03/08/2024 13:38 GMT+7

Mẹ chồng - nàng dâu thời nay - Kỳ 7: 'Không tự đẻ được hay sao mà phải đi bác sĩ?'

Đó là câu mà chị Thu Cúc nhận được từ mẹ chồng hơn 10 năm trước, khi vợ chồng chị quyết định thụ tinh nhân tạo sau nhiều năm chạy chữa từ đông sang tây y vẫn chưa thể có được niềm hạnh phúc ầu ơ con cái. Và mọi chuyện không chỉ có vậy...

Mẹ chồng - nàng dâu thời nay - Kỳ 7:

Nhiều mẹ chồng con dâu đã cố gắng giải quyết mâu thuẫn để gia đình ấm êm - Ảnh: TUYẾT KIỀU

Mắng con dâu "không biết đẻ", kiện con trai giành đất

Vợ chồng chị Thu Cúc (ở H.Bảo Lâm, Lâm Đồng) đều là giáo viên. Làm dâu từ năm 2005, chị cho hay trước đó chỉ gặp gỡ mẹ chồng vài lần nên chẳng rõ tính tình bà ra sao, song chị nghĩ "chỉ cần chồng thương mình thì chuyện mẹ chồng nàng dâu dù khó cũng có thể vượt qua".

Thời điểm mới cưới, thấy bà Mẫn - mẹ chồng chị - đã ngoài 60 và chỉ sống một mình, cộng thêm lương nghề giáo ít ỏi nên vợ chồng chị chọn ở cùng mẹ chồng. Tuy nhiên, khi về sống chung, chị Cúc đi từ bất ngờ này đến "sang chấn" khác.

"Mẹ chồng tôi thường xuyên chửi mắng, tỏ thái độ không hài lòng từ chuyện nhỏ nhất, cách ăn uống, dọn dẹp nhà cửa bà cũng bắt tôi phải làm theo y hệt. Vì không muốn mất hòa khí gia đình, chồng tôi cũng động viên nên tôi luôn cố gắng nhường nhịn", chị nói.

Cưới nhau hơn 5 năm, vợ chồng phát hiện không thể sinh con dù đã chạy chữa khắp nơi, thậm chí phải mượn tiền để làm thụ tinh nhân tạo, có một lần đậu con nhưng thai yếu nên bé mất.

Chị Cúc nhớ lại mang bầu được 6 tháng thì bác sĩ bảo nếu sinh ra, em bé sẽ mắc bệnh về não và nhiều biến chứng khác. Đắn đo nhiều, hai vợ chồng quyết định bỏ thai.

"Nhưng thay vì động viên và chia sẻ, mẹ chồng tôi lại nói những câu như "Tại sao cứ đi bệnh viện cấy thai hoài, không tự đẻ được hay sao mà phải đi bác sĩ? Bộ tới đó người ta làm miễn phí, cho con miễn phí hay sao?".

Mặc dù lý do khó có con đến từ chồng, nhưng mẹ luôn nhìn tôi bằng ánh mắt rất khó chịu, chì chiết con dâu, đến nỗi chồng tôi còn bất mãn", chị Cúc ngậm ngùi kể.

Không thể ở chung nữa, vợ chồng chị quyết định sống riêng. Cạnh nhà mẹ chồng có một phần đất dư, chị xây nhà bên cạnh để tiện chăm sóc bà lúc đau ốm, cũng như có không gian riêng cho mình. Nhưng bà Mẫn vẫn luôn sang kiếm chuyện, nói lời khó nghe dù chồng chị đã nhiều lần khuyên nhủ mẹ.

Thêm mấy năm trôi qua, vợ chồng chị tiếp tục ra riêng lần hai, lần này cách nhà bà Mẫn vài cây số.

"Hai vợ chồng dù đang nợ nần khắp nơi vì hơn 12 năm chạy chữa để có con vẫn ráng vay ngân hàng, tìm một mảnh đất cách nhà mẹ chồng hơn 3km chuyển tới đây cất nhà sinh sống. Thời gian đó, mẹ hầu như không hỗ trợ chúng tôi bất cứ điều gì dù tinh thần hay vật chất.

Sau này mẹ bán được rẫy, anh chị em trong nhà có góp ý mẹ cho vợ chồng tôi mượn một ít để trả ngân hàng cho bớt lãi. Nhưng giữa đám giỗ, mẹ chồng tôi lớn tiếng: "Đó là tiền của tao, tao không có nghĩa vụ đưa ai hết". Dù không có ý định lấy tiền của bà nhưng nghe nói vậy vợ chồng tôi rất buồn", người phụ nữ hiện 40 tuổi tâm sự.

Nhiều lần sau đó, bà Mẫn thường xuyên nhắc lại câu "có chết cũng không để lại tài sản", chồng chị Cúc giận và buồn nói sẽ không nhận bất cứ thứ gì từ mẹ ruột mình.

Mẹ chồng và con dâu bất hòa - Ảnh minh họa từ phim Sống chung với mẹ chồng

Mẹ chồng và con dâu bất hòa - Ảnh minh họa từ phim Sống chung với mẹ chồng

Chăm sóc với điều kiện mẹ không chửi vô cớ

Theo chị Cúc, không chỉ chị mà những người con dâu khác cũng nhận định dù cố gắng hết sức cũng không thể hòa hợp nổi với người mẹ chồng đã lớn tuổi này.

Bà Mẫn thậm chí còn đạp xe lên công an xã... kiện con trai vì cho rằng bị con giành đất. Bà luôn cho rằng con trai không nghe lời mình đều do con dâu xúi giục.

Chị Kim Thanh, chị em bạn dâu với chị Cúc, kể hồi mới cưới, mẹ chồng đề nghị đưa vàng cưới cho bà giữ. Tới lúc khó khăn, nhờ mẹ chồng đưa lại song bà không chịu, sau đó mới biết bà đã âm thầm đem bán hết số vàng "cất giùm" vợ chồng chị.

Theo chị Thanh, hơn 25 năm trước, chị chưa từng biết mặt và tiếp xúc với mẹ chồng cho đến ngày đính hôn. "Hồi đó tôi mới 21 tuổi, yêu nhau chỉ có 3 tháng là cưới nên đâu biết hợp với nhà chồng hay không. Cứ nghĩ cưới về mình hiền lành, hiếu thảo với mẹ thì mẹ sẽ thương, ai mà ngờ...", chị nói.

Hiện nay, bà Mẫn vẫn sống một mình dù đông con cháu. Chị Cúc cho biết mỗi lần mẹ bảo bệnh, vợ chồng chị đón bà tới nhà để "vừa chăm sóc, vừa nghe bà rầm rĩ... chửi cả ngày lẫn đêm". Trong khi đó, chị Thanh có phần cứng rắn hơn khi ra điều kiện sẽ đến nhà mẹ chăm sóc nếu bà không mắng chửi vô cớ. Bằng không, chị chọn cách ngó lơ.

"Tuyên chiến" với nhà chồng

Trong khi đó, ở một nơi khác, cô con dâu Khả Vân (sinh năm 1997, ngụ phường Vĩnh Mỹ, TP Châu Đốc, An Giang) sẵn sàng "tuyên chiến" với cha mẹ chồng vì nghĩ mình bị áp bức đến đường cùng.

Năm 2016, Vân khi đó 19 tuổi kết hôn với con trai duy nhất của vợ chồng bà Hoàng. Sau đó, cô về sống chung với nhà chồng, sinh đẻ và ở nhà chăm con. Suốt thời gian này, mâu thuẫn giữa cô và nhà chồng không vơi mà ngày càng chồng chất.

Làm dâu ở độ tuổi khá trẻ, vốn tính không thích ràng buộc theo khuôn mẫu khiến Vân và nhà chồng thường xảy ra mâu thuẫn, chủ yếu do quan điểm khác biệt giữa hai thế hệ.

Vân cho biết cô bị cha mẹ chồng làm khó, thường xuyên la mắng, bắt phải thay đổi theo ý họ vì cho rằng người lớn làm vậy đúng.

Vân không thích ăn giò móng heo, nhưng mẹ chồng buộc ăn nhiều để có sữa cho con bú. Cô không giỏi bếp núc, chỉ nấu cơ bản để ăn được, đôi khi chế biến sai cách thì cha mẹ chồng tỏ vẻ khó chịu, cằn nhằn suốt bữa cơm.

Kiềm chế mãi, đến ngày Vân không giữ được miệng: "Ông bà không nuôi tui được ngày nào thì đừng có bắt tui phải thay đổi theo ý mấy người". Vân đáp trả cha mẹ chồng trong một cơn nóng giận.

"Nó rửa chén không sạch, lau nhà ướt nhẹp từ trước ra sau đi xém trượt té nên tôi mới la thì nó lớn tiếng lại. Sáng ngủ tới gần 10 giờ mới dậy, tui kêu gửi thằng nhỏ đi nhà trẻ, ra quán phụ tui bán (bà Hoàng bán đồ ăn sáng ở chợ - PV) cũng không chịu.

Thấy nó ở nhà cho con coi điện thoại nhiều, ổng (cha chồng Vân) kêu dẹp bớt thì nó nói "con tui, muốn nuôi sao kệ tui"", bà Hoàng lắc đầu nói.

Con được 3 tuổi, vợ chồng Vân lên Sài Gòn làm đủ nghề, gửi con cho ông bà nội nuôi, mỗi tháng gửi tiền về. Gần 1 năm sau đó, trong lần Vân về quê và cãi nhau dữ dội, cha chồng cô nói: "Mẹ mày chết sớm nên không ai dạy mày", Vân không kiềm chế được đã dùng chân đạp vào bụng ông, bà Hoàng đến can ngăn cũng bị Vân hất tay làm té ngã. Chồng Vân thì lựa chọn im lặng như mọi khi mâu thuẫn xảy ra giữa vợ và cha mẹ mình.

Cuộc cãi vã đó đã thành giọt nước tràn ly. Vợ chồng Vân ly hôn, con do cô nuôi, không có tài sản chung để chia.

Từ sau ly hôn, gần 4 năm nay Vân không nhận trợ cấp từ chồng, đồng thời cắt đứt liên lạc với nhà chồng, cấm con trai gặp cha. Một gia cảnh buồn mà ai cũng có phần, nhưng nguyên nhân lớn nhất rõ ràng là từ chính người con dâu.

Giận rồi lại thương mẹ chồng

"Tôi với mẹ chồng ban đầu hòa thuận, ấm êm, nhưng sau đó cũng xảy ra lục đục, mặt nặng mày nhẹ như nhiều nhà khác. Lý do đơn giản thôi, như mẹ thích ăn kiểu này, tôi lại quen nấu kiểu kia.

Có hôm tôi chỉ quên tắt máy lạnh, thì mẹ chồng nói tôi xài điện không biết thương con trai bà phải đi làm vất vả để có tiền trả hóa đơn hằng tháng... Cuối cùng vợ chồng tôi và mẹ đã thống nhất cho chúng tôi ra riêng. Sau đó, gia đình tôi êm ấm hơn, mẹ chồng cũng thương cháu nên hay qua nhà chơi. Còn chúng tôi cuối tuần nào cũng về với mẹ.

Chồng tôi hay nói mẹ già rồi, khổ sở vì con cả đời rồi, nên thương mẹ, chứ đừng chấp mẹ những chuyện nhỏ nhặt. Tôi cũng đồng cảm với anh, vì sau này tôi cũng sẽ là một mẹ chồng phải biết góp phần gìn giữ ấm êm, hạnh phúc cho con cháu mình".

Chị Nguyễn Thị Khánh Ly (ngụ đường Cách Mạng Tháng Tám, phường 4, quận Tân Bình, TP.HCM)

-------------------

Nhiều khi cũng hờn tủi mẹ chồng, muốn buông bỏ, nhưng họ lại cố gắng hàn gắn gia đình vì nghĩ rằng rồi mai mốt mình cũng là một bà mẹ chồng...

Kỳ tới: Thương mẹ chồng, vì mai mốt mình cũng là mẹ chồng

Mẹ chồng - nàng dâu thời nay - Kỳ 6: Thương gia đình chồng là để phúc cho conMẹ chồng - nàng dâu thời nay - Kỳ 6: Thương gia đình chồng là để phúc cho con

'Mình thương chồng, chọn ông làm bạn đời, thì cũng phải thương lấy cuộc sống nhọc nhằn của gia đình chồng...'.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên