Chị K’Riểm bày trò cho các con chơi trong nhà để tránh ánh nắng - Ảnh: M.VINH |
Hạnh phúc sau cơn mang nặng đẻ đau đã không đến với chị K’Riểm (người dân tộc Châu Mạ, ở xã Đạ Oai, huyện Đạ Oai, tỉnh Lâm Đồng). Cách đây 9 năm, người phụ nữ này hồi hộp chờ đón đứa con đầu lòng. Thời khắc được lần đầu nhìn thấy con, chị dường như không tin vào mắt mình. Thằng K’Mĩ nhỏ xinh nhưng màu da trắng bệt, không có chút gì giống màu da đen của vợ chồng chị.
Chị tâm sự: “Tôi suýt ngất vì ánh mắt của con đỏ màu máu. Chỏm tóc nhỏ trắng như màu hoa cà phê”. K’Riểm kể người làng mách nhà chị bị ma nhập, mau mang con trốn đi xa rồi bỏ nó đi. Hoảng sợ chưa dứt vì không hiểu chuyện gì đang xảy ra nhưng chị không nỡ làm theo lời xúi giục của người làng vì “nó là con mình”.
Anh K’Mốt, chồng K’Riểm, bảo: “Vợ chồng mình không biết gì về bệnh bạch tạng nên sợ lắm. May mà hồi đó bác sĩ dặn dò kỹ nên biết cách bảo vệ con khỏi bị mặt trời đốt. Thằng K’Mĩ khi chập chững đi đã biết trốn ánh sáng chiếu vào mắt. Càng lớn thì da càng trắng, mắt càng đỏ và tóc thì trắng đục không giống ai hết”.
Lần sinh con đầu lòng khiến K’Riểm sợ hãi nhưng chị vẫn tin rồi mình sẽ có một đứa con bình thường. Khi K’Mĩ được 4 tuổi thì chị mang bầu K’Khuyết. Và thêm một lần nữa chị sợ hãi. Hi vọng của gia đình này tắt hẳn khi K’Khẩm ra đời và cùng chung số phận bệnh tật như các anh của mình.
Tuy không hiểu rõ về bệnh tình của các con nhưng vợ chồng chị nghe lời bác sĩ. Họ cùng nhau che chắn ngôi nhà tạm bợ của mẹ chồng cho mượn để ánh nắng không dội trực tiếp khiến các con sợ hãi và nổi mẩn ngứa.
Ban đầu những đứa trẻ trong làng đều sợ khi nhìn thấy các con của K’Riểm, thậm chí chúng không chịu chơi cùng. Vì vậy, người mẹ trẻ phải theo sát bên con, tìm bóng mát bày trò vui cho tụi trẻ con trong xóm chơi chung để chúng dần quen với sự khác thường của các con chị.
K’Mĩ đi học được 4 năm thì hết 2 năm chị phải đi học cùng để dỗ dành khi con bị bạn bè không cho chơi hoặc kịp thời can ngăn khi con đánh bạn vì bị chọc ghẹo. “K’Mĩ không nhìn thấy rõ, gần như phải áp sát mặt vào sách mới thấy chữ nhưng đã ham học rồi”, K’Riểm khoe.
Điều khiến chị vui nhất là sau nhiều năm theo sát con và giải thích về căn bệnh cho mọi người mà giờ đây không chỉ K’Mĩ mà ngay cả các em của K’Mĩ không còn bị xa lánh, thậm chí những đứa trẻ trong làng còn thích chơi với anh em K’Mĩ nữa.
Do các con thường xuyên đau ốm nên K’Riểm chỉ quanh quẩn làm việc nhà và chăm con. Còn anh K’Mốt không có việc làm nên đi rừng chặt tre, hái măng về bán kiếm sống qua ngày. “Khổ nhất là những lúc tụi trẻ trốn ra ngoài trời chơi, lúc về là chúng ngứa, sốt kinh khủng phải đi bệnh viện. Mỗi lần như vậy là chồng tôi phải đi hái măng rừng cả tháng trời mới đủ trả tiền nợ”, K’Riểm chia sẻ.
Ông Nguyễn Quốc Tuấn, bí thư xã Đạ Oai, cho biết: “Các con của K’Riểm đều mắc bệnh bạch tạng toàn phần. Chính quyền địa phương cũng rất quan tâm, hỗ trợ nhưng vì bọn trẻ cứ ốm đau triền miên nên gia đình này luôn sống trong cảnh khó khăn”.
Chuyên mục của báo Tuổi Trẻ đăng tải các địa chỉ, hoàn cảnh cần giúp đỡ và thông tin phản hồi về sự giúp đỡ của các nhà hảo tâm. Bạn đọc có thể giới thiệu các hoàn cảnh không may, khốn khó, bệnh tật, tai nạn bất ngờ... không còn khả năng tự giải quyết được để báo Tuổi Trẻ xác minh và đăng tải trên chuyên mục này. Thông tin giới thiệu gửi qua email: [email protected] hoặc ban công tác xã hội báo Tuổi Trẻ theo địa chỉ: 60A Hoàng Văn Thụ, P.9, Q.Phú Nhuận, TP.HCM. “Nhịp cầu nhân ái” mong nhận được sự chia sẻ từ quý bạn đọc. Mọi sự giúp đỡ xin gửi về báo Tuổi Trẻ, “Nhịp cầu nhân ái” sẽ công khai sự giúp đỡ và cam kết trao tận tay người cần được giúp đỡ. Địa chỉ: 60A Hoàng Văn Thụ, P.9, Q.Phú Nhuận, TP.HCM. Điện thoại: (08) 39973838. Số tài khoản: * VND: 102010000118248, Ngân hàng Công thương chi nhánh 3 TP.HCM; chủ tài khoản: báo Tuổi Trẻ. * USD: 007.137.0195.845 * EUR: 007.114.0373.054. Vui lòng ghi rõ: Nhịp cầu nhân ái - mã số 95, giúp đỡ gia đình chị K’Riểm, tỉnh Lâm Đồng. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận