05/04/2018 10:48 GMT+7

'Mẹ cho mượn iPad con mới học bài'

NGUYỄN VĂN CÔNG (Đồng Nai)
NGUYỄN VĂN CÔNG (Đồng Nai)

TTO - Mỗi lần bảo con học bài đi, chị Minh Trang (TP.HCM) lại đau đầu vì con ra điều kiện: 'Mẹ cho con mượn iPad đi con mới học'.

Mẹ cho mượn iPad con mới học bài - Ảnh 1.

Minh họa: NGUYỄN NGỌC THUẦN

Việc con cái ra điều kiện, ngã giá, thương lượng, thậm chí "khủng bố" cha mẹ như con chị Trang không phải là hiếm.

Có thể thường gặp những tình huống như: "Bố mua siêu nhân cho con thì con mới làm bài tập!" hay "Hôm nay con không dọn phòng ngủ vì mẹ chưa đưa con đi chơi Thảo cầm viên!".

Vì sao trẻ ra điều kiện?

Trẻ con trong giai đoạn đầu thường học hỏi và phát triển nhờ cơ chế bắt chước. Nếu cha mẹ ra điều kiện cho trẻ kiểu: "Con ăn ngoan thì mẹ sẽ cho đi chơi" hoặc "Con giữ gìn chân tay sạch sẽ thì mẹ sẽ thưởng cho bánh kẹo", "Con học giỏi thì ba sẽ cho đồ chơi"…Trẻ sẽ nhanh chóng "kế thừa" và ra điều kiện khi ai đó muốn trẻ làm điều nào đó.

Kết quả là: "Mẹ cho con kẹo thì con mới đi tắm", "Ba cho con coi hoạt hình con mới làm bài tập"… Trường hợp này có thể nói là "gậy ông đập lưng ông".

Để khắc phục tâm lý "ra điều kiện" cho trẻ, các bậc cha mẹ tuyệt đối không lấy chuyện học của con cái ra để "thương lượng". Thay vào đó, hãy cùng con xác định lại mục tiêu của từng công việc của con.

Cạnh đó, cân nhắc trong thưởng - phạt trẻ. Ví dụ khi trẻ học tốt, trẻ đã được thầy cô khen thưởng thì cha mẹ không cần thưởng thêm nữa vì điều đó có thể làm cho trẻ cảm thấy những thành quả của mình quá quan trọng với mọi người và dễ dàng coi đó là một "món hàng" để "thương lượng".

Giúp con có trách nhiệm. Khi trẻ luôn mang trong mình suy nghĩ: "Mình đi học làm cho cha mẹ tự hào với mọi người. Nếu mình học không tốt thì cha mẹ rất xấu hổ với hàng xóm, đồng nghiệp...", thì bất cứ hành động nào của trẻ cũng phải "có điều kiện".

Trẻ không biết rằng việc học hành, tham gia các hoạt động là vì sự tiến bộ của bản thân. Vì thế, trẻ sẽ nghĩ ra đủ chiêu để "ra điều kiện", "thương lượng" rồi mới chịu thực hiện. Điều này khiến trẻ coi thường việc học, thiếu tinh thần trách nhiệm với gia đình và bản thân.

Để giúp trẻ, cha mẹ hãy quan tâm xem trẻ hành động vì điều gì và hướng trẻ vào những việc mà trẻ thấy có ý nghĩa.

Chỉ khi nào trẻ hành động xuất phát từ sự tiến bộ của bản thân, trẻ thấy hào hứng phấn đấu để đạt hiệu quả cao trong quá trình thực hiện công việc, thì trẻ mới thật sự trưởng thành.

Cha mẹ cũng có thể cho trẻ trải nghiệm những công việc cùng cha mẹ, qua đó để trẻ thấy cha mẹ hành động hoàn toàn là tự giác và tự nguyện.

Trẻ sẽ giải tỏa được những băn khoăn, như: "Vì sao mình phải làm việc nhà?", "Vì sao cha mẹ phải đi làm?", "Vì sao mẹ làm việc nhà vất vả mà không một lời kêu ca, phàn nàn?", "Sao ba lớn tuổi rồi mà vẫn đi học?"…

Tạo hứng thú học tập cho con. Đối với trẻ ở tuổi đến trường, hoạt động học vẫn là chủ đạo. Vì thế, cha mẹ hãy khiến con luôn cảm thấy khát khao những tri thức mới, thích thú tìm tòi, khám phá những điều chưa biết.

Hãy cùng học tập với con bằng những phương pháp sinh động và gắn với cuộc sống để kiến thức không còn đơn điệu, nhàm chán. Khi trẻ cảm thấy háo hức, vui thích trong học tập, chúng sẽ không nghĩ ra những điều kiện để mặc cả với cha mẹ nữa.

Cho con cơ hội trải nghiệm thành công. Việc học vốn nhiều gian nan và thử thách đối với trẻ. Nếu học quá tải, trẻ sẽ căng thẳng và dễ buông xuôi. Chúng sẽ nghĩ đến việc thương lượng với cha mẹ để tìm niềm vui ngoài việc học.

Do đó, cha mẹ hãy cho trẻ được tận hưởng "vị ngọt" của sự thành công. Đó có thể là những phần thưởng tinh thần như điểm số, vòng tay ôm ấp của cha mẹ, được biểu dương giữa gia đình.

Cha mẹ cũng có thể nhắc lại nhiều lần ưu điểm mà trẻ thể hiện cho mọi người trong nhà cùng nghe, điều đó sẽ khích lệ chúng càng hăng hái tích cực để giành những thành công lớn hơn.

Tạo điều kiện và động viên con tham gia các hoạt động ngoại khóa. Trẻ sẽ học hỏi được các kỹ năng hoạt động tập thể, thêm tự tin và có nhiều động lực để phấn đấu. Lúc này trẻ sẽ học chăm hơn để khẳng định với bạn bè và bản thân tiến bộ lên chứ không vì những điều kiện bên ngoài nữa.

Đồng thời, khi gia nhập các mối quan hệ mới từ hoạt động ngoại khóa, trẻ sẽ thấy mình đang thiếu hụt những kiến thức nào và sẽ tự mình tìm tòi để "lấp chỗ trống".

Để khắc phục tâm lý ra điều kiện của trẻ cần cả một quá trình lâu dài. Làm cha mẹ, rất cần sự kiên trì và quyết tâm, tất cả vì sự tiến bộ của trẻ.

15 lời dạy con cực thấm của nhà tư tưởng vĩ đại Nhật

TTO - Fukuzawa Yukichi (1835-1901) là nhà tư tưởng vĩ đại của Nhật Bản thời cận đại. Những tư tưởng của ông ảnh hưởng to lớn và sâu sắc, làm thay đổi nước Nhật thời kỳ này, thậm chí kéo dài đến tận ngày nay.

NGUYỄN VĂN CÔNG (Đồng Nai)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên