Đáp lại, người con cũng chỉ cười xòa và nói với em trai: "Em ráng chăm mẹ, giờ mẹ chồng chị nằm một chỗ rồi, chị phải ở bên cạnh. Khi nào mẹ chồng mất thì chị về ở chăm mẹ".
"Cục vàng ráng ăn nha"
Ở Tịnh Sơn, câu chuyện bà Ba Nhi thương mẹ chồng không chỉ xóm làng mà chính quyền địa phương cũng biết. Trên đường đến nhà Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Sử, anh Nguyễn Đức Nở, chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã Tịnh Sơn, nói: "Thế hệ chúng ta biết ơn sự hy sinh của mẹ Sử, và thật cảm kích khi mẹ có một người con dâu tuyệt vời, không có tình yêu thương của cô Ba Nhi, tôi nghĩ mẹ đã không còn trên đời".
Vòng qua những con đường làng quanh co ở thôn Phước Lộc Tây, xã Tịnh Sơn, chúng tôi ghé nhà bà Lê Thị Nhi. Đứng trước sân nhà đã nghe tiếng một phụ nữ nói vọng ra: "Cục vàng ráng ăn nha, Ba thương cục vàng nhất trên đời". Chỉ có tiếng phụ nữ ấy liên tục nói như thể độc thoại.
Bước vào trong nhà, thấy bà Nhi đang "nựng" mẹ chồng, tất cả yêu thương hiện rõ trong từng cử chỉ. Thấy anh Nở, bà Nhi nói: "Nở ghé chơi hả con, đợi cô tí, cô vuốt lưng cho mẹ đã nghen". Nói rồi bà Nhi tiếp tục thoa cho mẹ.
Anh Nở kể mẹ Sử nằm liệt đã 14 năm, mắt giờ mù hẳn, trước lẫn nói lung tung, giờ không nói nữa. Chuyện bà Nhi độc thoại với mẹ, anh Nở gặp hoài. "Có lần tôi hỏi, cô Ba Nhi bảo rằng cô vẫn tin dù mẹ mù, nằm một chỗ và không nói được nhưng vẫn nghe và hiểu, cô không chấp nhận sự thật mẹ đã lẫn. Nên ngày nào cô cũng nói, mong mẹ biết con dâu thương mẹ nhiều", anh Nở tâm tình.
Trên đời này, có những yêu thương khó hình dung được. Cả chục năm ròng rã "độc thoại" chỉ để mẹ cảm nhận được yêu thương ấm áp. Chỉ có thể là tình yêu thương vô bờ bến mới giúp bà Nhi nhẫn nại đến mức ấy.
Năm 1977, cô gái tên Nhi ở làng Minh Khánh, xã Tịnh Minh kết duyên cùng anh thương binh Trần Văn Biết (thôn Phước Lộc Tây, xã Tịnh Sơn). Ngày về làm dâu, bà Nhi biết gia đình chồng hy sinh rất nhiều cho thống nhất non sông. Nhà chồng có 6 anh em mà 2 người đã hy sinh, 2 người là thương binh, chỉ có 2 con gái là lành lặn sau chiến cuộc.
Lúc mới về làm dâu, bà Nhi cũng sợ chuyện "mẹ chồng nàng dâu", chỉ lí nhí mỗi khi nói chuyện. Nhưng rồi, bà Sử hết mực yêu thương con dâu. Mỗi lần vợ chồng trẻ cãi vã, mẹ chồng lại bảo vệ con dâu. "Gần nửa thế kỷ làm dâu mẹ, tôi thấy mình quá may mắn. Giờ mẹ nằm đó để mỗi ngày tôi được chăm mẹ cũng là hạnh phúc của tôi rồi", bà Nhi tâm sự.
Câu chuyện của mẹ chồng được nàng dâu kể bằng sự yêu thương. Khi bà Sử đổ bệnh, bà Nhi đưa mẹ chồng đi khắp nơi chữa trị, nhưng thời gian đã bào mòn bà Sử, ở tuổi 92 bà bắt đầu chuỗi ngày nằm liệt giường, mọi sinh hoạt nhờ con dâu.
"Mới đầu mẹ nằm liệt nhưng còn nói chuyện được, mẹ hay nói "Ba (bà Nhi thứ ba trong các con) ơi đừng bỏ mẹ". Đáp lại, tôi bảo "Mẹ an tâm, con không bỏ mẹ đâu"", bà Nhi kể.
Tôi may mắn có gia đình chồng hạnh phúc
10 năm trước, chồng bà Nhi qua đời, sau sự kiện ấy mẹ Sử cũng không nói thêm lời nào. Tròn chục năm rồi, bà Nhi không đi đâu, suốt ngày quanh quẩn bên mẹ chồng. Bà Nhi kể khi mẹ còn nói được nhưng đã lẫn, không nhớ tên bất kỳ con ruột hay cháu chắt nào, chỉ nhớ mỗi tên con dâu, cần gì là gọi "Ba ơi, Ba ơi", khi nào nghe con dâu đáp lời, bà Sử mới an tâm.
Có lần thấy mẹ đang ngủ, bà Nhi vội đi chợ sớm, bà Sử thức dậy gọi "Ba ơi, Ba ơi". Dù các cháu nói: "Mẹ con đi chợ, tí về đó bà nội" nhưng bà Sử không tin, nghĩ vì chăm mình cực quá nên con bỏ bà rồi. Mãi đến khi bà Nhi về gọi "Mẹ ơi, con lấy kem mẹ đánh răng rồi ăn sáng nghen", bà Sử mới vui trở lại. Từ buổi sáng đó, muốn đi đâu, bà Nhi phải "xin phép mẹ", nói đi nói lại nhiều lần cho mẹ nhớ mình đi công việc tí rồi về.
"Mẹ già rồi, không ưa nói nặng, phải nhẹ nhàng, khuyên nhủ. Như mẹ ăn không thích là phun đầy mặt, nhưng phận con dâu mình phải cười nói, chứ nói nặng mẹ buồn, bỏ ăn ngay. Chăm cha mẹ ốm, phải yêu thương chứ chăm vì trách nhiệm là chưa đủ", bà Nhi tâm tình.
Chúng tôi hỏi bà Nhi có bao giờ thấy khổ khi chăm mẹ chồng liệt giường, bà Nhi xua tay bảo chưa từng. Với bà, mẹ còn ăn được, còn nằm đó là niềm hạnh phúc vô bờ. Bà Nhi kể có lần mẹ sốt cao, bà nghĩ mẹ không qua khỏi, đêm đó ngồi nhìn mẹ chồng, bà sợ mẹ không còn nằm đó cho mình chăm nữa. May sao, bà Sử vẫn nằm đó, mỗi ngày nghe con dâu độc thoại.
Đang trò chuyện thì tiếng xe máy vang lên, bà Điểu (từng công tác ở trạm y tế xã, nay đã về hưu) đến chích thuốc cho bà Sử. Thấy có người hỏi chuyện chăm mẹ chồng, bà Điểu nói: "Chị Ba là số một, tôi gần 70 tuổi rồi cũng chưa thấy người con dâu nào như chị ấy".
Nói rồi bà Điểu kéo tay áo bà Sử lên bảo rằng: "Bác Sử 106 tuổi rồi, nằm liệt giường 14 năm nhưng da hồng hào, không có bất kỳ vết lở loét hay tím tái gì là hiểu được công sức của người chăm. Thường người nằm liệt giường vài năm là có vấn đề, da thịt hư hỏng. Chị Ba cứ vài tiếng lại đỡ mẹ dậy thoa lưng, tay chân... Nhờ chị làm vậy nên da không hoại tử".
Có lần, mẹ ruột bà Nhi hỏi vặn: "Sao mẹ đẻ con ra mà con không thương bằng mẹ chồng?". Người em trai cũng nói: "Chị về thăm, chứ mẹ nhắc". Mẹ ruột bà Nhi cũng đã 103 tuổi, may mắn là còn đi đứng và tuệ mẫn. Bà Nhi nói với em trai: "Em cố gắng chăm mẹ, mẹ chồng chị nằm liệt rồi, chị phải bên cạnh, khi nào mẹ chồng mất chị về ở chăm mẹ".
"Mẹ và em tôi nói vậy, nhưng thật ra cũng hiểu đạo hiếu, em trai luôn ủng hộ tôi gắng chăm mẹ chồng", bà Nhi nói. Với bà, niềm hạnh phúc lớn nữa là có một gia đình chồng rất đoàn kết và các em chồng luôn dành yêu thương cho bà. Nhiều lần giỗ chạp, bà Nhi bảo hai em gái của chồng: "Vào tắm, thoa lưng rồi cho mẹ ăn đi, để chị dọn cúng". Hai người em vội nói: "Chị Ba lo cho mẹ đi, tụi em không biết đâu, để tụi em lo cúng".
Bà Nhi nở nụ cười khi kể chuyện ấy, bà bảo các em rất thương mẹ, nhưng khổ nỗi chăm mẹ nằm liệt vậy, các em chưa đụng đến nên không quen. Hỏi bà có khi nào giận hay mệt quá đổ bực vì các em chồng không, bà Nhi nói: "Không, tôi thương mẹ, thương các em. Mình mà nghĩ ngợi gì, làm sao chăm được".
Nói rồi bà Nhi kể câu chuyện lúc mẹ còn minh mẫn, các con mới bảo đưa bà Sử về nhà một người em chăm. Lo lắng, bà ôm chặt cột giường, nói: "Bây về đi, mẹ ở với con Ba thôi". Hình ảnh ấy khiến con cháu cười ồ. Nhưng có lẽ thẳm sâu bà Sử biết con dâu thương mình hết mực!
Chuyện bà Nhi chăm mẹ chồng khiến mọi người tôn trọng. Anh Quang, chủ một quán nước ở gần Trung tâm hành chính huyện Sơn Tịnh, nói: "Ở đời, chuyện mẹ chồng nàng dâu nghe căng lắm, mà sao tôi thấy cô Ba với mẹ Sử đẹp đến lạ. Thiệt chứ chăm mẹ chồng nằm liệt giường 14 năm chu toàn vậy, tôi nghĩ chỉ có yêu thương lắm mới làm được".
Bà Nguyễn Thị Hằng, bí thư Đảng ủy xã Tịnh Sơn, nói: "Chuyện cô Ba Nhi chăm Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Sử ai cũng biết, cũng là phụ nữ, tôi nể phục cô Ba. Cô ấy đã viết một câu chuyện đẹp về đạo làm con, làm dâu".
--------------------------------
Cô gái ở tỉnh lẻ lên Hà Nội làm dâu, bị bất hòa lối sống và xem thường, nhưng cô đã xoay chuyển được bằng tình yêu thương và đạo hiếu dâu con.
Kỳ tới: Gái quê lên phố làm dâu hiếu thảo
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận