16/09/2022 09:39 GMT+7

Mẹ bươn chải nuôi chữ cho con: 'Gia tài của tôi là các con'

DUY NGỌC
DUY NGỌC

TTO - Chồng qua đời vì bạo bệnh, dù sức khỏe yếu, chị Dương Thị Truyền (thôn Ba Tháp, xã Bắc Phong, huyện Thuận Bắc, Ninh Thuận) một thân một mình gồng gánh chăm lo gia đình, nuôi hai con ăn học đến nơi đến chốn.

Mẹ bươn chải nuôi chữ cho con: Gia tài của tôi là các con - Ảnh 1.

Nhà nghèo, người mẹ khắc khổ chỉ biết khóc vì lo không có tiền để con vào đại học - Ảnh: DUY NGỌC

Không phụ công sức của người mẹ gần 50 tuổi, hai người con đã cố gắng học hành chăm chỉ. Anh lớn vừa tốt nghiệp một trường cao đẳng ở TP.HCM, còn cậu con út Trịnh Dương Hoan (sinh năm 2004) vừa trở thành tân sinh viên ngành công nghệ thông tin, Trường đại học Công nghiệp TP.HCM với số điểm 25,4.

Tảo tần "gánh con"

Ngôi nhà ba mẹ con ở được hai vợ chồng chị tích góp xây hơn chục năm, đến nay đã xuống cấp. Nhà thiếu hơi ấm và bàn tay người đàn ông chăm lo nên càng trở nên trống vắng, đơn sơ.

Chồng mất cách đây gần 10 năm vì bệnh ung thư, một mình chị Truyền gồng gánh mưu sinh để chăm lo hai con đang tuổi ăn học. Nhiều lúc trong nhà chỉ còn ít gạo, mấy mẹ con nấu rồi luộc hai quả trứng gà là xong bữa.

"Có những lúc tôi cảm thấy cuộc sống bế tắc, nhưng nghĩ đến hai con, mình phải ráng cố gắng để tiếp tục chăm lo gia đình", chị Truyền rưng rưng kể.

Mẹ bươn chải nuôi chữ cho con: Gia tài của tôi là các con - Ảnh 2.

Sau 3 ngày vất vả, miếng giậm chân hoàn thành chỉ kiếm được 50.000 đồng - Ảnh: DUY NGỌC

Nhà nghèo, không có ruộng đất, chị Truyền quần quật làm lụng để nuôi các con. Hằng ngày, chị đi từ sáng sớm đến chiều tối mới về. Chị tâm sự: "Tôi bán vé số bắt đầu từ 6h sáng, đến 15h về đại lý trả và nhận vé mới. Sau đó tôi đi sơn chậu cảnh thuê. Công việc này được 20.000 đồng/giờ. Đến 17h tôi đi bán vé số tiếp, đến 21h thì về nhà và ngồi vào bàn máy may để may miếng giậm chân. 

Hôm nào khỏe, tôi ngồi đến 23h - 24h, còn hôm nào mệt thì ngồi đến 22h. Một miếng giậm chân phải mất 3 ngày mới xong. Mỗi miếng như vậy giá 50.000 đồng".

Chị tất bật cả ngày mà cũng chỉ kiếm được vài chục ngàn đồng. "Tôi không muốn nghỉ tay, vì nghỉ tay là thiếu tiền lo cho các con", chị Truyền trải lòng.

Cơ cực là thế, nhưng bù đắp lại những thiệt thòi của mẹ, hai người con chị rất ngoan, biết đỡ đần mẹ và chăm học. Hai người con còn tự bảo ban, chỉ dạy cho nhau học hành. Suốt 12 năm học phổ thông, hai con chị đều là học sinh khá và giỏi.

Mẹ bươn chải nuôi chữ cho con: Gia tài của tôi là các con - Ảnh 3.

Trong căn nhà nghèo dẫu không có nhiều đồ đạc, nhưng lại có rất nhiều giấy khen - Ảnh: DUY NGỌC

Em Trịnh Dương Hoan 12 năm liền đều là học sinh giỏi. Ba năm học THPT, Hoan đạt danh hiệu học sinh 3 tốt cấp trường và nhiều thành tích khác.

Chị Truyền tâm sự: "Thấy các con học giỏi, tôi rất vui và hạnh phúc. Dù có cực thế nào đi nữa tôi cũng cố gắng vượt qua. Gia tài của tôi là các con".

"Cùng khổ với mẹ để quyết tâm vươn lên"

Hôm nhận kết quả đậu vào Trường đại học Công nghiệp TP.HCM, tâm trạng cậu tân sinh viên Trịnh Dương Hoan rối bời. Cậu biết chắc mẹ hết khả năng lo cho mình. Đang phụ mẹ đếm vé số, Hoan nói khi vào TP.HCM sẽ tìm việc như gia sư, phụ quán cà phê... để kiếm tiền trang trải.

Em chia sẻ: "Mỗi ngày mẹ chỉ kiếm được vài chục ngàn đồng, lấy đâu ra số tiền lớn để đóng vào đầu năm học, nên em sẽ cố gắng làm thêm. Khi vào học rồi, em sẽ kiếm việc làm thêm để trang trải cho những năm tiếp theo".

Mẹ bươn chải nuôi chữ cho con: Gia tài của tôi là các con - Ảnh 4.

Những ngày còn ở nhà, cậu tân sinh viên Trịnh Dương Hoan dọn dẹp nhà cửa để đỡ đần cho mẹ - Ảnh: DUY NGỌC

Nỗi vui mừng khi biết tin con đậu đại học chưa dứt thì lòng người mẹ lại nặng trĩu mối lo biết lấy đâu tiền nhập học cho con. 

"Nhiều đêm tôi khuyên con bỏ học đại học để đi làm kiến tiền, con lại khóc, nhất quyết không chịu. Thấy con như vậy, mình cũng xót và bảo thôi cùng khổ với mẹ để quyết tâm vươn lên", chị Truyền nghẹn ngào nói.

Là học sinh tự hào của trường

Cô Bùi Thị Thùy Trang - hiệu trưởng Trường THCS Cao Bá Quát (xã Bắc Phong, huyện Thuận Bắc) - cho biết đã theo dõi Hoan từ lúc lớp 6 đến nay. Tuy nhà nghèo nhưng em luôn nỗ lực học tập, nhiều năm liền đạt danh hiệu học sinh giỏi và tham gia tích cực vào các hoạt động của trường. Lên cấp 3, Hoan vẫn giữ "phong độ", học tập tốt.

"Nghe tin em đậu đại học, tôi và nhiều giáo viên ở trường rất mừng. Bản thân tôi đã thăm, động viên Hoan cố gắng phấn đấu học tập. Hoan luôn là niềm tự hào của nhà trường bởi tấm gương vượt khó học giỏi", cô Trang nói.

Tuổi Trẻ đang tiếp nhận đăng ký học bổng

Mùa học bổng Tiếp sức đến trường thứ 20 (năm 2022), báo Tuổi Trẻ phối hợp với 63 tỉnh, thành đoàn cả nước tìm kiếm và trao khoảng 1.000 suất học bổng cho tân sinh viên có hoàn cảnh khó khăn. Mỗi suất học bổng 15 triệu đồng với tổng số tiền hơn 15 tỉ đồng.

Chương trình đang tiếp nhận đăng ký của tân sinh viên và người giới thiệu. Vui lòng truy cập địa chỉ: , làm theo hướng dẫn để đăng ký.

Năm 2022 còn có năm suất học bổng toàn phần (được cấp trong 5 năm liên tục) trị giá 375 triệu đồng, 50 laptop (hơn 600 triệu đồng) tặng tân sinh viên đặc biệt khó khăn, thiếu thiết bị học tập và 1.500 ba lô tặng sinh viên (230 triệu đồng)...

Từ nguồn hỗ trợ của nhiều đơn vị, cá nhân và đông đảo bạn đọc báo Tuổi Trẻ, đến nay đã có 22.370 tân sinh viên được "tiếp sức" với tổng số tiền hơn 164,5 tỉ đồng.

Mẹ bươn chải nuôi chữ cho con: Gia tài của tôi là các con - Ảnh 7.

Đồ họa: NGỌC THÀNH

Chắp cánh ước mơ học trò nghèo xứ Quảng Chắp cánh ước mơ học trò nghèo xứ Quảng

TTO - Buổi họp mặt thân tình, tay bắt mặt mừng của các cô chú Câu lạc bộ Tiếp sức đến trường Quảng Nam - Đà Nẵng ở tòa soạn báo Tuổi Trẻ sau hai năm đứt đoạn vì dịch bệnh.

DUY NGỌC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên