“Đồ lòng” là các món lấy từ “lục phủ ngũ tạng” của động vật, chúng có thể là tim, phổi, bao tử thận, ruột, gan, lách, thậm chí lưỡi, cuống họng, phao câu... “Đồ lòng” là của quý đạt gần hết tiêu chí “ngon, bổ, rẻ” làm vừa lòng các chuyên gia dinh dưỡng, nhưng với các bác sĩ thì không! Đã có nhiều cảnh báo tai ương đằng sau món ngon phủ tạng này.
Đệ nhất nguy cơ: ruột, gan
Trong thực đơn “ngũ tạng” thì nhóm ruột , gan có thế mạnh khoái khẩu nhất nhưng cũng nhiều “điều tiếng” với sức khỏe người dùng hơn cả. Gan là cơ quan giải độc, nên khó tránh khỏi nó cũng là bộ phận tồn trữ (chưa chuyển hóa) và tích trữ (không chuyển hóa được) chất độc . Cụ thể, gan là một bồ đựng urê , kháng sinh tồn dư (clenbuterol, salbutamol, chloramphenicol…), kim loại, hóa chất ( hàn the, formol…). Tất nhiên , nếu chủ nhân đã thuộc hàng “bất hảo” thì lá gan cũng đầy “số má” như gan cá nóc, gan cóc…
Gan còn là nơi lui tới của đám ký sinh trùng gây bệnh hoặc bị biến thành “nhà trẻ” của chúng, điển hình là sán lá gan. Những thực khách phải lòng món gan thường tự trấn an rằng: tai họa chỉ đến với những… kẻ phàm phu ăn gan sống, còn cánh quân tử “ăn chín uống sôi” thì lo gì gan độc. Đừng quên, miếng gan chín chỉ khử được những tác nhân hữu cơ, còn thành phần vô cơ thì đa phần không sợ lửa.
Tất nhiên, không phải gan nào cũng độc và không phải kẻ “ăn gan, uống mật” nào cũng gặp nguy, nhưng gì thì gì, đang yên đang lành, đưa miếng gan vào miệng tức đã tự rước vào mình mối nguy “Thạch Sanh thì ít, Lý Thông thì nhiều” của thời buổi nhiễu nhương ngộ độc thực phẩm tràn lan.
Hiểm họa từ món phá lấu
Xích xuống phía dưới một chút, tại vùng áp chót ống tiêu hóa ta tìm được món khoái khẩu “linh hồn” của mọi đĩa đồ lòng: phèo non. Phèo (ruột non) còn có “tên khoa học” là tá tràng hay tiểu tràng. Học trò phổ thông cũng biết tá tràng dùng làm gì trong việc hấp thu và giải quyết bài tiết, tuy chưa đến độ “thành phẩm” như khi xuống ruột già. Do vậy, món phèo tự nhiên có một nhân thân đáng ngại dính đến mọi loại “của thừa” và quần thể vi khuẩn, ký sinh sống nhờ vào chúng, với những cái tên danh bất hư truyền như E.Coli, tả, lỵ , giun, sán các loại …
Trớ trêu thay, với “thổ nhưỡng” không mấy thanh cao nhưng món phèo lại mang lại một vị khá đậm đà, trở thành món ruột của không ít thực khách, rất dễ đưa họ vào thế “mật ngọt chết ruồi” về vấn đề vệ sinh, thanh khử trùng và ăn chín uống sôi. Nồi lòng luộc sôi sùng sục mang đến yên tâm cho thực khách, nhưng ai dám đảm bảo lúc nào đó không bị cho vào tròng. Chưa kể mối nguy của gia vị và phẩm màu mà các đầu bếp thường mạnh tay đưa vào để đánh bạt mùi “tận đáy xã hội” của món phèo. Và có trời mới biết, mấy miếng “phá lấu” tươi rói, thơm điếc mũi kia đã “dãi nắng dầm sương” từ lò mổ, ra chợ làng, và nằm chờ thời bao lâu trong cái thế ruồi nhặng bu đầy, nước vàng chảy lỏng bỏng …trước khi đến tay người tiêu dùng.
Điểm mặt nguy cơ
Một trong những nạn tai hay gặp của người mê lòng là xơi nhầm kháng sinh tồn dư, phổ biến là clenbuterol. Clenbuterol thường được dùng phổ biến trong chăn nuôi với mục đích ngăn tích mỡ, tăng nạc cao. Clenbuterol thuộc loại rắn đầu, rất khó phân hủy, không nhằm nhò gì khi bị luộc. Triệu chứng nhiễm độc clenbuterol gồm: rối loạn nhịp tim, co thắt phế quản, phù nề, liệt cơ…
Nhưng trên hết, các món “lục phủ ngũ tạng” có chung sở trường là sở hữu lượng đạm, vitamin ( đặc biệt vitamin A, acid folic với gan) cực cao, đồng thời cholesterol chót vót không kém. Vấn đề là chính thế mạnh của chúng lại là “khắc tinh” cho những thực khách khó ở với huyết áp, tim mạch, rối loạn chuyển hóa, xơ vữa động mạch, đái tháo đuờng, gout, thận hư, suy thận, thừa cân béo phì và cả với những người có “bộ đồng lòng” non trẻ, già yếu như trẻ em và người già. Ngay cả những người bụng dạ ngon lành thì việc thường xuyên xử lý món giàu đạm, béo cũng chẳng hứa hẹn gì tốt…
Hài hòa giữa được – mất, các chuyên gia đưa ra khuyến cáo an toàn : tốt nhất chỉ nên dùng nhiều nhất 2-3 lần/tuần, mỗi lần từ 50-70g (người lớn) và 30-50g (trẻ em). Khi dùng nên chọn lòng còn tươi, không có mùi hôi, không chảy nước, màu đỏ sẫm, nhẵn, đàn hồi tốt, không nốt sần, nổi cục … Riêng gan, khi mua về, có thể tiến hành “khử độc” sơ bằng cách thái mỏng, rửa sạch nước lạnh nhiều lần….
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận