23/03/2018 15:52 GMT+7

'Mẹ' Diệp đã dạy tôi cách cho đi vô điều kiện

KIM LONG
KIM LONG

TTO - Không máu mủ ruột rà, cũng chẳng quen biết, nhưng 'mẹ' đã cưu mang con 4 năm sinh viên. Tấm lòng mà "mẹ" dành cho con, cũng như hơn 200 anh chị em khác đã dạy con bài học nhân ái lớn trong cuộc đời.

Mẹ Diệp đã dạy tôi cách cho đi vô điều kiện - Ảnh 1.

Nhiều năm qua, căn nhà nhỏ của mẹ là nơi tá túc của nhiều thế hệ sinh viên tứ xứ - Ảnh: K.L

Ra trường 6 năm, nhưng con vẫn chưa có dịp quay lại mảnh đất Cố đô thăm "mẹ" Huỳnh Thị Diệp (chúng tôi vẫn hay gọi bằng cái tên thân mật O Diệp).

Đã ngoài 80 tuổi, có lẽ giờ đây mẹ ốm yếu hơn xưa. Nhưng con biết, sở thích uống bò húc mỗi ngày của mẹ vẫn duy trì đúng không? (đó là nước uống ưa thích nhất của mẹ).

Với con, 4 năm sinh sống và học tập ở Huế là những kỷ niệm đẹp của một thời tuổi trẻ. Nhưng hơn hết, tại xứ thần kinh này, con đã nhận được tình thương, sự bao bọc, sẻ chia của mẹ - người phụ nữ không lập gia đình nhưng có đến vài trăm đứa con.

"Cảm ơn mẹ đã dạy cho con cách yêu thương, cho đi mà không cần nhận lại. Cảm ơn người phụ nữ tuyệt vời ấy đã giúp con biết thế nào là sự sẻ chia, yêu thương người lạ như ruột thịt."

Kim Long

Con vẫn nhớ như in một ngày mùa thu năm 2008, khi con chân ướt chân ráo từ Nghệ An vào TP. Huế nhập học. Đến nơi khi trời đã xế chiều, con chỉ biết lần mò địa chỉ nhà mẹ thông qua mẫu giấy nhỏ được được người quen viết vội.

Trong căn nhà nhỏ được sơn màu hồng nhạt, một người phụ nữ nhỏ thó, chân đi cà thọt, hai mắt mờ cố lê từng bước ra đón tiếp. Nụ cười móm mém, mẹ xởi lởi hỏi thăm sức khỏe con như đứa cháu đi xa mới về nhà. Cử chỉ đó giúp con phần nào quên đi cơn đói bụng và sự say xe đang nôn nao trong người.

Rồi những ngày sau, mẹ tâm lý động viên, an ủi con và anh chị em sống trong nhà. Gần chục đứa đến từ các tỉnh khác nhau nhưng mẹ hiểu rõ tính cách mỗi người. Để từ đó, tranh thủ lúc chúng con giải lao, mẹ tâm sự, khuyên bảo, động viên như người mẹ ruột an ủi con thơ.

Con vẫn nhớ như in vào những dịp Huế mưa bão. Con đường thấp khiến nước sông Hương dâng lên, ngập nửa người. Mẹ đứng ngồi không yên khi biết đám sinh viên chưa về nhà đầy đủ. Chốc chốc, mẹ lại giục đứa ở nhà gọi điện hỏi thăm tình hình những người đi học chưa về.

Chỉ đến khi nào cả nhà đông đủ, mẹ mới yên tâm vào nghỉ. Sự quan tâm đó của mẹ còn hơn cả tình thân.

Sống chung một mái nhà, con càng cảm phục đức hy sinh, nghị lực của mẹ. Vì gia đình nghèo đói nên từ nhỏ mẹ cùng với bố mẹ lao lực nuôi các em khôn lớn. Khi các em đã lập gia đình, mẹ ở vậy phụng dưỡng bố mẹ già. Mãi chăm lo cho người thân mà mẹ quên đi hạnh phúc riêng của mình và ở vậy cho đến nay.

Điều đặc biệt là dù không lập gia đình nhưng mẹ lại là người có đông con nhất xứ Huế. Từ năm 1990 đến nay, căn nhà nhỏ của mẹ là nơi tá túc của hàng trăm sinh viên đến từ khắp nơi. Cả con và các anh chị em khác đều được mẹ dang rộng cánh tay ra cưu mang, cho tá túc miễn phí.

Không những vậy, tất cả trái cây trong khu vườn rộng lớn như: vú sữa, mít, chuối, ổi, măng cụt, bưởi… mẹ đều cho đám sinh viên nghèo ăn. Mùa nào thức ấy, chúng con được ăn thỏa thích trái cây mà các bạn khác ít có cơ hội thưởng thức.

Rồi vào những dịp cuối tuần, hay lễ, tết mẹ đều là "chủ xị" lớn cho đám sinh viên chúng con. Nhờ đó, chúng con được uống nước giải khát, được ăn những tô thịt bổ dưỡng sau nhiều ngày cầm cự bằng mì tôm, cơm rang.

Ngày chúng con tốt nghiệp ra trường, mẹ cũng không ngần ngại tổ chức buổi tiệc chúc mừng và chia tay. Nhìn bàn tay, nếp da nhăn nheo chúng con biết mẹ đã không ít lần trăn trở, lo lắng cho con và các anh chị em. Dù không máu mủ ruột rà, nhưng mẹ thương chúng con cách vô điều kiện.

Năm 2012, khi tốt nghiệp ra trường con đã từng hứa rằng sẽ quay lại thăm mẹ, cảm ơn sự bao bọc, dưỡng giục của người phụ nữ tốt bụng. Thế nhưng, công việc, cuộc sống cơm áo gạo tiền đã cuốn con vào vòng xoáy khiến dự định đó chưa thực hiện được.

Mẹ Diệp ơi, mẹ từng dặn: "Sau này khi lập gia đình nhớ đưa chồng đến để O gặp mặt, chúc mừng". Con từng "dạ, vâng" thế nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện được.

Giờ con đã có hai cháu bé kháu khỉnh rồi mẹ ạ. Nhất định con sẽ sớm đưa gia đình nhỏ vào Huế ra mắt mẹ vào thời gian sớm nhất. Hy vọng, ngày đó mẹ vẫn khỏe mạnh để nhận ra cô sinh viên nhỏ bé ngày nào….

Cảm ơn mẹ vì tất cả.

Mời bạn tham gia viết bài 'Những ký ức đẹp'

Điều gì đã đọng lại trong bạn để trở thành ký ức không thể quên? Gợi nhớ ký ức không phải là khơi lại đống tro tàn. Ký ức đôi khi là hành trang, là chiêm nghiệm... để ta bước tiếp với đôi chân vững chãi. Có những ký ức rất đẹp, cũng có những ký ức khi hồi tưởng lại, ít nhiều trong chúng ta vẫn còn cảm thấy "nợ" người trong cuộc.

Nhằm ghi lại những câu chuyện của chính bạn hoặc của người khác nhưng gây nhiều xúc động trong bạn, Tuổi Trẻ Online kính mời bạn viết bài với chủ đề 'Những ký ức đẹp' cho chuyên mục Bạn đọc làm báo.

Bài viết không giới hạn về thể loại bao gồm: văn xuôi, văn vần, thơ, vè... dài tối đa 1200 từ (có thể kèm clip, hình ảnh). Những bài viết khi đăng sẽ được trả nhuận bút.

Mọi thư từ, bài viết xin vui lòng gởi về: [email protected] hoặc [email protected]. Thông tin bạn đọc, tài khoản... xin ghi rõ dưới bài viết. Chân thành cảm ơn!

TUỔI TRẺ ONLINE

Bán cùng lúc 40 ổ, bánh mì Sài Gòn mất một mối quen

TTO - 'Bánh mì Sài Gòn, 1 ngàn 1 ổ đặc biệt thơm ngon' - với nhân chứng là bà bán bánh mì, được tác giả Hồ Quốc Minh kể lại cho chuyên mục "Những ký ký đẹp". Một chuyện tình lãng mạn và... đúng chất sinh viên.

KIM LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên