Con trẻ bơ vơ khi bố mẹ dán mắt vào điện thoại - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Có một dạo tôi phải làm việc vào buổi tối, thường xuyên check mail, trả lời điện thoại, tin nhắn liên tục đến khi lên giường đi ngủ. Một ngày, đứa con chưa đến 4 tuổi của tôi đứng trước mặt tôi nói một câu tha thiết nhưng rành rọt: "Mẹ, mẹ bỏ điện thoại xuống và ôm con đi!".
Một ngày, cô bạn đồng nghiệp của tôi đến văn phòng với đôi mắt đỏ hoe, khuôn mặt buồn rười rượi. Hết giờ làm việc, cô đến chỗ tôi, tuôn một tràng, giọng đầy ẩn ức: "Chị, giờ em mệt mỏi quá. Một mình em chèo chống gia đình. Em cày cuốc cả ngày lẫn đêm chỉ là để có tiền nuôi con ăn học.
Vậy mà con em chỉ mải mê trò chơi điện tử, suốt ngày phải tìm ngoài quán game thôi, em đau đầu quá, sao con em không thương em mà học hành cho đến nơi đến chốn".
Tôi biết cô cũng giống như rất nhiều cha mẹ khác, thường phàn nàn rằng thời nay con trẻ khó dạy, sống chỉ biết hưởng thụ, không có lý tưởng... Và người lớn cũng thường đổ lỗi cho nhà trường, cho xã hội hoặc cho chính con mình mà không hề nghĩ rằng họ mới chính là người quyết định trong việc giáo dục con mình.
Rất nhiều người quanh tôi say mê kiếm tiền, điều đó không xấu, nhưng dường như họ đã không cân bằng được thời gian dành cho công việc và gia đình.
Những người bố thường xuyên về nhà mà trên người nồng nặc mùi bia rượu khi con đã say ngủ, sáng hôm sau tỉnh dậy thì con đã đến trường.
Những người mẹ phó mặc việc chăm sóc, nuôi dạy con mình cho ông bà, người giúp việc hoặc gia sư để theo đuổi sự nghiệp. Kết quả là họ để lại những đứa trẻ ngơ ngác giữa dòng chảy quay cuồng của người lớn.
Hãy đến những quán nhậu vào khoảng 18h chiều, ngày làm việc cũng như ngày cuối tuần, bạn sẽ được chứng kiến không khí nhộn nhịp, ồn ào với những tiếng "dô dô" không ngớt.
Những người bạn nước ngoài của tôi thường nói rằng họ ngạc nhiên vì ở Việt Nam nhà hàng, quán cà phê rất nhiều và thường xuyên đông khách. Họ thắc mắc giờ đó, gia đình họ, những đứa trẻ đang ở đâu và làm gì?
Có thể chúng đang tranh thủ ăn vội gói mì hay cái bánh để kịp cho giờ học thêm tiếp theo. Hoặc chúng đang ngồi ngoan ngoãn với chiếc iPad, iPhone hay dán mắt vào màn hình tivi, máy tính. Vắng cha mẹ, những câu chuyện về trường lớp hay nỗi buồn thầm kín nào đó hẳn sẽ mất đi cơ hội được giãi bày.
Thỉnh thoảng đâu đó trên mạng, người ta đọc được thông tin một học sinh hủy hoại cuộc sống chỉ vì bị điểm kém, bị xúc phạm hay đau lòng hơn là bị xâm hại… mà không thể chia sẻ cùng ai.
Cha mẹ em ở đâu, người thân em ở đâu khi em nhen nhóm ý định rời bỏ cuộc đời này? Thời gian dường như là một thứ xa xỉ mà cha mẹ rất khó khăn để dành cho con mình!
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận