàm chán - một mất mát tích cực vì dọn chỗ cho những bộ não luôn có thể giao thoa, tìm tòi khả năng kết hợp mới. Sự gặp gỡ trong khuynh hướng âm nhạc của Pamela Tan và Tùng Dương không nằm ngoài quy luật này. ■

Dàn nhạc giao hưởng Baltic Neopolis
Dàn nhạc giao hưởng Baltic Neopolis

 

Lần đầu tiên công chúng TP.HCM được nghe họ trên cùng sân khấu trong chương trình Đêm nhạc Toyota Classics 2016 tối 11-11 cùng Dàn nhạc giao hưởng Baltic Neopolis - một trong những dàn nhạc độc đáo bậc nhất của Ba Lan, từng nhận được giải Grammy Ba Lan năm 2015.

Khán giả sẽ có cơ hội thưởng thức các kiệt tác opera bất hủ của các nhà soạn nhạc lừng danh Puccini, Verdi và Bizet được Pamela biên soạn lại một cách sáng tạo và tài tình trong sự giao hòa giữa âm hưởng cổ điển và hiện đại.

Và cũng sẽ lần đầu tiên Tùng Dương thể hiện những ca khúc Việt Nam đương đại cùng Dàn nhạc giao hưởng quốc tế. TP.HCM là điểm dừng chân duy nhất tại Việt Nam trong năm nay và là điểm dừng chân thứ chín ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương của chương trình hòa nhạc thường niên này. Toàn bộ số tiền bán vé của chương trình được dành trọn cho quỹ “Học bổng Toyota hỗ trợ tài năng trẻ âm nhạc Việt Nam”.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận